"Đại tiệc" văn học và văn hóa Nga được tổ chức tại Việt Nam
"Đại tiệc" văn học và văn hóa Nga được tổ chức tại Việt Nam
V.N
Thứ bảy, ngày 07/10/2023 09:50 AM (GMT+7)
Lần đầu tiên nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu nổi tiếng của Nga tới Việt Nam và giao lưu với khán giả, độc giả Việt Nam trong chuỗi sự kiện quảng bá văn học và văn hóa Nga.
Chương trình hoạt động quảng bá văn học và văn hóa Nga tại Việt Nam diễn ra trong các ngày từ 4-9/10 tại Hà Nội và Hải Phòng, với sự tham dự của các nhà văn lớn của Nga, các nhà nghiên cứu và văn hóa Nga.
Chương trình diễn ra trong khuôn khổ thỏa thuận cấp nhà nước giữa hai bên, và được tổ chức tại nhiều địa điểm khác nhau ở Hà Nội và Hải Phòng: Tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga, Trường Phổ thông thuộc Đại sứ quán Nga tại Việt Nam, Đại học Hà Nội, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hội Nhà văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội, Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền....
Lần đầu tiên các nhà văn lớn của Nga Evgeny Vodolazkin, Afanasy Mamedov, Evgeny Chigrin, Anna Strokina sẽ đến thăm và làm việc tại Hà Nội. Tham dự các hoạt động có Tổng biên tập “Báo Văn học” Maxim Zamshev, Giám đốc điều hành Viện Dịch thuật Evgeniy Reznichenko, nhà sử học và tác giả của nhiều dự án văn hóa nổi tiếng Anna Esparsa.
Chiều 6/10 tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga đã khai mạc triển lãm “Văn học Nga - Lịch sử và hiện đại" do Anna Esparza dẫn chương trình. Anna Esparsa cũng là tác giả bộ phim “Sergei Rachmaninov – Nhà soạn nhạc người Nga trong nền âm nhạc thế giới” được trình chiếu tại đây. Triển lãm thể hiện hơn một trăm tài liệu lưu trữ độc đáo kể về cuộc đời và sự nghiệp của các nhà văn Nga nổi tiếng xưa và nay. Triển lãm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và trình chiếu tại Ấn Độ, Hungary, Kazakhstan, Mông Cổ, Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác.
Sáng nay 7/10 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam có bài giảng “Văn học và hiện thực” của nhà văn Evgeny Vodolazkin, và tại Trung tâm Khoa học văn hóa Nga có bài giảng “Những cái tên bị lãng quên của văn học Nga” do Tổng biên tập “Báo Văn học” Maxim Zamshev thuyết trình.
Nhà văn, nhà thơ, tổng biên tập của "Báo văn hoá" Maxim Zamshev sẽ kể về những nhà văn Nga từng nổi tiếng nhưng vì nhiều hoàn cảnh khác nhau mà tên tuổi của họ giờ đây đã bị lãng quên một cách đáng tiếc. Một câu chuyện hấp dẫn về quá khứ và hiện tại của văn học Nga, cũng như vai trò của "Báo văn hoá" đối với văn hóa và giáo dục của Liên Xô và Nga.
Cũng sáng nay có buổi giới thiệu sách “Người lái xe” và “Quả cầu dưới nước” dưới hình thức cuộc gặp gỡ đầy thú vị với tác giả - nhà thơ Evgeny Chigrin
Evgeny Chigrin là một trong những nhà thơ Nga đương đại đáng chú ý nhất, tác phẩm của ông gần đây đã được độc giả Việt Nam biết đến - tuyển tập những bài thơ đầu tiên của ông đã được nhà thơ và dịch giả nổi tiếng Mai Văn Phong dịch sang tiếng Việt.
Ngoài ra trong chương trình cũng có các buổi đối thoại giữa nhà văn và dịch giả về tiểu thuyết “Phi công” bằng tiếng Việt; lễ ra mắt tác phẩm văn học “Con tàu Babelon: lướt trên bốn ngọn gió lịch sử”; trò chuyện tương tác giữa nhà văn và nhà sử học “Lịch sử lớn từ một album gia đình” (giới thiệu cuốn sách ““Con tàu Babelon”của Afanasy Mamedov và cuốn sách của Anna Esparza “Những bí mật và anh hùng của Thế kỷ. Kho lưu trữ chưa xuất bản của Paris”); gặp mặt và thuyết trình với chủ đề: “Lịch sử báo Văn học”…
Trước đó, hôm 3/10 tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn học viên nước ngoài tốt nghiệp các trường đại học Liên Xô và Nga có sự tham dự của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền LB Nga tại nước CHXHCN Việt Nam G.S. Bezdetko, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội ông Đinh Công Sỹ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương.
Sự kiện có sự tham gia của các phái doàn người đứng đầu các tổ chức giáo dục đại học cũng như lãnh đạo lĩnh vực y tế từ các nước Châu Á. Về phía Nga, những người đứng đầu 14 tổ chức giáo dục hàng đầu đã tham gia sự kiện này.
Đây là sự kiện quan trọng nhằm phát triển quan hệ hợp tác giáo dục - y tế giữa Nga với các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, không gian giáo dục của Nga ở nước ngoài, đồng thời tiếp tục củng cố vị thế của tiếng Nga.
Đoàn các trường đại học Nga đã thăm Bộ Giáo dục và Đào tạo, làm việc với Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Kim Sơn về khả năng mở rộng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục. Hơn 3.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học ở Nga và con số này sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Chương trình chi tiết các sự kiện có thể được tìm thấy trên trang Facebook của Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.