Thủ tướng: Đại tướng Lê Đức Anh là vị tướng trận mạc, có tầm nhìn chiến lược

Lương Kết Thứ sáu, ngày 03/05/2019 12:07 PM (GMT+7)
Tại Lễ truy điệu Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đọc Điếu văn.
Bình luận 0

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc Điếu văn tại Lễ tang Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh (ảnh PV).

Thủ tướng cho biết, hôm nay, trong niềm xúc động và tiếc thương vô hạn, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng đồng bào, đồng chí và gia đình tổ chức trọng thể Lễ truy điệu và tiễn đưa Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nơi an nghỉ cuối cùng.

"Đại tướng Lê Đức Anh là một nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân ta; người đảng viên cộng sản kiên trung, suốt đời cống hiến, hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Đại tướng mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân ta, đối với gia quyến, để lại niềm tiếc thương đối với đồng bào, đồng chí, gia đình và bạn bè quốc tế", Thủ tướng khẳng định.

Trong Điếu văn, người đứng đầu Chính phủ đã điểm lại cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang của Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh:

Đại tướng Lê Đức Anh (bí danh Nguyễn Phú Hoà; Sáu Nam), sinh ngày 01.12.1920, quê quán tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 1937 khi mới 17 tuổi, đã tham gia phong trào dân chủ ở Phú Vang, Thừa Thiên - Huế. Tháng 5.1938, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Ông luôn bám dân, bám địa bàn, hoạt động và xây dựng phong trào cách mạng ở cơ sở từ tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, đến Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước.

Tháng 8.1945, ông tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, Đại tướng Lê Đức Anh luôn có mặt ở những địa bàn chiến trường trọng yếu, khó khăn, ác liệt. Ông đã kinh qua các chức vụ từ cấp đại đội, chi đội, trung đoàn, Tham mưu trưởng Khu 7…

img

Đại tướng Lê Đức Anh có cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang.

Trên cương vị là Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh miền Nam, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh miền Nam, Tư lệnh Khu 9, Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân Tây Nam, Đại tướng đã trực tiếp tham gia và chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, luôn thể hiện bản lĩnh của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, giữ vững thế tiến công, chủ động tấn công, lăn lộn với thực tế chiến trường để tìm ra những cách đánh hiệu quả, giảm hy sinh xương máu của chiến sĩ và đồng bào, góp phần cùng quân và dân ta giành được nhiều thắng lợi có tính chiến lược., như: Đánh bại cuộc hành quân mang tên Gian-xơn Xi-ti của Mỹ tấn công căn cứ của Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền ở Tây Ninh năm 1967, chống địch lấn chiếm, phá hoại Hiệp định Pa-ri năm 1973 trên địa bàn Khu 9, cuộc Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng nhiều tỉnh, thành phố có vị trí chiến lược, làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo đà góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đại tướng Lê Đức Anh là một vị tướng trận mạc, một nhà chỉ huy xuất sắc, có tầm nhìn chiến lược, có chiến thuật tài tình và linh hoạt xử lý các tình huống phức tạp. Ông là một trong hai sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được phong hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng. Cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng gắn với nhiều chiến trường vào Nam ra Bắc và thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, Đại tướng là một trong những tướng lĩnh trực tiếp chỉ huy chiến trường và giành nhiều thắng lợi quan trọng, bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc và giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng. Ông cũng là người trực tiếp thị sát, chỉ đạo và đóng góp quan trọng trong thực hiện chủ trương xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau khi đất nước hoà bình, thống nhất, Đại tướng được Đảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách, như: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Cam-pu-chia, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư Đảng uỷ Quân sự Trung ương; là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI, VII, VIII; Bí thư Trung ương Đảng khoá VII; Uỷ viên Bộ Chính trị các khóa V, VI, VII, VIII; Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII; Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ tháng 9.1992 đến tháng 12.1997; Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ năm 1997 đến tháng 4.2001; Đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII và IX.

Ở bất kỳ cương vị nào, Đại tướng luôn trăn trở, tìm tòi, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước có nhiều quyết sách quan trọng để tái thiết đất nước, khởi xướng công cuộc đổi mới, phá thế bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước; cùng Đảng uỷ Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng tập trung xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng thế trận "chiến tranh nhân dân" và nền quốc phòng toàn dân, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước.

Khi giữ trọng trách Chủ tịch nước, với tầm tư duy chiến lược, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tác phong sâu sát, Đại tướng Lê Đức Anh cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề ra và chỉ đạo triển khai thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, đưa đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng Lê Đức Anh đã có nhiều công lao to lớn và cống hiến xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta, tuyệt đối trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Thủ tướng khẳng định, Đại tướng Lê Đức Anh là một nhà chính trị, nhà quân sự tài năng; một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng là tấm gương sáng để đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ cả nước yêu quý, kính trọng, học tập và noi theo.

“Đối với đồng chí, đồng đội, Đại tướng Lê Đức Anh không phân biệt cấp bậc, chức vụ, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi, luôn quan tâm, chăm lo cho cán bộ, chiến sỹ và thực hiện chế độ, chính sách hậu phương quân đội. Đồng chí luôn gần gũi, chân tình, sâu sắc và nặng tình nghĩa với quê hương. Trong gia đình, ông là người chồng, người cha, người ông, người cụ mẫu mực, đức độ, giàu đức hy sinh và lòng nhân ái.

Với 99 tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh đã trọn đời phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Nhân dân ta. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Chúng tôi mãi mãi nhớ về Đại tướng Lê Đức Anh - anh Sáu Nam kính mến, người đồng chí thân thiết, chí tình, một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo xuất sắc, một nhân cách đức độ, giản dị, gần gũi…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem