Nhiều trường đại học đang “hấp hối”

Tùng Anh Thứ năm, ngày 29/10/2015 06:51 AM (GMT+7)
Năm 2016, theo Bộ GDĐT, kỳ thi THPT quốc gia sẽ vẫn tiếp tục với vài cải tiến “nho nhỏ”, Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, nếu không thay đổi mạnh mẽ, nhiều trường đại học sẽ bị “bóp nghẹt”.
Bình luận 0

Ngày 28.10, tại Hà Nội,  Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) Việt Nam đã tổ chức hội thảo góp ý cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016.

Tuyển sinh chỉ đạt 40-50%

Đã 17 năm nay kể từ ngày thành lập, chưa năm nào Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ lại có một mùa tuyển sinh vất vả và thất bát như năm nay. GS Trần Phương – Hiệu trưởng  nhà trường cho biết, hàng năm, mỗi khóa trường  đều tuyển sinh đủ từ 4.500 – 5.000 sinh viên theo chỉ tiêu được giao, nhưng năm nay, đã hết tháng 10 rồi mà trường mới chỉ tuyển được 2.600 sinh viên. “Thiếu đến 50% chỉ tiêu là một điều trường chưa bao giờ lường được, lãnh đạo một số trường khác cũng than phiền với tôi không hiểu học sinh đi đâu hết rồi? Có phải các chuyên gia của bộ tính toán nhầm chỗ nào không?” – ông Phương nói. Cũng theo ông Phương, thiếu quá nhiều chỉ tiêu là một bài toán khá “đau đầu” đối với lãnh đạo các trường trong việc giải quyết công ăn việc làm cho số lượng giảng viên dôi dư… không có sinh viên để dạy.

img

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển tại ĐH dân lập Phương Đông năm 2015. Ảnh: Tùng Anh

Tương tự, Trường ĐH Dân lập Hải Phòng cũng đang khốn đốn với bài toán tuyển sinh khi đã sắp hết học kỳ 1 của năm học mới. GS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường mới tuyển được 40% chỉ tiêu và đã cạn nguồn để tuyển. Nguyên nhân không thể do chất lượng đào tạo vì trường đã có bề dày lịch sử nhiều năm nay, lượng sinh viên tương đối ổn định, cơ sở vật chất năm nào cũng được tăng cường, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm rất cao. Chỉ riêng năm nay lại “đói” học sinh như vậy. Để “cầm cự”, GS Nghị cho biết: “Trường sẽ phải có biện pháp cắt giảm biên chế giảng viên, thu hẹp khoa ngành, tiết kiệm các khoản chi kể cả… tiền điện, nước để có đủ kinh phí duy trì hoạt động”. Theo GS Nghị, lãnh đạo nhà trường đã nghĩ đến phương án xin thành lập trường liên cấp từ mầm non đến hệ THPT để “tự cung, tự cấp” nguồn tuyển nếu Bộ GDĐT vẫn duy trì kỳ thi THPT quốc gia như năm vừa qua.

Không chỉ các trường ĐH, năm nay việc tuyển sinh của các trường CĐ và trung cấp chuyên nghiệp còn vất vả hơn rất nhiều. Mới đây, lãnh đạo Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam đã quyết định tinh giảm biên chế 118 giảng viên năm học 2016 vì không tuyển được sinh viên. “Năm nay, cơ chế tuyển sinh của Bộ quy định điểm đầu vào ĐH thấp nên các trường CĐ, trung cấp không còn sinh viên để tuyển. Trường mới tuyển được  1/3 chỉ tiêu (1.300/3.750 chỉ tiêu). Bắt buộc phải tinh giảm biên chế” – lãnh đạo trường này cho biết. Bi đát hơn, một số trường trung cấp mới chỉ tuyển được 5 – 10% tổng chỉ tiêu như Trung cấp Công nghệ thông tin Sài Gòn, Trung cấp Kỹ thuật tổng hợp Đông Nam Á…

Bộ GDĐT tham việc

Theo các chuyên gia giáo dục, nguyên nhân dẫn đến tình trạng “cạn” nguồn tuyển là do những bất cập của kỳ thi 2 trong 1 mà mấu chốt ở việc Bộ GĐĐT quá “ôm” việc, không làm xuể và không lường trước được hậu quả.

Thẳng thắn góp ý tại hội thảo, GS Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng: “Việc đào tạo từ cấp tiểu học đến THPT, Bộ đều giao cho địa phương từ A – X, còn Z (thi tốt nghiệp) thì Bộ nắm. Ngược lại, lên cấp ĐH, Bộ lại giao cho các trường từ B – Z còn A (xét tuyển đầu vào) thì Bộ nắm. Như thế quá nghịch lý, riêng việc tuyển sinh đầu vào mà không làm được thì nói gì đến đào tạo và cấp bằng, Bộ nên thả việc tuyển sinh đầu vào cho các trường và nắm “đằng chuôi” là kiểm soát đầu ra, có như vậy mới hợp lý”.

Biện pháp mà GS Cương đưa ra để giải quyết tất cả những rắc rối tuyển sinh là cần tách hai kỳ thi ra, kỳ thi tốt nghiệp tổ chức gọn nhẹ như thi học kỳ 2 lớp 12 thôi, để cho các Sở tự làm, còn lại kỳ thi ĐH theo yêu cầu từng trường. Điểm sàn cũng bất hợp lý vì động chạm đến quyền của người học. Mọi học sinh tốt nghiệp phổ thông thì có quyền xét tuyển vào ĐH miễn là các trường đồng ý tuyển.

Đồng tình với quan điểm này GS Trần Phương cho biết, mỗi năm Trường Kinh doanh Công nghệ đào tạo 100 – 200 sinh viên không đủ điểm sàn có nguyện vọng học ngoại ngữ để đi du học. “Hiện chỉ tính riêng ở Mỹ nước ta đã có 17.000 sinh viên theo học ĐH chỉ với bằng tốt nghiệp THPT. Điều đó để khẳng định điểm sàn đã lạc hậu, nó vừa cản trở quyền lợi đi học của học sinh vừa như “vòng kim cô” bức tử các trường ĐH trong nước. Đồng thời tạo điều kiện cho hàng tỷ USD của nước ta chảy ra các nước khác chỉ để tiêu cho cái bằng ĐH, như thế là không đáng” – GS Phương nói. 

Theo báo cáo từ Bộ GDĐT, mùa tuyển sinh năm 2015 có gần 580.000 thí sinh đủ điểm sàn để xét tuyển vào ĐH, CĐ thì ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên đã có gần 555.000 thí sinh trúng tuyển, vậy làm gì còn nguồn cho các trường top dưới, CĐ, trung cấp nữa”.

PGS-TS Bùi Thiện Dụ - Hiệu trưởng ĐH dân lập Phương Đông

  Không nên có 1 mức điểm sàn duy nhất mà phải chia từng mức điểm sàn cho từng “top” trường và quy định trường thuộc “top” nào thì chỉ được tuyển sinh ở mức điểm cho phép, siết chặt chỉ tiêu, phạt nặng trường tuyển thừa chỉ tiêu. Bộ GDĐT “đẻ” ra các trường thì phải có biện pháp để cho những đứa con của mình sống. Còn việc khi nó đào tạo chất lượng không ra gì thì xã hội sẽ tự đào thải”. 

PGS-TS Trần Xuân Nhĩ –  Phó Chủ tịch Hiệp hội các Trường ĐH, CĐ 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem