Đại hội VFF khóa VII: Thành công sau nhiều “sóng gió”

Thứ tư, ngày 26/03/2014 11:36 AM (GMT+7)
Không khí tại trụ sở VFF sáng 25.3 thật rộn ràng. Cái không khí ấy làm nhiều người dễ liên tưởng tới việc những người làm bóng đá Việt Nam (BĐVN) cùng đi xem… hội đầu xuân, hơn là tập trung trí tuệ để làm nên một đại hội thành công, đưa BĐVN phát triển...
Bình luận 0
VFF tin vào người Nhật Bản

Hơn 100 đại biểu thuộc đủ mọi thành phần tới dự Đại hội VFF với vẻ mặt vô cùng hồ hởi. Họ bắt tay, nói chuyện chúc sức khỏe nhau sau bao ngày cứ gọi là vui như Tết. Nhân viên phát tài liệu cho đại biểu đã phải làm việc hết công suất vậy mà khi tiếng chuông báo hiệu đại hội bắt đầu, vẫn còn một cơ số đại biểu xếp hàng chờ dưới sảnh khiến ông quyền Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng phải nhắc khéo ông Ngô Lê Bằng – Tổng thư ký VFF nói với bộ phận phát tài liệu tạm dừng để các đại biểu tập trung vào phòng họp cho kịp giờ.

Ông Lê Hùng Dũng (giữa) vui mừng khi trúng cử Chủ tịch VFF khóa VII.
Ông Lê Hùng Dũng (giữa) vui mừng khi trúng cử Chủ tịch VFF khóa VII.

Đại hội bắt đầu khá trang nghiêm với bài phát biểu khai mạc dài hơn 10 trang giấy A4 có ý nghĩa như chiến lược cơ bản đưa BĐVN lột xác của ông Lê Hùng Dũng. Nhìn chung, những điều ông Dũng nói đều không mới với những kế hoạch liên quan tới đào tạo trẻ, đề án cá cược bóng đá hợp pháp, vận động tài trợ, nâng cao chất lượng trọng tài, dẹp bạo lực sân cỏ…

Chi tiết đáng lưu ý và có vẻ mới nhất có lẽ là việc ông Dũng khẳng định sẽ đi theo cách làm của bóng đá Nhật Bản trong thời gian dài. Gần như chắc chắn VFF sẽ chọn một huấn luyện viên người Nhật dẫn dắt đội tuyển tại AFF Cup 2014, thậm chí là hướng tới những mục tiêu xa hơn nữa trong tương lai.

Nhiều rắc rối


Dù nói gì thì nói, bài phát biểu của ông Lê Hùng Dũng cũng khá thuyết phục. Vấn đề còn lại là các thành viên Ban chấp hành (BCH) VFF khóa VII có hợp sức với nhau để thực hiện thành công khẩu hiệu của Đại hội: "Đổi mới triệt để - toàn diện nhằm thực hiện tốt chiến lược phát triển BĐVN đến 2020 - Tầm nhìn 2030" hay không mà thôi.

Phía trước, phải chờ khi công việc vào guồng thì mới có thể đưa ra nhận xét chính xác. Nhưng với những gì diễn ra ở phần bầu cử thì nhiều người có cớ để lo lắng. Không có gì ngạc nhiên khi ông Lê Hùng Dũng, ông Trần Quốc Tuấn, ông Đoàn Nguyên Đức lần lượt trúng cử vào các chức danh Chủ tịch VFF, Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn, Phó Chủ tịch phụ trách tài chính. Cả 3 ông đều nhận được 60/62 phiếu ủng hộ, chiếm tỷ lệ 96,77%.

Vấn đề là ở phần bầu cử chức danh Chủ tịch VFF, đã có 13 lá phiếu không tích chữ “V” theo quy định mà lại tích chữ “X” vào ô lựa chọn tín nhiệm. Sự việc sau đó đương nhiên vẫn ổn thỏa khi Đại hội biểu quyết nhất trí 13 lá phiếu đó vẫn là phiếu hợp lệ. Nhưng rõ ràng ở đây có sự thiếu nghiêm túc của những đại biểu "mơ ngủ" hoặc cố tình "mơ ngủ" khi không làm đúng việc đơn giản nhất ở một khâu quan trọng nhất tại Đại hội.

Bầu Chủ tịch đã không xuôi, tới khi bầu Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông (2 ứng viên là ông Nguyễn Lân Trung - Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông VFF khóa VI và ông Nguyễn Xuân Gụ -Ủy viên thường vụ Uỷ ban Olympic Việt Nam) cũng gặp sự cố. Các đại biểu chỉ tích “V” vào ô đồng ý chọn người tín nhiệm và bỏ qua người còn lại (đương nhiên được hiểu là không tín nhiệm người này).

Trong khi đó, theo quy định thì phiếu bầu trong trường hợp này chỉ hợp lệ khi tích “V” đủ vào cả ô đồng ý và không đồng ý. Nghĩa là nếu tích đồng ý ông Xuân Gụ thì đồng thời phải tích vào ô không đồng ý với ông Lân Trung. Quy định này quá nhiêu khê và và đã bị các đại biểu phản đối. Sau khi xin ý kiến Đại hội, Đoàn Chủ tịch đã đồng ý với phương án đầu tiên. Nghĩa là đồng ý người nào thì tích "V" vào người đó và được bỏ trống người còn lại. Kết quả bầu cử vị trí này có bất ngờ khi ông Xuân Gụ trúng cử với 32/60 phiếu (2 phiếu không hợp lệ), chiếm tỷ lệ 53,34%. Còn ông Lân Trung chỉ được 28/60 phiếu, chiếm tỷ lệ 46,66%.

Thời gian bầu cử kéo dài khiến chương trình Đại hội bị “vỡ” và không có thời gian để 23 ủy viên BCH VFF khóa VII ra mắt Đại hội. Lý do là BCH VFF khóa VII đã có lịch gặp Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vào 17 giờ cùng ngày. Trong khi tới 16 giờ 30, việc bầu BCH vẫn chưa kết thúc bởi có 2 ứng viên (đứng thứ 23 và 24) có số phiếu bằng nhau và không quá bán nên phải bầu vòng 2 để chọn ra 1 người cuối cùng vào BCH.

Sau khi xin ý kiến về việc loại luôn 2 người này để gút danh sách ủy viên BCH còn 22 người thay vì 23 như dự kiến nhưng không được Đại hội chấp nhận, bất đắc dĩ, tân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng phải quyết định để 3 Phó Chủ tịch và 18 ủy viên BCH đã trúng cử lên xe đi gặp Phó Thủ tướng. Việc chọn ra 1 ủy viên BCH còn lại được giao cho ông Ngô Lê Bằng tiếp tục làm trong hội trường đã rất thưa thớt người khi nhiều đại biểu đã bỏ về vì không thể kiên nhẫn chờ thêm!

“Ủy viên BCH VFF cuối cùng đã được xác định là ông Nhan Thiện Nhân (HLV An Giang)” - ông Ngô Lê Bằng - Trưởng Ban bầu cử cho biết.

Phải xứng đáng kỳ vọng của công chúng
Trong cuộc gặp BCH VFF khóa VII chiều qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu VFF cần có chiến lược khoa học, bài bản phát triển bóng đá phong trào trong đó có bóng đá học đường, đào tạo bóng đá trẻ đối với cả nam và nữ. “VFF phải có những hành động cụ thể để BĐVN tốt lên, xứng đáng với kỳ vọng của công chúng” - Phó Thủ tướng nói.

Cần tập trung nguồn lực đào tạo trẻ


Tại Đại hội VFF khóa VII diễn ra hôm qua, phóng viên NTNN đã ghi nhận những ý kiến đóng góp thẳng thắn của các đại biểu tham dự Đại hội. Đa phần đều cho rằng Ban chấp hành (BCH) VFF nhiệm kỳ mới cần tập trung vào chiếc lược đào tạo trẻ.

Ông Hồ Văn Chiêm - Giám đốc điều hành SLNA:


VFF nhiệm kỳ mới cần biết tập trung nguồn lực kinh tế trong thời điểm khó khăn này để đầu tư đào tạo trẻ. Phải coi công tác đào tạo trẻ như mục tiêu sống còn của nền bóng đá. Nói thực, nếu không có đào tạo trẻ tốt thì không thể có SLNA ngày nay. Tôi nghĩ, VFF cần biết sử dụng đồng tiền hợp lý, không nên dàn trải, mà chọn những trung tâm nổi bật trong cả nước để đầu tư. Khi đó, chúng ta sẽ có nhiều tài năng bóng đá, và chất lượng mỗi CLB sẽ được cải thiện, chất lượng giải đấu sẽ được nâng cao, thu hút được CĐV tới sân. Và khi đó, thương hiệu của giải đấu tăng lên sẽ tỷ lệ thuận với giá trị bản quyền truyền hình. Các nhà tài trợ sẽ không tiếc tiền đầu tư vào bóng đá.

Ông Huỳnh Mau - Giám đốc điều hành HAGL:


Tôi nghĩ, doanh nhân họ làm kinh tế, đóng góp cho đất nước được thì cũng sẽ làm được bóng đá thôi. Anh Đoàn Nguyên Đức ở vị trí Chủ tịch CLB HAGL cũng luôn đau đáu những ý tưởng làm sao tốt nhất cho BĐVN, chứ không riêng một địa phương hay CLB cụ thể nào. Tôi tin, khi anh Đức làm Phó Chủ tịch phụ trách tài chính, mọi thứ sẽ tốt lên. Thêm nữa, bản thân mỗi CLB cũng phải tự thân cố gắng cải thiện chất lượng đội bóng của mình, thu hút được tài trợ. Mỗi CLB tốt lên, giải đấu sẽ tốt lên, các đội tuyển cũng sẽ tốt lên, “bộ mặt” BĐVN sẽ khác.

Ông Phan Anh Tú - Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Hà Nội:


Về chiến lược phát triển lâu dài bóng đá nữ, tôi nghĩ ngoài giải vô địch quốc gia (hiện nay có 6 đội, có khoảng 180 cầu thủ để chọn lựa cho đội tuyển), cần có một giải đấu thấp hơn. Đây là nơi để nhiều địa phương bước đầu làm bóng đá nữ có thể tham gia. Khi càng có nhiều cầu thủ, chúng ta sẽ càng có nhiều cơ hội lựa chọn hơn cho đội tuyển. Ngoài việc mở rộng số đội bóng tại các địa phương, chúng ta còn có thể tận dụng cơ sở vật chất của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam (Mỹ Đình) để lựa chọn “gà nòi” đào tạo theo cách mà Thái Lan đang làm. Công việc này hy vọng BCH VFF khóa VII có thể thực thi, đưa bóng đá nữ Việt Nam lên tầm cao mới.


Tuệ Minh (ghi)

Lê Đức (Lê Đức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem