Tổng thống Kiribati Taneti Maama đứng bên cạnh ông Tập tại Đại lễ Đường Nhân dân ở Bắc Kinh.
Theo SCMP, ông Maamau hồi tháng 9 năm ngoái tuyên bố Kiribati khôi phục quan hệ ngoại giao với Trung Quốc theo nguyên tắc “Một Trung Quốc”, mở ra triển vọng hợp tác mới.
Hôm 22.6, ông Maamau được 26.053 phiếu bầu so với 17.866 phiếu bầu của đối thủ Banuera Berina, từ đó tiếp tục là Tổng thống đảo quốc Thái Bình Dương Kiribati.
Hồi tháng 4, ông Maamau mất đa số ủng hộ trong quốc hội vì quyết định quay sang thiết lập quan hệ với Trung Quốc. Đối thủ Berina cáo buộc ông Maamau bí mật đàm phán với Trung Quốc trước khi công khai tuyên bố quyết định.
Ông Berina mở đường để Đài Loan ngôi phục quan hệ với Kiribati. Trung Quốc coi Đài Loan là vùng lãnh thổ không thể tách rời và sớm muộn cũng quay về với đại lục.
Năm ngoái, ngoài Kiribati, Đài Loan cũng mất sự ủng hộ của đảo quốc Solomon và hiện chỉ còn 15 đồng minh ngoại giao, 4 trong số này ở Thái Bình Dương.
Với việc ông Maamau tiếp tục làm Tổng thống, Đài Loan đã chấm dứt hi vọng khôi phục quan hệ với Kiribati.
Đài Loan tuyên bố vẫn theo dõi sát tình hình chính trị ở Kiribati và sẵn sàng hợp tác với đảo quốc này trong việc “thúc đẩy an ninh, ổn định, tự do và cởi mở ở khu vực Thái Bình Dương”.
Jonathan Pryke, giám đốc chương trình quần đảo Thái Bình Dương ở Viện Lowy, Sydney, Úc, nói những lợi ích mà Trung Quốc hứa hẹn đã quyết định lá phiếu ủng hộ ông Maamau.
“Maamau đã gửi đến người dân thông điệp rõ ràng về cách chuyển quan hệ mới với Trung Quốc trở thành lợi ích kinh tế”, Pryke nói. “Ông ấy cam kết giải quyết tình trạng thất nghiệp ở thành thị, tình trạng đông dân, bệnh dịch và những thách thức khác. Vấn đề bây giờ là Trung Quốc sẽ hỗ trợ Kirbati như thế nào”.
Kiribati là đảo quốc nhỏ bé với 120.000 dân. Trung Quốc cam kết hỗ trợ các quốc gia ở Thái Bình Dương số tiền tương đương 6 tỉ USD, dù đến nay nhiều khoản chi chưa được giải ngân.
Úc, quốc gia coi Thái Bình Dương như “sân sau”, từng chi 7,5 tỉ USD cho các đảo quốc, trong giai đoạn năm 2011-2017.
Đối với Trung Quốc, Kiribati có vị thế chiến lược nằm gần tuyến đường giao thương hàng hải và có ngư trường lớn. Kiribati hiện có một trạm giám sát vệ tinh của Trung Quốc nhưng đã ngừng hoạt động kể từ khi đảo quốc này quay sang Đài Loan năm 2003.
Pinto Katia, thành viên quốc hội Kiribati, nói ông Maamau đưa ra nhiều lời hứa, bao gồm khoản trợ cấp thất nghiệp tương đương 34,50 USD/tháng và số tiền này do Trung Quốc tài trợ.
“Họ đưa ra lời đề nghị hấp dẫn, không còn lựa chọn nào khác ngoài nhờ Trung Quốc hỗ trợ tài chính”, ông Maamau nói.
Trước cuộc bầu cử, Trung Quốc thông qua đại sứ quán, đã mở chiến dịch hỗ trợ cử tri Kiribati rộng rãi, tài trợ tất cả mọi thứ, từ bình chứa nước, toilet, dụng cụ thể thao.
Su Hao, giáo sư ở Bắc Kinh, Trung Quốc, nói kết quả bầu cử cho thấy những hạn chế của Đài Loan. “Không như Đài Loan, Trung Quốc và Kiribati có nhiều hoạt động thúc đẩy lợi ích chung”, ông Su nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.