Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh lúc sinh thời (ảnh IT).
Đại tướng Lê Đức Anh là một trong hai trường hợp được thăng hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng (năm 1974, người còn lại là cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên). Cả cuộc đời của ông gắn với con đường binh nghiệp và các chiến trường. Sau thời gian giữ làm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia, Tướng Lê Đức Anh được bổ nhiệm làm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam
Vừa nhậm chức, ông lập tức lên thị sát biên giới phía Bắc, đến các chiến trường quân ta đang chiến đấu chống quân bành trướng, rồi trở vào Nam Trung Bộ đến các đảo của quần đảo Trường Sa và quân cảng Cam Ranh. Ông đã có nhận định về vị thế của nước ta đang bị cuốn vào các vòng xoáy các nước lớn.
Sau khi trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh có điều kiện để trình bày một cách đầy đủ với Bộ Chính trị về những nhận định và đề xuất ý tưởng của mình. Vào tháng 2.1987, tại cuộc họp Bộ Chính trị, ông đã trình bày báo cáo, phân tích và nhận định về tình hình thế giới, trong nước, biên giới, đồng thời đưa ra ý tưởng phải tìm cách để đưa Việt Nam thoát khỏi vòng xoáy của những nước lớn.
Đại tướng Lê Đức Anh trong lần thăm Trường Sa (ảnh tư liệu).
Giải pháp mà ông đề xuất gồm những bước sau: Thứ nhất, hoạt động tích cực để đi tới chấm dứt xung đột biên giới phía Bắc, tiến tới lập lại quan hệ bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc; Thứ hai, tháo gỡ thế bao vây cấm vận của Mỹ để tiến tới thiết lập quan hệ bình thường với quốc gia này; Thứ ba, tìm cách gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Có thể nói những đề xuất tầm vóc đó đã giúp nước ta sớm ra khỏi khủng hoảng để bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước.
Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh trong một lần gặp mặt các tướng lĩnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Tiến Anh Tuấn)
Đại tướng Phạm Văn Trà kể: Vào thời điểm trước khi Liên Xô bị sụp đổ khoảng 5 tháng (Liên Xô sụp đổ năm 1991), Đại tướng Lê Đức Anh lúc đó đang là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, còn Tướng Phạm Văn Trà đang là Tư lệnh Quân khu 3.
“Ông có nói câu khiến tôi nhớ mãi: Với tình hình này coi chừng Liên Xô sẽ mất. Tôi là Bộ trưởng Quốc phòng yêu cầu các đồng chí Tư lệnh các Quân khu, Quân đoàn phải nắm chắc quân đội. Nếu Liên Xô sụp đổ thì thế giới có sự biến động rất lớn, tình hình sẽ đảo lộn, có thể một số nước xã hội chủ nghĩa cũng sẽ bị mất chế độ, đề phòng tình hình xấu với nước ta. Tất cả tướng lĩnh phải xuống đơn vị để sâu sát, nắm chắc quân đội. Các đơn vị phải thực hiện chỉ đạo của Đảng là luôn giữ ổn định chính trị”, Đại tướng Phạm Văn Trà nhớ lại.
Đại tướng Phạm Văn Trà (ảnh IT).
Nhờ sự lãnh đạo của Đảng, cùng với sự chuẩn bị của Quân đội, nên khi Liên Xô và các nước Đông Âu tan rã, Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định. “Sau khi Liên Xô sụp đổ, ở khu vực Quân khu 7 tình hình diễn ra phức tạp nhất, bọn phản động cứ cắm cờ ngụy đi ngoài phố. Chúng rêu rao Đảng CSVN sẽ tan rã và 3 tháng sẽ mất chế độ. Lực lượng kiểm soát quân sự đi bắt tất cả những đối tượng treo cờ ngụy và rêu rao gây hoang mang cho người dân”, Đại tướng Phạm Văn Trà cho biết.
Không chỉ là vị tướng có tầm nhìn chiến lược, có dự cảm chính xác, Đại tướng Lê Đức Anh còn là người có những quyết định táo bạo. Theo Tướng Trà, trong thời gian làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tướng Lê Đức Anh đã dám cùng Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cho giảm quân số xuống 2/3.
“Khi họp Chính phủ ông có nêu ý kiến, sỹ quan đã đi chiến đấu cả cuộc đời giờ về không có gì đề nghị Quân đội nếu còn thừa đất thì cấp cho anh em sỹ quan, lúc đó mới có chủ trương cấp đất; còn đối với anh em sỹ quan trẻ khi phục viên Nhà nước sẽ tạo điều kiện để đi xuất khẩu lao động. Cắt giảm được quân số như thế sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách quốc phòng và chúng ta mới có điều kiện để hiện đại hóa quân đội”, Đại tướng Phạm Văn Trà cho biết.
Theo Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, Đại tướng Lê Đức Anh, sinh năm 1920, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, Đồng chí đã từ trần vào hồi 20 giờ 10 phút, ngày 22 tháng 4 năm 2019 tại nhà Công vụ, số 5A, phố Hoàng Diệu, Thành phố Hà Nội. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.