Thú chơi thời thượng
Ngôi nhà của ông P - Phó Giám đốc một sở lớn ở Hà Giang, vợ là bà C – một vị lãnh đạo của HĐND tỉnh được làm hoàn toàn bằng gỗ quý.
Hà Giang là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, thuộc diện 30a, điều này ai cũng biết. Nhưng ít ai biết rằng nhiều vị lãnh đạo tại địa phương này cũng có thú chơi khá thời thượng mà nhiều nơi khác không có được: Đó là tậu nhà sàn làm bằng những loại gỗ quý, hiếm như trai, nghiến (thuộc nhóm 2A - nhóm cấm khai thác, vận chuyển; trong đó cây trai đang có nguy cơ tuyệt chủng).
Chúng tôi về xã Phương Thiện (TP.Hà Giang) vào một ngày cuối năm. Phương Thiện là xã điểm NTM của tỉnh nhưng vẫn còn không ít nhà dột nát. Ông Đàm Văn Hiển – Trưởng thôn Lâm Đồng cho biết: “Thôn có 196 hộ, đa số là người Tày ở nhà sàn và vì thế cũng có gần chừng ấy ngôi nhà sàn. Nhưng giá trị có khi cũng chỉ bằng ngôi nhà của nhà bác B thôi”.
Tò mò trước thông tin này, chúng tôi tìm đến ngôi nhà được cho là của ông B - một lãnh đạo của tỉnh. Đó là một căn nhà sàn 5 gian, từ cột, sàn, vách được dựng hoàn toàn bằng gỗ quý như trai, nghiến, mái lợp ngói theo phong cách nửa cổ, nửa hiện đại, tọa lạc ở một vị trí rất thoáng đãng. Dưới gầm nhà là bộ ghế bằng ngọc nghiến.
Theo người dân, đây là ngôi nhà sàn bề thế, đẹp nhất tỉnh Hà Giang được cất năm 2011.
Rời thôn Lâm Đồng, chúng tôi về tổ 8, phường Quang Trung (TP.Hà Giang), tại đây chúng tôi tiếp tục được “mở mang tầm mắt”, khi tận mắt chứng kiến ngôi nhà hoàn toàn bằng gỗ quý, với kiến trúc độc đáo được cho là của chủ nhân tên V - cũng là một trong những lãnh đạo của tỉnh.
Nhà sàn ông V cũng 5 gian, 1 túp, rộng hơn rất nhiều so với nhà ông B. Cột to, cao, trước sân được bài trí nhiều chậu cây cảnh trông rất “phong thủy”. Dưới mái nhà mặt trước còn được trang điểm bởi những chiếc đèn lồng Trung Quốc.
Anh Thắng, người tự xưng là cháu ông V bảo: Ông V là người rất tin vào phong thủy nên việc cất nhà, bày trí cây cảnh, đồ đạc được ông rất coi trọng. Theo anh Thắng, ngôi nhà này được dựng năm 2008 song gia đình ông V chỉ về ở vào những ngày cuối tuần, vì ông có ngôi nhà rất khang trang ở TP.Hà Giang. Ở đây anh ta chỉ là người trông nom hộ.
Theo tìm hiểu của PV, để dựng được ngôi nhà bề thế với hàng chục khối gỗ quý này, ông V đã phải thuê rất nhiều thợ giỏi ở Nam Định lên đục đẽo hàng tháng trời mới xong, những ngày đó, nơi đây chẳng khác nào một công trường. Nào là xe chở tập kết gỗ về, máy xúc san nền, tiếng máy lẫn trong tiếng đục đẽo vang động cả một vùng.
“Xanh rừng” và “đỏ nhà”
Quan điểm
Ông Nguyễn Thế Đông – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm Hà Giang
Đa số các ngôi nhà trên được làm từ những năm 2008 đến 2012. Làm nhà chứ có phải thịt con gà đâu mà giấu được. Người dân biết và đương nhiên chúng tôi cũng biết. Nhưng toàn nhà lãnh đạo, cán bộ, vấn đề “nhạy cảm”, khó nói, khó giải quyết lắm. Ai bắt, bắt ai xử lý, đây là một vấn đề không hề đơn giản...
Ngoài 2 ngôi nhà “độc” trên, ở Hà Giang còn có hàng chục ngôi nhà hoành tráng không kém. Mỗi ngôi nhà có một kiểu thiết kế, độ hoành tráng khác nhau nhưng đều có một điểm chung đó là hoàn toàn bằng gỗ quý như nghiến, trai cao, rộng được thiết kế, chạm trổ công phu và đều là nhà của quan chức cấp tỉnh, huyện.
Một điểm chung nữa là, hầu hết họ đều đã có nhà cao cửa rộng, biệt thự ở thành phố.
Được coi là khu đất “vàng” nên ngôi nhà sàn của ông P - phó giám đốc một sở ở Hà Giang, còn vợ là bà C – một vị lãnh đạo HĐND tỉnh, ở tổ 18, phường Minh Khai (TP.Hà Giang) càng có giá và nổi danh hơn bởi ngôi nhà không chỉ được làm bằng chất liệu gỗ đặc biệt quý hiếm, mà còn tọa lạc trên mảnh đất hàng trăm mét vuông, có giá nhiều tỷ đồng.
Ngôi nhà của ông T - Giám đốc một sở lớn của tỉnh Hà Giang được làm bằng gỗ nghiến, trai.
Không chơi trội như những cán bộ đương chức, song một số vị lãnh đạo đã nghỉ hưu hoặc chuyển sang bộ phận khác lại có một cách chơi khác không giống ai. Dù chỉ làm nhà ở quê (xã Vĩnh Phúc, Bắc Quang), song ngôi nhà được cho là của vị cán bộ tên T - nguyên lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh vẫn toát lên được vẻ nguy nga, bề thế của nó, nổi bật như tòa lâu đài trong chuyện cổ tích xưa.
Ngôi nhà độc đáo bởi nó được làm đa số bằng gỗ trai. Ngôi nhà này rộng tới 6 gian, 28 cột to lừng lững, sàn, vách, cửa, cầu thang hoàn toàn bằng gỗ quý, được phun sơn bóng loáng, có thể soi gương được.
Nhà sàn của ông T – nguyên Hạt phó Hạt Kiểm lâm Vị Xuyên tọa lạc tại quê nhà - thôn Minh Tiến, xã Quang Minh (Bắc Quang) cũng vậy. Ngôi nhà sàn to, rộng, đẹp lộng lẫy mọc lên giữa một thôn nghèo xung quanh là những ngôi nhà cấp 4 xập xệ, khiến nó càng trở nên nổi bật hơn. Ngoài ra dưới gầm nhà còn kê một chiếc sập gỗ quý nguyên khối rộng và dày.
Nói về những ngôi nhà được cho là của nhiều vị cán bộ ở Hà Giang, nhiều người dân đã ví von rằng: “Khi đương chức thì ở biệt thự nguy nga, lúc “hạ cánh” thì về nghỉ dưỡng nhà sàn hoành tráng”. Người thì tỏ ra “ngưỡng mộ”, khâm phục thú chơi sang của các vị lãnh đạo này.
Nghe người dân nói vậy, tôi chợt nhớ đến câu nói về định hướng phát triển kinh tế của lãnh đạo tỉnh này. Rằng, để xóa đói, giảm nghèo, hoàn thành Chương trình xây dựng NTM, người dân các địa phương cần đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng.
Và phải chăng đó chính là sự kết hợp giữa mô hình “kinh tế xanh” và “nhà sàn đỏ”?
Xã thừa nhận có nhà sàn của lãnh đạo tỉnh
Ông Kiều Văn Bắc – Chủ tịch UBND xã Phương Thiện (TP.Hà Giang) xác nhận, ngôi nhà sàn của ông Đ.V.B – lãnh đạo của tỉnh được dựng năm 2008, ngay trên nền đất ngôi nhà cũ trước đây của ông B. Hiện hộ khẩu của ông B đã chuyển ra phường Nguyễn Trãi (TP.Hà Giang). “Bác ấy chủ yếu ở thành phố, chỉ cuối tuần mới về ở trong này. Còn gia đình bác vẫn đi lại hai nơi” – ông Bắc cho biết thêm.
Còn ông Dương Viết Phán – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang, Hà Giang) cũng xác nhận với PV NTNN, ngôi nhà sàn mà báo phản ánh đúng là nhà sàn của ông T (nguyên Giám đốc một sở của Hà Giang), được dựng vào khoảng năm 2010. Khi đó ông T có xin UBND xã để xây dựng, song xã không biết ông làm bằng loại gỗ quý, hiếm thuộc nhóm cấm.
“Hồi đó tôi đang làm Chủ tịch Hội Nông dân xã. Cuối năm 2013 mới chuyển sang làm Chủ tịch UBND xã. Lúc này nhà đã hoàn thành rồi, chúng tôi không thể xử lý được” – ông Phán cho hay.
Nam Tùng Sơn (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.