Đại Lý đường xa vạn dặm

Thứ tư, ngày 05/02/2014 07:00 AM (GMT+7)
Trịnh Diễm Quyên, cô gái người dân tộc Bạch, quê gốc ở Đại Lý (Vân Nam, Trung Quốc) dẫn chúng tôi đi thăm quê hương của cha con Đoàn Chính Thuần, Đoàn Dự, nhân vật trong chuyện Thiên Long Bát Bộ nổi tiếng của Kim Dung.
Bình luận 0
Nhà văn Kim Dung chưa đến Đại Lý…

Từ Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam) đi ô tô đến Đại Lý mất chừng 8-9 tiếng đồng hồ. Dù hạ tầng giao thông khá tốt nhưng chặng đường xa vượt qua nhiều đèo núi nên hầu hết mọi người trong đoàn chúng tôi khá mỏi mệt. Tuy nhiên, khi đặt chân đến Đại Lý, đứng bên hồ Nhĩ Hải, nhìn lên núi Thương Sơn, cảm nhận không khí mát lành cùng sự tĩnh lặng của nơi đây, cảm giác đường xa tan biến lúc nào chẳng hay.

  Tòa tam tháp chùa Sùng Thánh.
Tòa tam tháp chùa Sùng Thánh.

Những ai từng xem phim hoặc đọc bộ tiểu thuyết võ hiệp Thiên Long Bát Bộ ắt sẽ khó quên hình ảnh Đoàn Dự, một hoàng tử trẻ tuổi, có tính tình hiền hậu của Vương triều Đại Lý. Mặc dù có điều kiện học võ từ sớm trong hoàng gia nhưng chàng trai này đã từ chối. Khi bị ép buộc, Đoàn Dự đã quyết rời bỏ hoàng cung đi bôn tẩu trên giang hồ. Một điều khá thú vị mà theo Trịnh Diễm Quyên chia sẻ, khi viết bộ tiểu thuyết võ hiệp này, tác giả Kim Dung chưa hề đến Đại Lý.

Trong lịch sử, Đoàn Dự được kế vị ngôi vua sau khi Đoàn Chính Thuần thoái vị nhường ngôi cho con, xuất gia tu hành tại chùa Sùng Thánh (Đại Lý) năm 1108. Theo truyền thống, năm 1147, Đoàn Dự cũng xuất gia đi tu, nhường ngôi lại cho con trai là Đoàn Chính Hưng kế vị ngôi Vua Đại Lý.

Đại Lý ngày nay là một điểm du lịch quan trọng của vùng tây nam tỉnh Vân Nam. Với diện tích khoảng hơn 1.400km2, nửa triệu dân, đây là một thành phố văn hoá và lịch sử có bề dày của Trung Quốc.

Theo Diễm Quyên, Đại Lý vẫn còn thưa dân cư nhưng giới giàu có của Trung Quốc về đây mua đất, xây nhà làm nơi nghỉ ngơi an dưỡng khá nhiều nên giá nhà đất đắt vào diện bậc nhất tỉnh Vân Nam.

Biểu tượng tâm linh của Đại Lý


Nếu như hồ Nhĩ Hải được người Bạch coi là “thiên đường nơi hạ giới” thì núi Điểm Thương, nơi có chùa Sùng Thánh lại là một biểu tượng của Đại Lý cả trong quá khứ và hiện tại. Trong Thiên Long Bát Bộ, chùa Sùng Thánh là nơi công tử họ Đoàn, tên Dự vô tình học được Lục mạch thần kiếm. Khuôn viên của chùa Sùng Thánh rộng hơn cả thành phố cổ Đại Lý.

Ngôi chùa này được xây dựng vào thời nhà Đường (khoảng năm 173 – 174 SCN). Ngôi chùa nằm uy nghi trên đỉnh núi với nhiều công trình lớn nhỏ khác nhau được xếp theo trật tự, thứ bậc về tâm linh theo quan niệm của người Đại Lý xưa. Các tài liệu lưu trữ cho thấy, chùa Sùng Thánh có quy mô “tam các, thất lầu, cửu điện, bách hạ” nên được mệnh danh là kinh đô của Phật giáo của Vân Nam. Trong đó có tòa nhà 890 gian với vô số bức tượng Phật (sử sách ghi lại có Phật 1 muôn 1 nghìn 400 tượng, được dùng 4 vạn 550 hộc đồng để đúc (1 hộc = 10 đấu).

Ba toà bảo tháp, xây dựng đời nhà Đường trong 36 năm (823-859) gồm tháp trung tâm mang tên Thiên Tuần cao 69,13m chia thành 16 tầng. Qua triều đại nhà Tống, xây tiếp 2 tháp phụ hai bên, cao 42,19m suốt thời gian 64 năm (1108-1172). Trải qua hàng chục lần động đất qua 1.300 năm lịch sử tồn tại, cả 3 toà tháp này vẫn đứng soi bóng xuống mặt hồ.

Hiện trong chùa vẫn còn một dãy nhà, nơi mà Đoàn Chính Thuần, sau khi thoái vị nhường ngôi cho Đoàn Dự vào đây tu hành. Dãy nhà này trông khá giản dị, nằm lưng chừng, phía bên phải trong khuôn viên chùa nếu đi từ trên xuống, quanh năm đóng cửa.

Buổi tối, phố cổ Đại Lý nhộn nhịp bởi không khí của một đô thị du lịch, rộn ràng trong tiếng nhạc nước trong công viên rộng lớn bên hồ Nhĩ Hải. Buổi sáng tinh sương, nếu những ai thích tản bộ, phải dậy sớm một chút, rảo quanh những dãy phố vắng vẻ, thi thoảng lại nghe được tiếng suối róc rách len lỏi từ Thương Sơn chảy qua thành phố.

Trọng An (Trọng An)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem