Có lẽ khi quyết định cưỡng lại lời khuyên bảo của gia đình để rẽ ngang học Sân khấu Điện ảnh, anh kỹ sư Mỏ-Địa chất Nguyễn Hải chưa bao giờ nghĩ cuộc đời mình sẽ gắn liền với những vai diễn phản diện. Gương mặt góc cạnh, điệu cười nhếch mép, đặc biệt là đôi mắt nhỏ, ánh mắt sắc lẹm, dường như Nguyễn Hải sinh ra để dành cho những vai phản diện.
Chấp nhận sống hết mình vì đam mê, nghề diễn trả lại cho NSƯT Nguyễn Hải là những lần “dở khóc dở cười”, thậm chí cả cay đắng khi gia đình ông sống trong xì xào, dị nghị. Chính bản thân Nguyễn Hải từng bị khán giả đánh, bị ghét bởi ông đóng vai phản diện quá đạt.
NSƯT Nguyễn Hải trong "Truyện làng Nhô".
Ở tuổi 60, đang chờ về hưu, song Đại tá, Nguyên Phó trưởng Đoàn Kịch nói CAND, NSƯT Nguyễn Hải chưa một ngày nghỉ ngơi. Gặp ông ngoài đời, sẽ thấy ông di chuyển liên tục, bận rộn với những dự án phim, công việc tư vấn luật… Làm lãnh đạo đoàn kịch, làm diễn viên, làm luật sư…, ở bất cứ cương vị nào, Nguyễn Hải tự nhận, ông đều tôi luyện cho mình một tinh thần thép…
PV: NSƯT Nguyễn Hải được khán giả ưu ái dành tặng danh hiệu “nam diễn viên có gương mặt đểu cảng nhất màn ảnh Việt”. Cơ duyên nào khiến ông gần như gắn cả đời mình với những vai diễn phản diện?
NSƯT Nguyễn Hải: Năm 1975, tôi tốt nghiệp cấp 3, thi đỗ trường Hàng hải, Ngoại thương, song cuối cùng lại chọn Đại học Mỏ Địa chất. Thế nhưng, đến lúc tốt nghiệp, năm 1981, tôi quyết định theo học Sân khấu Điện ảnh. Lúc rẽ ngang, bố mẹ tôi giận lắm vì công sức 5 năm ăn học bỏ xuống sông cho nên cắt hết viện trợ.
Đại tá, Nguyên Phó trưởng Đoàn Kịch nói CAND, NSƯT Nguyễn Hải.
Cuộc sống khi ấy vô cùng khó khăn, tôi đã phải tiết kiệm đến từng xu lẻ để vừa đi học vừa trang trải cuộc sống, may có ông anh đi xuất khẩu lao động thi thoảng tiếp tế cho mấy mét vải, cái quần, cái áo. Tôi không sao quên được những ngày đến tiền mua vé xe buýt còn không có, phải đi bộ ròng rã 5, 6 tiếng đồng hồ từ Mai Dịch đến tận Cung Thiếu nhi, Lý Thái Tổ để xem kịch.
Tôi lăn lộn đủ mọi thứ nghề để kiếm tiền. Những ngày Tết, tôi về quê, ra chợ bán hoa quả cho mẹ. Rồi tôi mở hàng phở để nuôi vợ con, nuôi nghề diễn. Ngày mới tốt nghiệp, tôi chỉ được nhận vai quần chúng, những vai cầm cờ, chạy vụt qua sân khấu một lát, được trả 5.000 đồng, trong khi bán một bát phở được 7.000 đồng. Có điều đến lúc hạch toán bị lỗ vì không biết thái thịt, bốc bánh thế nào. Những hôm trời mưa, hai vợ chồng phải ăn phở cả ngày. Tôi còn lên cả chợ gầm cầu mua bát đĩa về bán sỉ. Con trai đi học về, chơi đùa xô một cái, vỡ bộ ấm chén thế là mất lãi cả tuần.
Đã có những lúc khó khăn quá, tôi định bỏ về quê làm ruộng, nhưng vợ không chịu về. Vợ không về thì phải ở lại Hà Nội, song muốn trụ lại mảnh đất này thì bắt buộc phải vươn lên…
Nhiều khi tôi nghĩ rằng, bản thân cần phải cảm ơn cuộc sống đã quá sức khó khăn thiếu thốn như vậy, bởi đó chính là chất liệu tôi đã trải nghiệm, hoá thân trọn vẹn từng vai diễn.
Trùm Cấn trong Quỳnh búp bê.
PV: Dường như người nghệ sĩ đóng vai phản diện quá đạt thường chỉ nhận lại sự căm ghét của khán giả, phải không thưa ông?
NSƯT Nguyễn Hải: Tôi chưa bao giờ ân hận hay hối tiếc vì cái tên Nguyễn Hải gắn với những nhân vật phản diện. Bởi người diễn viên được phục vụ khán giả, làm điều gì có ích cho xã hội đã là hạnh phúc rồi.
Nhiều người hỏi tôi có buồn không khi chưa bao giờ được đứng trên sân khấu nhận giải thưởng? Rồi ra đường luôn bị khán giả nhìn hoài nghi, dò xét… Từ sâu bên trong có tủi thân không, có chạnh lòng không? Có chứ.
Nhưng tôi ngậm ngùi chấp nhận. Và tự nhủ với lòng rằng, đã thế thì phải làm tốt, tốt hơn nữa, phải làm đến tận cùng, phải bóc hết mọi lớp lang của nhân vật. Những nhân vật phản diện của tôi nếu làm tốt chức năng cảnh tỉnh xã hội, phơi bày những mặt trái, góc khuất của con người, giúp mọi người hướng thiện, chẳng phải tôi đã làm tốt công việc của mình rồi hay sao?
PV: Chắc hẳn ông cũng phải mất một thời gian mới thấy việc bị khán giả ghét là điều bình thường?
NSƯT Nguyễn Hải: Nỗi buồn lớn nhất có lẽ là lớn đầu rồi, trên đầu đếm có 2 thứ tóc mà chưa bao giờ được gọi là anh, toàn bị khán giả gọi là “tên”, “hắn”, “thằng”… Khi tôi về vùng quê đóng phim, bọn trẻ con chạy theo hét lên: “thằng Trịnh Khả chúng mày ơi”. Lúc ấy chẳng biết buồn hay vui, vì cảm giác mình như đang mang tai hoạ về làng.
Đi xe buýt, mọi người nhìn mình rồi thì thầm, “lão Cấn, lão Cấn kìa”. Đấy là còn chưa kể hết bao nhiêu lần bị doạ đánh, bị ném đồ, ném đá. Lần về Kinh Môn, Hải Dương, tôi diễn vai Khánh “trắng” trong vở kịch “Quả báo”, còn bị thanh niên địa phương đón lõng, ném gạch đến độ rách vai, chảy máu.
PV: Trở lại nghề diễn và ngay lập tức đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ với tay trùm Cấn trong “Quỳnh búp bê”. Cái ác của nhân vật này có gì khác so với các vai diễn trước đó, thưa anh?
NSƯT Nguyễn Hải: Nếu lão Cấn “Quỳnh búp bê” giống Lê Thanh “Chạy án”, giống Trịnh Khả “Chuyện Làng Nhô” thì tôi thất bại. Đã có những lúc tôi và đạo diễn Mai Hồng Phong xung đột, rồi say diễn quá tôi vượt qua phạm vi của mình…
"Nếu lão Cấn “Quỳnh búp bê” giống Lê Thanh “Chạy án”, giống Trịnh Khả “Chuyện Làng Nhô” thì tôi thất bại", NSƯT Nguyễn Hải chia sẻ.
Cấn ác thì ác rồi, nhưng cái khó hơn là diễn cho ra nội tâm của Cấn. Con người Cấn rất phức tạp, mâu thuẫn. Cấn ít khi cười, nhưng nếu cười thì chỉ nhếch mép, mắt vẫn đăm chiêu, toàn bộ lông mày nhíu lại.
Tội phạm nào cũng có hồn riêng của nó. Thử hỏi Cấn có sợ con cái bị nghiện ngập ma tuý không? Cấn biết sợ pháp luật không? Cấn có mệt mỏi vì bị các thế lực đối địch, bè phái o ép không? Cấn cũng là con người, dù độc ác, thâm hiểm đến mấy Cấn cũng biết sợ chứ.
Cấn chịu nhiều áp lực, và phải diễn cho ra cái mâu thuẫn, giằng xé trong Cấn, đó là một thử thách không nhỏ với người diễn viên.
PV: Ông còn điều gì nuối tiếc với vai diễn Cấn, với bộ phim “Quỳnh búp bê” hay không?
NSƯT Nguyễn Hải: Xin thưa, cuộc sống còn nghiệt ngã hơn “Quỳnh búp bê” nhiều. Cá nhân tôi đánh giá, “Quỳnh búp bê” mới chỉ phản ánh được 65-70% so với thực tế. Còn nếu để mà diễn thoải mái, tung hoành, diễn sát với đời thì Cấn cần phải tàn độc hơn nữa, những tình tiết về thế giới ngầm, về nạn ma tuý, mại dâm cần phải khắc nghiệt hơn nữa.
PV: Ông ấn tượng với diễn viên nào nhất trong 3 nữ chính đóng vai gái mại dâm của “Quỳnh búp bê”?
NSƯT Nguyễn Hải: Tôi thích diễn xuất của Thu Quỳnh, vai My Sói vì cô ấy sống với nhân vật, chứ không phải diễn. Phải có lời khen với đạo diễn Mai Hồng Phong vì đã casting dàn diễn viên rất chuẩn cho “Quỳnh búp bê”.
"Tôi thích được gọi là nghệ sĩ Nguyễn Hải".
PV: Đứng trên nhiều cương vị, làm đủ nghề, ông thích được gọi với danh xưng nào nhất?
NSƯT Nguyễn Hải: Tôi thích được gọi là nghệ sĩ Nguyễn Hải. Tiền bạc, quyền lực, công danh rồi sẽ chỉ là hư vô. Chỉ những vai diễn sẽ còn sống mãi với đời.
PV: Xin cảm ơn ông.
Tố Uyên (VOV.VN)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.