Đại Việt ồ ạt tiến đánh, quân Nguyên rơi vào thế kinh hoàng

Thứ năm, ngày 06/06/2019 16:31 PM (GMT+7)
Thời cơ thuận lợi để phản công khi quân Nguyên suy yếu sẽ trôi qua nếu quân dân Đại Việt không tận dụng được. Nhưng tất nhiên với tài trí của những nhân vật lớn trong một thời đại anh hùng, quân ta đã nắm bắt thời cơ và tận dụng triệt để.
Bình luận 0

Thời cơ chỉ đến một lần

Theo như lời của vua Trần Nhân Tông, trước tiên quân ta phải làm cho địch nhụt chí rồi từ đó đi đến thắng lợi hoàn toàn. Thế nào để “làm cho chúng nhụt chí”? Quân Nguyên đánh trận xa nhà lâu ngày, thiếu thốn cực khổ trăm bề, lại thêm dịch bệnh hoành hành, vốn sĩ khí đã xuống dốc lắm rồi. Nhưng để làm cho chúng hoàn toàn nhụt chí, trước sau quân ta vẫn phải đánh thắng chúng trong những trận chiến quy mô lớn. Có như thế thì niềm kiêu hãnh cuối cùng, cũng là hy vọng cuối cùng của đạo quân xâm lược mới sụp đổ. Khi đó, quân ta mới có thể thuận lợi tiến tới mục tiêu cuối cùng là đuổi sạch quân giặc về nước, đồng thời gây cho chúng nhiều thiệt hại nhất có thể.

img

Một vấn đề quan trọng khác, nếu để quân Nguyên có điều kiện chiếm đóng vùng trung tâm đồng bằng sông Hồng lâu dài thì chúng sẽ có thể vượt qua được khó khăn. Toa Đô khi ở Chiêm Thành, lúc quân Chiêm không gây được sức ép lớn hắn đã cho quân lập đồn điền tự túc lương thực, cầm cự được thời gian khá dài. Đối với đồng bằng sông Hồng màu mỡ, quân Nguyên cũng có thể làm như thế nếu như đại quân ta không hoạt động, để chúng dẹp yên được sự kháng cự của nhân dân trong vùng chiếm đóng và các đạo quân hoạt động phía sau hậu tuyến của chúng. Khi mà điều đó xảy ra, thì quân Đại Việt với tiềm lực của phần lãnh thổ còn lại sẽ khó bề đương đầu với quân xâm lược. Bởi vì đất đai, dân cư vùng Thanh Hóa trở vào nam thời bấy giờ không sánh được với vùng đồng bằng sông Hồng. Quả thực, Toa Đô đã có ý định đứng chân lâu dài để lật ngược tình thế. Khi rút về đóng ở Tây Kết, Toa Đô bàn kế hoạch bình định với các tướng, hẹn trong kỳ hạn ba năm sẽ san bằng nước ta.

Tóm lại, thời cơ thuận lợi để phản công khi quân Nguyên suy yếu sẽ trôi qua nếu quân dân Đại Việt không tận dụng được. Nhưng tất nhiên với tài trí của những nhân vật lớn trong một thời đại anh hùng, quân ta đã nắm bắt thời cơ và tận dụng triệt để.

Hưng Đạo vương đánh trận đầu trong cuộc phản công

Cuối tháng 5/1282, quân Đại Việt ào ào tiến ra bắc, bắt đầu chiến dịch tổng phản công. Quân ta chia làm hai khối lớn. Về quân số cụ thể của hai khối quân trong cuộc phản công này, hiện vẫn không có sử liệu nào cho biết. Nhưng có thể chắc rằng tại các điểm nóng trên chiến trường, quân ta đã có quân số ngang ngửa hoặc áp đảo địch. Đó là do việc quân Nguyên đã bị phân tán và nhờ nghệ thuật hành quân của ta.

Khối quân phía đông do đích thân Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đốc suất quân thủy vượt biển quay trở lại vùng Thiên Trường, Trường Yên, len lỏi vào các nhánh sông lớn nhằm đánh vào những bộ phận rệu rã nhất của tập đoàn quân dưới trướng Toa Đô. Mục đích là để giành lại vùng đất căn cơ của hoàng tộc Trần, tạo thế đứng chân cho toàn quân Đại Việt tiện bề tiến thủ. Từ Thiên Trường, quân Đại Việt có thể theo các con sông lớn tiến nhanh ra bắc bao vây quân Nguyên từ hướng đông, cắt đứt đường lui của địch khi chúng thua trận. Còn nếu gặp bất lợi trong chiến dịch, quân Đại Việt có thể lui về tiếp tục giữ Thiên Trường, Trường Yên.

Dưới trướng Hưng Đạo vương là các con trai của ngài gồm Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, Hưng Trí vương Trần Quốc Hiện, Hưng Hiển vương Trần Quốc Uy. Họ đều là những người tài tuấn. Ngoài ra, còn có các gia tướng Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng, Cao Mang, Đại Hành là những người luôn sát cánh với chủ công của mình từ đầu cuộc chiến.

Khối quân phía tây dưới quyền chỉ huy của Chiêu Minh vương Trần Quang Khải và vua Trần Nhân Tông, Thượng hoàng Trần Thánh Tông chia đường thủy bộ nhằm thẳng vào các đồn trại lớn dọc sông Hồng, nằm gần kinh thành Thăng Long. Mục tiêu của cánh quân này là cắt đứt liên lạc giữa Toa Đô và Thoát Hoan, rồi thừa thắng thu phục lại kinh thành Thăng Long. Trong khối quân này có nhiều vương hầu và tướng lĩnh chủ chốt của triều đình. Đầu tiên phải kể đến là Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật. Kế đến là Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản, Chiêu Thành vương Trần Thông, tướng Nguyễn Khoái (chỉ huy quân Thánh Dực) …

Mở màn cho chiến dịch là trận chiến tại đồn A Lỗ, một căn cứ trấn giữ chốt ngã ba sông Hồng và sông Luộc của quân Nguyên. Tướng trấn giữ đồn A Lỗ là vạn hộ Lưu Thế Anh với hơn 1 vạn quân trong tay. Binh thuyền của Hưng Đạo vương âm thầm hành quân tiếp cận căn cứ của quân Nguyên với tiến độ nhanh chóng. Khi quân Nguyên phát hiện ra đoàn quân của Hưng Đạo vương đang hùng hổ kéo tới thì đã muộn, các đồn trại khác không còn đủ thời gian để đến ứng cứu. Quân Đại Việt đông hơn gấp mấy lần, tấn công dữ dội vào đồn A Lỗ, nhanh chóng làm chủ tình hình. Vạn hộ Lưu Thế Anh cùng một ít tàn quân mở đường máu chạy về hướng Thăng Long.

img

Sau hai trận đánh mở đầu cuộc tổng phản công, Hưng Đạo vương đã chiếm lại được quyền làm chủ Thiên Trường một cách dễ dàng, cũng nhờ đó mà cô lập một lực lượng đáng kể quân Nguyên ở vùng Trường Yên. Đồng thời, quân Đại Việt còn mở thông các tuyến đường sông quan trọng ở phía đông đồng bằng sông Hồng.

Đại chiến Hàm Tử Quan

Trong khi quân của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đánh thắng địch ở vùng Thiên Trường, thì khối quân phía tây dưới sự chỉ huy của hai vua Trần và Chiêu Minh vương Trần Quang Khải cũng tung hoành ở vùng Thiên Mạc, Khoái Châu. Quân Đại Việt tiến thẳng một mạch từ Thanh Hóa ra vùng trung tâm đồng bằng sông Hồng mà không gặp phải sự kháng cự nào đáng kể nhờ tài hành quân thần tốc và do quân Nguyên đã co cụm lại trên trục sông Hồng. Đến gần hai cứ điểm liền kề nhau là Hàm Tử - Tây Kết, quân Đại Việt tập kết lại, chuẩn bị tổ chức một trận quyết chiến lớn.

Vua Trần Nhân Tông rước Thượng hoàng Trần Thánh Tông từ hậu quân tới. Thượng hoàng đích thân làm tướng soái, cùng Chiêu Minh vương Trần Quang Khải dự trù kế sách, dàn trận chia quân cho các đại tướng. Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật cùng một số tướng lĩnh dẫn 5 vạn quân đánh vào Hàm Tử quan. Các tướng Nguyễn Khoái, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản, Chiêu Thành vương (khuyết danh) chuẩn bị sẵn sàng đánh vào Tây Kết để phối hợp. Các hiệu cấm quân tinh nhuệ nhất đều được tung vào trận. Đó là những tinh hoa của toàn quân Đại Việt, là những mũi giáo sắc bén nhất mà vua Trần đã dành riêng cho những trận đại chiến mang tính chất sống còn.

Về phía quân Nguyên, binh lính đóng ở Hàm Tử - Tây Kết có quân của Toa Đô và cả quân của Thoát Hoan phái tới. Quân Nguyên nằm dưới sự chỉ huy của các tướng Toa Đô, Giảo Kỳ, Đường Ngột Đải, Ô Mã Nhi… Tại đây quân Nguyên bố trí nhiều thủy quân để trấn giữ. Hiển nhiên hai cụm cứ điểm này rất vững mạnh vì có quân đông tướng giỏi, có sự kết hợp giữa thủy và bộ. Hai cứ điểm nằm kề nhau khá tiện lợi cho việc ứng cứu hoặc rút lui. Tuy nhiên, nhuệ khí và thể chất quân Nguyên đã suy giảm nhiều, không thể so bì với lúc ban đầu mới tiến sang nữa.

Quân Đại Việt đem binh thuyền đánh vào Hàm Tử quan, nhanh chóng làm chủ tuyến sông và cho quân đổ bộ ồ ạt. Hai bên đánh nhau dữ dội. Toa Đô đang ở bến Tây Kết, thân điều động binh thuyền sang ứng cứu Hàm Tử. Quân Toa Đô cũng đổ bộ lên bờ, xông vào giáp chiến với quân ta. Lúc này, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật tung đội kỵ xạ người Tống của mình vào trận. Đội quân này dưới sự chỉ huy của Triệu Trung, gia tướng của Chiêu Văn vương. Triệu Trung và binh lính người Tống trước kia khi nước Tống bị diệt đã chạy sang quy phụ Đại Việt, được Chiêu Văn vương thu nhận. Chiêu Văn vương cho quân của Triệu Trung ăn mặc trang phục của quân Tống để đánh trận. Trước khi vào trận, Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã cẩn thận dặn dò toàn quân: “Đấy là quân Thát của Chiêu Văn vương đấy, nên nhận cho kỹ chúng”(vì lúc này nước Tống không còn nên Thánh Tông gọi là quân Thát, chỉ người phương bắc).

Việc cho quân ăn mặc theo kiểu quân Tống là mưu cao của Chiêu Văn vương, vừa khích lệ tinh thần báo thù của bọn Triệu Trung, vừa có tác dụng uy hiếp tinh thần quân Nguyên. Hiệu quả của mưu kế này đã thành công vượt cả mong đợi. Quân Nguyên đang bị hãm trận, lại nhìn thấy trước mắt chúng một đoàn quân Tống thì vô cùng kinh hoàng, bảo nhau rằng lẽ nào nước Tống đã phục quốc và đem quân sang giúp Đại Việt. Do đó mà quân tâm của địch rối loạn. Triệu Trung rất dũng mãnh, lúc này ra sức giết địch để báo thù cho cố quốc. Chiêu Văn vương thừa thế tung quân đánh mạnh, quân Nguyên tan vỡ lớn.

Cùng với chiến sự diễn ra tại Hàm Tử, quân Đại Việt dưới sự chỉ huy của các tướng Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản, tướng quân Nguyễn Khoái, Chiêu Thành vương Trần Thôngcũng tấn công vào đồn Tây Kết vừa lúc Toa Đô đem quân sang cứu Hàm Tử.Các tướng Nguyên đang lo dồn về phía Hàm Tử, lại bị tấn công ở Tây Kết nên sớm núng thế. Quân Đại Việt thả sức chém giết. Các tướng Nguyên từ Hàm Tử - Tây Kết mạnh ai nấy bỏ chạy về phía đông, toan rút ra ven biển. Quân ta thu được chiến thắng quan trọng. Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật được xếp công đầu trong trận này. Bấy giờ nhuệ khí quân Đại Việt dâng cao, tiếp tục nỗ lực để đi đến chiến thắng cuối cùng.

(Còn tiếp...)

Quốc Huy (Một Thế Giới)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem