Đại sứ Tôn Sinh Thành: Mỹ rút khỏi Afghanistan tạo khoảng trống mênh mông cho Trung Quốc

Mỹ Hằng thực hiện Thứ hai, ngày 16/08/2021 17:13 PM (GMT+7)
Ông Tôn Sinh Thành, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, giảng viên cao cấp Học viện Ngoại giao, phân tích với phóng viên Dân Việt về những diễn biến mới nhất trong tình hình Afghanistan.
Bình luận 0

Taliban có sức sống của họ, khiến Mỹ không thể đánh bại bằng quân sự mà phải đàm phán

Đại sứ Tôn Sinh Thành: Mỹ rút khỏi Afghanistan tạo khoảng trống mênh mông cho Trung Quốc - Ảnh 1.

Đại sứ Tôn Sinh Thành. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thưa Đại sứ, ông dự đoán đất nước Afghanistan sẽ ra sao sau việc chính quyền Kabul sụp đổ?

- Tại Afghanistan đã thay đổi toàn bộ chính quyền: Từ một chính quyền theo đường lối dân chủ kiểu phương Tây giờ thành chính quyền Hồi giáo. Taliban đã tuyên bố xây dựng chính quyền Tiểu Vương quốc Hồi Giáo, theo luật Sharia. Điều đó khiến người ta lo ngại chế độ hà khắc của Taliban quay trở lại áp đặt với người dân Afghanistan, nhất là phụ nữ. Dù tuyên bố của người phát ngôn Taliban với BBC nói rằng Taliban sẽ thay đổi chính sách, trao quyền cho phụ nữ, cho phép họ đi học, đi làm việc, nhưng tuyên bố và hành động khác nhau thế nào thì phải chờ xem.

Taliban lên nắm quyền nhưng Afghanistan nhiều phe phái khác nhau, ngay bản thân Taliban cũng nhiều thành phần khác nhau. Trước đây Taliban từng kiểm soát đất nước nhưng không nổi. Khi Mỹ rút đi, chính quyền Kabul không còn nữa nhưng các mâu thuẫn xã hội ở Afghanistan vẫn còn nguyên đó, nhiều lực lượng chính trị, bộ tộc, sắc tộc lãnh chúa không chấp nhận Taliban. Trước đây đã hình thành liên minh chống Taliban, giờ không loại trừ khả năng xung đột lẫn nhau, kể cả nguy cơ nội chiến quay trở lại Afghanistan.

20 năm qua tại sao Taliban lại vẫn được ủng hộ ở Afghanistan dù họ theo đuổi một chính sách hà khắc, và việc họ có thể đánh bại được Chính phủ Afghanistan cho thấy họ vẫn có năng lực?

- Trước khi Mỹ can thiệp vào Afghanistan năm 2001 thì Taliban từng là một chính quyền trong giai đoạn 1996- 2001. Đầu tiên họ là phong trào sinh viên Hồi giáo cực đoan, tư tưởng Hồi giáo cực đoan của họ hấp dẫn người dân, đặc biệt là tinh thần dân tộc muốn chống ngoại xâm, thu hút thanh niên đi theo phong trào Taliban dù đó là sự hà khắc. Vì thế tôi nghĩ phong trào Hồi giáo Taliban có sức sống của nó. Dù bị tấn công 20 năm vừa rồi nhưng họ vẫn tồn tại do nhiều yếu tố, có thể nhờ sự trợ giúp bên ngoài như Pakistan - Taliban lấy trụ sở chính trị đối ngoại ở Qatar, mọi đàm phán với Mỹ diễn ra ở Qatar, nên sức sống đó khiến Mỹ không thể đánh bại bằng quân sự được, mà năm ngoái phải đàm phán, đi tới thoả thuận Mỹ rút quân với điều kiện Taliban  phải đối thoại với chính quyền Kabul để đạt được giải pháp chính trị.

Đại sứ Tôn Sinh Thành: Mỹ rút khỏi Afghanistan tạo khoảng trống mênh mông cho Trung Quốc - Ảnh 2.

Các thủ lĩnh Taliban chiếm phủ tổng thống Afghanistan. Ảnh: Al Jazeera.

Nhưng thực tế, đến đầu năm nay khi Mỹ rút chỉ còn khoảng 5.000 quân ở Afghanistan thì đó là cơ hội cho Taliban. Taliban chấp nhận đàm phán, đưa ra đòi hỏi cao trong cấu trúc chính quyền mới, nên Kabul không chấp nhận và đàm phán thất bại. Đó là chiến thuật của Taliban, chỉ muốn đàm phán cho có, ý đồ của Taliban là giải quyết bằng vũ lực khi Mỹ rút đi.

Quân chính phủ trên giấy tờ rất đông, với hơn 300.000 quân, nhưng rệu rã, không có tinh thần chiến đấu, là đội quân bù nhìn, tham nhũng, cho dù Mỹ đổ rất nhiều tiền của, vũ khí để xây dựng lực lượng này nhằm đương đầu với Taliban. Dù Taliban chỉ có 60.000 quân, nhưng đánh đến đâu quân chính phủ bỏ vũ khí tháo chạy đến đó, Taliban lấy được vũ khí của Kabul để đánh tiếp. Khi Mỹ rút quân là đã tạo ra thay đổi tương quan lực lượng trên chiến trường.

Đại sứ nhìn nhận Mỹ sai lầm ở đâu khi thất bại trong việc can thiệp vào Afghanistan?

- Thực ra đó là quy luật chung: Không thể một nước nào áp đặt giá trị, mô hình của mình cho nước khác, cho dù bất kỳ ở đâu. Trước đây ở Việt Nam, Mỹ không bao giờ xây dựng được một chính quyền có thể đứng vững. Ở Afghanistan càng thế. Người Afghanistan có tinh thần dân tộc rất cao, bất kỳ đế quốc nào can thiệp cũng phải ra đi cay đắng. Mỹ không kiểm soát được tình hình Afghanistan, phải ra đi là đúng. Nhưng hệ luỵ của sự ra đi ấy rất lớn, ra đi vào thời điểm người ta thấy Mỹ không đủ khả năng can dự bất kỳ nơi nào họ muốn như những năm sau Chiến tranh Lạnh. Giờ đã khác rồi, Mỹ không thể muốn làm gì thì làm, phải biết lượng sức mình, rút ở đâu và tập trung lực lượng ở đâu.

Đó là quy luật chung: Không thể một nước nào áp đặt giá trị, mô hình của mình cho nước khác, cho dù bất kỳ ở đâu.

Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan có tốt cho người Mỹ, cho an ninh của nước Mỹ?

- Thật ra năm 2011 Mỹ đã có ý định rút quân sau khi tiêu diệt được Bin Laden. Lúc đó Mỹ đã có kế hoạch rút quân và xây dựng chính quyền Afghanistan đứng vững, nhưng Mỹ đã không làm được điều đó cả 10 năm rồi. Nếu chính quyền Afghanistan đứng vững được là tốt nhất cho Mỹ. Như vậy ý định rút quân là lâu rồi, nhưng vấn đề ở đây là thời điểm rút hết quân. Thời điểm Mỹ rút đi, chính quyền Afghanistan chưa thể vững vàng, giống lâu đài cát tan ra lập tức. Về cơ bản mục tiêu của Mỹ là không đạt được, Mỹ muốn giữ chính quyền theo mô hình của Mỹ ở đây nhưng không được và cuối cùng họ phải chấp nhận ra đi. Như vậy nhìn lại về thời điểm rút quân thì không đúng.

Nhưng quyết định thoát khỏi bãi lầy ở Afghanistan, theo điều tra dư luận thì đa số người Mỹ ủng hộ chuyện rút quân. Về an ninh, rõ ràng trước đây Mỹ có thể đập tan bất kỳ lực lượng Hồi giáo nào đe doạ nước Mỹ, nhưng giờ họ phải ra đi và chấp nhận Hồi giáo cực đoan nổi lên. Nhìn bức tranh rộng thì là như vậy. Nhưng chiều ngược lại là bây giờ phong trào Hồi giáo cực đoan không phải hoàn toàn như trước nữa, không đe doạ an ninh các nước, nhất là Mỹ. Taliban đã thay đổi. Thoả thuận hoà bình tháng 2.2020 giữa Mỹ và Taliban có 3 điều kiện để Mỹ rút quân: Hai bên ngừng bắn lâu dài và toàn diện; Taliban đàm phán chính trị với Kabul – điều kiện này đã thất bại; điều kiện nữa là không cho phép sử dụng lãnh thổ Afghanistan để các lực lượng khủng bố tấn công Mỹ, thì Taliban có thể tôn trọng vì họ muốn quan hệ với Mỹ, họ sẽ hợp tác với Mỹ chống khủng bố. Nếu làm được điều đó thì Mỹ cũng sẽ không phải lo ngại về an ninh khi rút quân.

Mỹ không mất đi ảnh hưởng, Trung Quốc có lợi thế ở Afghanistan

Trong một bối cảnh thế giới và khu vực rất khác trong 20 năm qua, Đại sứ có cho rằng Taliban sẽ buộc phải thay đổi những chính sách hà khắc như họ đã nói?

- Đã 20 năm rồi, thế hệ các nhân vật Taliban cũ có thể đã thay thế. Thế hệ mới nhiều người được đào tạo ở phương Tây, có thể tư tưởng của họ đã thay đổi. Họ có thể thấy tấm gương nhiều nước Hồi giáo ở Trung Đông, cũng theo Hồi giáo nhưng rất phát triển, quan hệ ngoại giao rộng rãi, thậm chí có thể quan hệ với Mỹ. Như người phát ngôn của Taliban nói với BBC thì có thể họ có chính sách khác trước, Taliban giờ không phải Taliban của 20 năm trước.

Đại sứ nhìn nhận ra sao về sự tham gia của các nước lớn trong vấn đề Afghanistan?

- Với bên ngoài, như Người phát ngôn Taliban vừa nói, thì Afghanistan bước sang trang mới, sang giai đoạn xây dựng lại đất nước, cũng có chính sách mới là hoan nghênh tất cả các nước trên thế giới, các nước xung quanh, nước lớn, kể cả Mỹ, tham gia tái thiết Afghanistan.

Với Trung Quốc, trước khi Taliban chiếm Kabul, họ đã đi thăm Trung Quốc, kêu gọi Trung Quốc đóng vai trò xây dựng, thậm chí cả an ninh ở Afghanistan. Sau việc Kabul sụp đổ, người ta thấy Trung Quốc có lợi thế là không phải một bên đối địch với Taliban. Taliban có thể đi qua cánh cửa Trung Quốc ra thế giới.

Thực tế Trung Quốc cũng muốn quan hệ với Taliban  để ngăn chặn lực lượng người Ngô Duy Nhĩ đặt căn cứ ở Afghanistan để gây bạo động ở khu vực Tân Cương.  Tuy nhiên Trung Quốc cũng sẽ thận trọng. Trung Quốc mà thay thế Mỹ vào Afghanistan thì sẽ đứng trước bài học thất bại của các cường quốc ở đây. Trung Quốc  sẽ rất lo ngại, nếu họ sa lầy ở Afghanistan - nơi đã chôn vùi các đế chế như Anh, Nga, Mỹ. Đến lượt Trung Quốc, họ có muốn thay thế hoàn toàn ở đây thì cũng phải thận trọng, nhưng nhìn chung đây là cơ hội cho Trung Quốc với triển vọng đầu tư, xây dựng lại đất nước Afghanistan. 

Sự can dự về kinh tế an toàn hơn cho Trung Quốc. Từ kinh tế, Trung Quốc có thể kéo theo các vấn đề khác, ví dụ về chính trị, Trung Quốc có thể công nhận Taliban đầu tiên ở Liên Hợp Quốc.

Nước có lợi thế thứ hai là Pakistan. Pakistan có quan hệ chặt chẽ với Taliban từ trước, là "đất thánh" cho Taliban trước đây, thì lúc này là cơ hội để Pakistan tiếp tục có ảnh hưởng ở Afhganitan.

Quốc gia bất lợi là Ấn Độ. Trước đây Ấn Độ ủng hộ chính quyền Kabul nhiều mặt, cả dân sự, thậm chí cả huấn luyện quân sự, dù không trực tiếp đưa quân vào. Vì thế chính quyền Taliban mới sẽ không hoan nghênh ảnh hưởng của Ấn Độ, và tương lai quan hệ với Ấn Độ không rõ ràng. Afghanistan là nơi ẩn náu của các nhóm khủng bố, mà Ấn Độ có biên giới ráp ranh Afghanistan nên Ấn Độ rất lo ngại Taliban dung túng cho các nhóm khủng bố tấn công Ấn Độ, nhất là khu vực Kashmir, nên Ấn Độ đứng trước thế phải tính toán Taliban lên nắm quyền thì có quan hệ không, quan hệ như thế nào.

Iran cũng là nước có lợi thế trong quan hệ với Taliban. Nhưng Nga thì không có lợi thế lắm, dù Nga duy trì quan hệ với Taliban từ trước, phái đoàn Taliban cũng đã tới Mátxcơva đối thoại tìm giải pháp. Trước khi Mỹ rút và Taliban bước vào chiến dịch giải phóng Kabul thì Taliban đã đi các nước Iran, Trung Quốc, Nga để tạo bộ mặt chính trị, tạo thế chính trị ngoại giao cho họ.

Nhìn bức tranh ảnh hưởng có thể thấy rõ, với việc Taliban lên nắm quyền, một đất nước Afghanistan mới, các nước sẽ phải tính toán bước đi như thế nào. Nhưng tôi nghĩ cũng do chính sách các nước thôi. Mỹ đứng trước một Taliban đã thay đổi chính sách, không đối đầu với Mỹ nữa thì ảnh hưởng của Mỹ cũng không mất đi. Nếu Mỹ rút hẳn khỏi Afghanistan thì lại là cơ hội cho Trung Quốc, nên Mỹ phải tính toán duy trì ảnh hưởng của họ. Mỹ vẫn để lại đại sứ quán của họ ở Kabul với một vài người ở lại, họ không rút hẳn như năm 1975 khi Sài Gòn sụp đổ.

Dư luận đang rất quan tâm đến sự can dự của Trung Quốc. Sắp tới Afghanistan sẽ cần tái thiết đất nước. Theo Đại sứ, Trung Quốc có sử dụng sức mạnh mềm của họ trong vấn đề Afghanistan?

- Chắc chắn là như vậy. Mỹ đi khỏi Afghanistan để lại khoảng trống mênh mông cho Trung Quốc. Bây giờ tuỳ vào quyết định của Trung Quốc thôi. Tôi nghĩ sự can dự về kinh tế an toàn hơn cho Trung Quốc. Trung Quốc đang triển khai chiến lược Vành đai Con đường, một trong những tuyến của họ là Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC). Trước đây chính quyền Kabul đã muốn CPEC bao gồm cả Afghanistan và Pakistan. Khả năng Trung Quốc muốn khai thác cơ hội kinh tế ở đây, đặc biệt là khai khoáng. Trong tái thiết họ càng có nhiều cơ hội. Trước đây với chính quyền Kabul, Trung Quốc đã khai thác các mỏ khoáng sản ở Afghanistan rồi. 

Từ kinh tế, Trung Quốc có thể kéo các vấn đề khác, như giúp đỡ về chính trị, ví dụ ở Liên Hợp Quốc, Trung Quốc có thể công nhận Taliban đầu tiên, sau đó tới Iran và nước khác, sắp tới sẽ có việc công nhận này. Việc Trung Quốc nhảy vào khiến các cường quốc phải tính toán, không thể để Trung Quốc tự tung tự tác, mà các nước khác như Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông sẽ can dự và sẽ tiếp tục xảy ra việc tranh giành ảnh hưởng ở Afghanistan.

Để chấm dứt bạo lực, đem lại ổn định cho Afghanistan trong thời gian tới sẽ cần những yếu tố gì, thưa Đại sứ?

Trước hết Taliban phải xây dựng chính quyền hoà hợp gồm các bên, các phe phái, lực lượng, sắc tộc, bộ tộc khác nhau rất phức tạp ở Afghanistan, làm sao đại diện được cho đa số ở Afghanistan, làm sao giải quyết được mâu thuẫn trong xã hội Afghanistan thì họ mới yên ổn, mới phát triển được. Tiềm năng kinh tế của Afghanistan là rất lớn.

Thứ hai, bản thân chế độ Taliban phải điều chỉnh chính sách, phải chấp nhận các chính sách dân chủ hơn, giảm sự hà khắc theo luật Sharia thì mới thu phục được lòng dân. Sau 20 năm dưới chính quyền Kabul, nhiều tư tưởng dân chủ đã ăn sâu vào người dân Afghanistan. Nếu bây giờ quay trở lại với chế độ hà khắc trước đây, họ sẽ phản ứng cách này hay khác, Taliban phải thay đổi, thích ứng với điều đó. 20 năm qua người phụ nữ đã được giải phóng, được đi học, đi làm, giờ bắt họ không được đi học, quay lại chính sách của Taliban thì khó, nên để ổn định cũng sẽ trông chờ vào thay đổi của chính Taliban.

Về chính sách đối ngoại của Taliban, theo lời họ nói họ sẽ tập trung tái thiết đất nước, hoan nghênh các nước tham gia. Nếu họ theo đuổi chính sách quan hệ đối ngoại rộng rãi, đó là điều tốt, không đi hẳn với quốc gia nào, không đứng về bên nào để tạo sự cạnh tranh của nước lớn, dẫn tới sự bất ổn.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ Tôn Sinh Thành!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem