Vừa qua, Hiệp hội các trường CĐ, TC kinh tế - kỹ thuật (ATEC) đã gửi kiến nghị đến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận về việc không cho các trường ĐH tuyển sinh qua học bạ. Lý do đưa ra, việc đánh giá kết quả học tập và cách quản lý của từng địa phương, từng trường đã làm kết quả điểm số trong học bạ không phản ánh đúng kết quả học tập của học sinh THPT so với thực tế…
Cạn nguồn tuyển
Chuẩn bị kết thúc 4 đợt tuyển sinh kéo dài từ 1/8 đến nay, trường CĐ Bách Việt TPHCM tuyển được hơn 1.500 chỉ tiêu gồm cả CĐ và TC (chỉ chiếm khoảng 50% chỉ tiêu đề ra). Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn chỉ tuyển được hơn 50% chỉ tiêu (so với năm trước giảm khoảng 30%). Tình cảnh này cũng xảy ra với các trường CĐ khác như Vinatex, CĐ Công nghệ Thông tin TPHCM, CĐ Kinh tế Công nghệ… khi số lượng tuyển được chỉ bằng mức 60 - 70% chỉ tiêu đề ra. Các trường TC, tình trạng tuyển sinh còn èo uột hơn khi số lượng học viên tuyển được chưa đầy 50%, thậm chí, có trường lèo tèo chỉ vài chục học viên.
“Việc xét tuyển học bạ ít nhiều còn gây ra tiêu cực trong quá trình học bởi một số bộ phận giáo viên hiện nay vẫn còn tâm lý “Thương nhau chín bỏ làm mười” nên vô tình làm mất công bằng giữa các học sinh với nhau”.
Ông Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách Việt
|
Theo ông Phạm Dũng Danh, Hiệu trưởng trường TC Đông Nam Á, nguyên do của việc khó tuyển là năm nay, các trường ĐH cũng tuyển sinh thêm học bạ nên trường CĐ, TC không cạnh tranh nổi. “Bộ GD&ĐT gần như chỉ quan tâm đến hệ ĐH, CĐ mà bỏ quên hệ TC chuyên nghiệp dẫn đến cả xã hội đều tập trung vào các hệ ĐH, CĐ”- ông Danh thẳng thắn.
Ông Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng trường CĐ Bách Việt, cho biết việc các trường ĐH tuyển sinh bằng học bạ là nhu cầu tất yếu, thế nhưng khoảng cách giữa điểm để xét tuyển ĐH và CĐ là quá mỏng khi ở hệ ĐH, nhiều trường sử dụng mức điểm học bạ là 6.0 và 5.5 ở hệ CĐ khiến cho nguồn tuyển của hệ CĐ, TC cạn kiệt.
Có thể phát sinh tiêu cực
Ông Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TPHCM, cho rằng: “Đây là xu thế chung của các nước trên thế giới và tự chủ đại học của các trường bởi nhiều em hiện nay đang đi du học nước ngoài cũng qua tuyển chọn học bạ kèm với khả năng ngoại ngữ”.
Theo ông Anh, việc xét tuyển học bạ THPT với ngưỡng điểm trung bình 6.0 là không hề thấp; ngoài ra, việc xét tuyển học bạ ở ĐH là góp phần tạo cho thí sinh thêm cơ hội để chọn đúng trường, đúng ngành nghề mình yêu thích. “Kỳ xét tuyển vừa qua, mỗi thí sinh có được ba phiếu đăng ký xét tuyển, mỗi phiếu có 4 ưu tiên để chọn trường, chọn ngành. Tuy nhiên, vẫn có nhiều thí sinh do bị xáo trộn trong việc chọn điểm ưu tiên nên bị rớt hoặc đậu vào ngành, vào trường mình không yêu thích thì việc xét tuyển học bạ là cơ hội để thí sinh thay đổi nguyện vọng đó”, ông Anh nói.
Ông Hoàng Hoài Nam, Hiệu trưởng trường CĐ Giao thông Vận tải TPHCM cho rằng, việc các trường ĐH tuyển sinh bằng học bạ có thể làm giảm chi phí, thời gian cho thí sinh, thuận tiện cho cả trường và học sinh trong quá trình xét tuyển. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng tiêu cực phát sinh để học sinh có được học bạ đẹp trong xét tuyển. Chính vì vậy, cần phải có biện pháp thanh kiểm tra thường xuyên để tạo sự công bằng”.
Nguyễn Dũng (Tiền Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.