Đại sứ Việt Nam tại Indonesia hiến kế chống tắc đường cho Hà Nội

Hoàng Anh Tuấn Thứ sáu, ngày 20/01/2017 18:14 PM (GMT+7)
Nhân việc nguyên Đại sứ Việt Nam tại Anh Quốc hiến kế 6 giải pháp chống ùn tắc giao thông Hà Nội. Tôi hết sức ủng hộ việc này vì các nhà ngoại giao không chỉ sống và làm việc tại Hà Nội, "dù đi đâu xa cũng nhớ về Hà Nội", mà còn có điều kiện đi nhiều nước, sống ở nhiều quốc gia khác nhau. Cái quan trọng là họ biết tình hình xử lý ùn tắc giao thông nhiều nơi dựa vào sự chiêm nghiệm của chính mình.
Bình luận 0

img

Dân Việt trân trọng đăng bài viết của Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn về các giải pháp đóng góp cho Hà Nội giải quyết nạn tắc đường. Bài viết như sau:

Trên cơ sở những gì Đại sứ Vũ Quang Minh đã nêu, tôi sẽ không lặp lại, mà xin bổ sung vài điểm. Và đối với các góp ý này, mục đích chính không phải để nhận tiền thưởng, mà chỉ với một ước nguyện là những người có trách nhiệm ở Hà Nội xem xét nghiêm túc các đóng góp của chúng tôi để xây dựng một đề án khả thi nhất. Và các bạn Facebookers nữa, hãy góp sức và tâm huyết của mình bằng cách đưa ra thêm nhiều kiến nghị khả thi nữa trong comments ở dưới.

Sau đây là 7 giải pháp đóng góp giúp Hà Nội giải quyết nạn tắc đường:

1. Cho xây các bãi đỗ xe lớn ở khu vực cửa ngõ thành phố: Cách làm này tương tự như thành phố Jerusalem của Israel. Tại các cửa ngõ ra vào thành phố có những nơi đỗ xe bạt ngàn. Sau khi đỗ xe, họ ra bến xe Shuttle bus miễn phí (thành phố cung cấp) chạy liên tục từ bãi đỗ xe đến một số điểm chính trong thành phố để thực hiện công chuyện trong giờ cao điểm. Chủ xe có 2 lựa chọn: Nếu đi vào thành phố giờ cao điểm sẽ bị trả phí cao, còn đỗ xe ở ngoài thì trả phí thấp.

2. Biến dọc đường các phố thành nơi bãi đỗ xe công cộng, miễn phí trong 1 số giờ nhất định. Tuỳ từng đường, chính hay phụ, tắc ít hay tắc nhiều... mà quy định được đỗ xe từ 8h đêm (hoặc 9h, 10h đêm...) đến 6h sáng hôm sau, tức trước khi mọi người tham gia giao thông đông đúc. Bắt đầu từ 6h, lực lượng ghi xe phạt bắt đầu hoạt động để ghi hoặc tow xe vi phạm.

3. Khôi phục lại các xe chở khách to, nhỏ các kích cỡ, chạy trong nội đô như xe Tuk-tuk ở Bangkok Thailand (và thủ đô 1 số nước ĐNA như Manila, Jakarta...) hoặc xe lam của ta trước đây. Các xe này phải được đóng theo 1 số mẫu nhất định (các công ty nội địa làm được) đảm bảo về mặt mỹ thuật và an toàn. Cái lợi là giá đi xe này rất rẻ, chở khách nhiều (từ 4-12 người) phù hợp với thu nhập người lao động, công chức, những người thu nhập thấp... rất nhiều ở Việt Nam. Tất nhiên phải quản lý tốt, có hiệu quả, hạn chế số lượng xe nhất định trong toàn thành phố và từng khu vực.

4. Quy định một số đoạn đường chính, hoặc 1 hoặc 2 line trong đoạn đường đó... xe 4 chỗ đến 9 chỗ chỉ được lưu thông vào giờ cao điểm (từ 6h30-8h30 sáng hoặc 4h-7h chiều) nếu trên xe 4 chỗ có 3 người ngồi, xe 7 chỗ có 5 người, 9 chỗ có 7 người... trở lên (như HOV trên đường 66 nối Washinngton DC với Virginia). Cái này là để ngăn lượng xe 1 người lưu thông lãng phí và là nguồn gốc gây tắc đường. Còn làm sao kiếm đủ người thì chủ xe phải đi thương lượng, tìm người đi cùng tuyến...

img

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn.

5. Bán xăng giá rẻ bằng khoảng 1/2 giá thị trường với 1 số lượng nhất định (ví dụ 20l/tháng với taxi, 100l/tháng với xe khách 25 chỗ trở lên)... để giảm giá thành tối đa của dịch vụ xe khách để khuyến khích người đi. Thành phố không sở hữu các công ty xe khách mà chỉ tạo luật chơi công bằng cho các loại hình dịch vụ xe chở khách cạnh tranh về giá cả và chất lượng.

6. Dành cho người thực thi công vụ: Đào tạo lại những người thực thi công vụ và minh bạch hoá: Một nguyên nhân quan trọng trong việc dẫn đến tắc đường là người thực thi công vụ không nắm rõ công việc mình làm, làm không tốt và người dân không biết họ đang làm gì...

Thông thường nói đến nguyên nhân gây tắc đường ta đổ ngay cho dân, nhưng một nguyên nhân không kém là người thực thi công vụ.

Để làm tốt, cần mấy việc:

Một, đào tạo lại theo phương cách làm việc trong một đô thị hiện đại, văn minh đối với toàn bộ cảnh sát giao thông, những người tham gia xử phạt, cũng như các quản lý và lãnh đạo của họ. Việc này có thể thuê các công ty tư vấn giao thông nước ngoài giúp

Các lớp học này cũng phải tổ chức thi chặt chẽ như thi lấy bằng lái xe, thi ngoại ngữ (ví dụ thế) và ai đỗ mới được ra đường thực thi công vụ, thực hiện việc ghi phạt phat hoặc điều khiển giao thông.

Hai, phải có hệ thống camera đủ để cover và giám sát hoạt động của những người thực thi công vụ một cách minh bạch như camera giám sát và phạt nóng, phạt nguội xe. Tuyệt đối không cho triển khai lực lượng CSGT cắm chốt ở những khu vực không có máy quay giám sát hoạt động của họ. Người dân ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào cũng dễ dàng vào được hệ thống Camera để xem trích xuất hoạt động điều khiển giao thông của cảnh sát.

Cái này Thành phố Jakarta đã làm và làm rất tốt, dùng xã hội dân sự giám sát quyền lực nhà nước. Khi đó lực lượng CSGT sẽ buộc phải tự triển khai lại để hoạt động cho hiệu quả hơn.

Ba, sửa lại hình thức vé phạt, làm tương tự ở Mỹ và các nước phát triển. Khi cảnh sát yêu cầu dừng xe bắt buộc phải ghi lí do. Người dân có thể đồng ý hoặc không đồng ý và quyết định cuối cùng là do tòa. Hình thức đổi với người dân khi sai là bị phạt tiền, đối với CSGT hoặc người thực thi công việc nếu sai là mất việc (hình thức cao nhất).

Bốn, áp dụng triệt để các tiến bộ khoa học kỹ thuật và cũng rất rẻ tiền nữa. Lấy ví dụ ở Jakarta, bất cứ một nhân viên công quyền nào, do ngân sách thành phố trả lương buộc phải trang bị 1 máy điện thoại Smart Phone và đăng ký số máy với thành phố. Còn số điện thoại phải đăng ký và công khai vì thành phố trả tiền và thành phố chỉ sử dụng vào giờ hành chính chứ không phải ngoài giờ. Ai đồng ý thì ký hợp đồng, không thì thôi. Khi đi làm các nhân viên buộc phải  mở điện thoại.

Theo đó,  Jakarta phát triển 1 phần mềm có định vị GPS, kết nối với các nhân viên công quyền mà từ phòng hành chính của thành phố có thể nhìn trên bản đồ biết nơi nào đang tắc đường, biết chính xác nhân viên nào đang làm ở đó, chốt trực có bao nhiêu người, có đúng đang trực ngoài chốt hay ngồi quán cafe... Phần mềm này theo dõi hoạt động, di chuyển từ lãnh đạo thành phố, các giám đốc sở, đến lái xe, quét rác, cảnh sát giao thông... Phần mềm này có khoảng 20-25 chức năng, lãnh đạo thành phố hay bất kỳ người dân nào khi đến Tòa thị chính cũng có thể biết được hàng loạt chỉ số: hiện nay 1 đoạn đường trong thành phố sạch hay bẩn, có bao nhiêu đồng rác, ai đã làm vệ sinh, ai quản lý đoạn đường này; xe công vụ nào đang chạy trên đường, hiện ở khu vực nào, một tháng di chuyển bao nhiêu km, số xăng mua có đúng số km sử dụng không, có đúng di chuyển và hoạt động đúng mục đích không; tại sao đoạn đường A đang có xe đỗ vào giờ cao điểm mà không bị ghi phiếu phạt hoặc chưa bị tow, nước ở dòng sông, hoặc kênh mương này ngày hôm nay có ô nhiễm hơn hôm qua, hơn tháng trước hoặc năm trước không...

Lần đầu tiên tôi dẫn 1 đoàn Việt Nam đến gặp Thị trưởng và Tòa Thị chính Jakarta xem quản lý đô thị của họ mà ai cũng thấy choáng. Giữa tòa thị chính trên T2 là 1 màn hình kích cỡ lớn khoảng 40m2. Bên trong là phòng của khoảng 20 nhân viên thành phố theo dõi các computer nhỏ hơn làm việc. Bên ngoài là khách tham quan, có chỗ cho quan khách các tỉnh, thành phố khác về học tập, có nơi các nhóm dân sự ngồi làm việc để nhắc các bộ phận thực thi công việc. Toàn bộ bảng điện tử 40m2 là bản đồ Jakarta khổng lồ. Khi yêu cầu bật xem hoạt động của nhân viên quét rác thì thấy bản đồ nhấp nháy như sao sa, nhân viên di chuyển chuột thì có thể bấm để biết hiện bao nhiêu người làm việc, có túm 5 tụm 3 không; bấm sang 1 nút lại hiện bản đồ khác thấy có bao nhiêu xe công vụ đang di chuyển, ai lái xe; bấm tiếp là biết bao nhiêu cảnh sát giao thông đang trực, xử lý giao thông; một bản đồ khác bấm vào hiện mức độ ô nhiễm ngay tại thời điểm đó của từng con sông kênh rạch...

Các nhóm dân sự ngồi giám sát và nhắc nhở những người điều hành, rồi người điều hành liên lạc trực tiếp với người thực thi công việc... Các nhân viên công quyền bị nhắc nhở nhiều, làm không tốt trong một thời gian nhất định sẽ chịu các mức phạt khác nhau.

Năm, giảm bớt đáng kể lượng xe công chạy trong thành phố. Giao thông công cộng trong thành phố chỉ có thể cải thiện theo chiều hướng tốt (chất lượng dịch vụ, an toàn, giá cả...) nếu có nhiều quan chức cấp cao sử dụng thường xuyên.

7. Cuối cùng, giao thông không chỉ là giao thông mà là một hoạt động quan trọng của chính quyền đô thị. Hà Nội cần tính đến phương án tuyển dụng 1 nhân sự đặc trách giao thông có "quyền sinh, quyền sát" làm mạnh tay như Duterte, đuổi cổ thẳng cánh những nhân viên làm việc thiếu hiệu quả, phạt nặng người vi phạm...

Ngay tại Indonesia, đã có thời kỳ Tổng thống Suharto không thể ngăn chặn được sự tham nhũng trong ngành hải quan nên quyết định giải thể toàn bộ cơ quan này, thuê 1 công ty Thụy Sĩ làm và sau đó tổ chức lại cơ quan này.

Có thể không ít người còn đôi chút băn khoăn trong việc thuê 1 người đứng đầu, lãnh đạo 1 công ty/cơ quan "Siêu Sở" để quản lý giao thông cho Hà Nội. Nhưng ta đã thuê HLV ngoại cho ĐT bóng đá quốc gia, tại sao lại không thê thuê 1 HLV ngoại cho giao thông HN.

Chắc chắn có nhiều ý kiến khác nữa và xin được bổ sung thêm 1 số giải pháp để Sở GTVT Hà Nội tổng hợp hoàn thiện một đề án sắp xếp giao thông hoàn chỉnh, phục vụ người dân thủ đô.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem