Đại lý Honda Doanh Thu đẩy giá xe máy chênh cao ngất có thể đối diện với mức phạt nào?

P.V Thứ sáu, ngày 29/04/2022 08:10 AM (GMT+7)
Với việc tự ý đẩy giá xe máy của Honda Doanh Thu chênh cao hơn so với giá đề xuất của Honda Việt Nam, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng Tinh Thông Luật cho biết công ty này có thể sẽ bị xử lý vi phạm hành chính và buộc khắc phục hậu quả.
Bình luận 0

Honda Doanh Thu công khai bán chênh giá xe máy từ 10 - 20 triệu đồng

Như Dân Việt đã phản ánh, hiện nay tại hệ thống đại lý Honda Doanh Thu - Hà Nội đang diễn ra tình trạng bán xe máy chênh giá từ 10 - 20 triệu đồng so với giá đề xuất của Honda Việt Nam.

Tình trạng này đã, đang diễn ra phổ biến và ngày càng công khai khi gần như khách hàng không được mua bất cứ mẫu xe máy nào đúng với giá công bố trên trang chủ của Honda Việt Nam.

Luật sư nói gì khi Honda Doanh Thu tự ý đẩy giá xe máy cao nhất gần 20 triệu đồng? - Ảnh 1.

Honda Doanh Thu bán xe máy chênh cao hơn giá đề xuất của Honda Việt Nam. Ảnh P.V.

Theo đó, những dòng xe “hot" như Honda Vision đang được hệ thống đại lý Honda Doanh Thu tại 136 đường Phạm Văn Đồng, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội hay tại 101 A2 Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội bán chênh từ 10,16 - 11,71 triệu đồng so với giá đề xuất của Honda Việt Nam. Trong khi đó, giá xe Honda Lead đã chênh lần lượt là 14,1 triệu đồng và 19,21 triệu đồng, một số dòng xe khác cũng có mức chênh khác nhau.

Tình trạng này diễn ra công khai tại Honda Doanh Thu khiến người tiêu dùng vô cùng bức xúc. 

“Tôi đã tham khảo Honda Vision từ lâu, nhưng thời gian gần đây có ý định mua xe thì thấy báo giá cao quá. Honda Vision thường có mức giá dao động khoảng hơn 30 triệu đồng, nhưng giờ đại lý báo giá đến hơn 40 triệu đồng khiến tôi khá bất ngờ, gần bằng Honda Lead. Do đó, tôi đang vẫn đang phân vân và phải tìm hiểu thêm”, chị Quỳnh Anh (Xuân Đỉnh - Hà Nội) chia sẻ.

Không chỉ người dùng chịu thiệt thòi khi phải mua xe với giá cao mà nhà nước cũng thất thu một khoản thuế. Nguyên nhân là bởi giá xuất hóa đơn VAT của đại lý bằng đúng giá đề xuất của nhà sản xuất, trong khi đó phần chênh lệch là khoản thu riêng, không có hóa đơn chứng từ.

Theo quy định, lệ phí trước bạ xe máy được nộp trên cơ sở giá tính phí là giá trị xe ghi trên hóa đơn VAT. 

Như vậy, giá tính lệ phí trước bạ sẽ được ghi trên hóa đơn VAT, còn phần chênh lệch sẽ là khoản mà đại lý nghiễm nhiên “bỏ túi”.

Luật sư nói gì về việc đại lý Honda Doanh Thu tự ý đẩy giá xe máy cao hơn giá đề xuất?

Trao đổi với PV Dân Việt về tình trạng đại lý Honda Doanh Thu tự ý bán chênh giá, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết: “Cứ mỗi lần vật giá thị trường biến động, sản phẩm mới ra đời, các đơn vị nhập khẩu, phân phối, đại lý lại tìm cách đẩy giá lên gấp nhiều lần so với giá trị thực của nó. Trong khi cơ quan chức năng còn loay hoay tìm giải pháp xử lý thì hàng triệu người dân phải nhận lấy phần thiệt thòi này. 

Từ trước đến giờ người Việt Nam luôn luôn ủng hộ cho dòng xe máy Honda, nhưng hãng xe hình như không biết chăm sóc tốt khách hàng hoặc có thể biết nhưng lờ đi để cho các đại lý ủy quyền móc hầu bao của khách hàng, chỉ có người tiêu dùng là chịu thiệt thòi. 

Vì vậy, mỗi cá nhân phải nên tỉnh táo để lựa chọn sản phẩm phù hợp với mình, đừng mãi chạy theo thương hiệu hay thị hiếu. Đây không chỉ là lần đầu mà sự việc này diễn ra một quá trình dài. Đồng thời việc tăng giá so với giá niêm yết hay với giá trên hóa đơn sẽ dẫn đến sự thiệt hại nguồn thu ngân sách nhà nước”

Đại lý Honda Doanh Thu đẩy giá xe máy chênh cao ngất có thể đối diện với mức phạt nào?  - Ảnh 3.

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật.

Khi được hỏi về mức phạt, luật sư Diệp Năng Bình nói: "Theo quy định tại Khoản 6 Điều 4 Luật giá 2012; niêm yết giá là việc tổ chức, cá nhân sản xuất; kinh doanh thông báo công khai bằng các hình thức thích hợp; rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua; giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng Đồng Việt Nam. 

Việc niêm yết giá được thực hiện bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng; trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa; hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa. Có nhiều mặt hàng thiết yếu sẽ phải niêm yết như niêm yết giá mặt hàng sữa, niêm yết giá thuốc,…. 

Trong nhiều trường hợp giá niêm yết được hiển thị dưới dạng bảng giá; có thể được in trên bao bì sản phẩm; gắn ở bên dưới sản phẩm hoặc treo một danh sách dài bao gồm nhiều sản phẩm khác nhau; và ghi rõ giá của từng sản phẩm đó. Giá niêm yết phải được ghi rõ ràng, không gây nhầm lẫn cho người mua. 

Căn cứ theo quy định tại điều 12 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, Hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ bị xử lý như sau: 

Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi sau đây: 

a) Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; 

b) Niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng. 

Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi tại Khoản 1 Điều này vi phạm từ lần thứ hai trở lên. 

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá không thuộc Khoản 5 Điều này. 

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật ngoài hình thức niêm yết giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, kê khai giá. 

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện. 

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không công khai về Quỹ bình ổn giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 5 Điều này, trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, theo quy định tại điều 13 Nghị định 109/2013/NĐ- CP hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý bị xử lí như sau: 

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu hàng hóa, dịch vụ bán tăng giá có tổng giá trị đến 50.000.000 đồng, đối với một trong những hành vi tăng giá sau: 

a) Tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ cao hơn mức giá đã kê khai hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; 

b) tăng giá theo giá ghi trong Biểu mẫu đăng kí hoặc văn bản kê khai giá với cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu giải trình mức giá đăng ký hoặc kê khai hoặc có văn bản yêu cầu đình chỉ áp dụng mức giá mới và thực hiện đăng ký lại, kê khai lại mức giá. 

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. 

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị từ trên 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng. 

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị từ trên 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng. 

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị trên 500.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 55.000.000 đồng hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý khi kiểm tra yếu tố hình thành giá theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. 

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền thu lợi do vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại điều này".

Có thể thấy, việc tự ý đẩy giá xe máy của hệ thống đại lý Honda Doanh Thu cao hơn so với giá đề xuất của Honda Việt Nam diễn ra một cách công khai là hành vi không thể chấp nhận. 

Việc cố tình bán giá cao hơn, thông đồng đẩy giá xe máy cao hơn hoặc vô tình trốn thuế VAT trong hoạt động mua bán xe máy cần được các cơ quan chức năng tập trung xử lý nghiêm túc để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tránh gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.

Báo Dân Việt đã gửi thông tin này tới Honda Việt Nam nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang chờ ý kiến từ các ban ngành liên quan như Tổng cục thuế, Hiệp hội người tiêu dùng.

Báo Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả khi có những thông tin phản hồi đến từ các bên liên quan trong sự việc này...!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem