Đắk Lắk: Nuôi bò sinh sản-mua 3 con bò, nuôi sau 2 năm số bò tăng lên gấp đôi

Thùy Dung Thứ tư, ngày 24/02/2021 05:00 AM (GMT+7)
Đó là hộ anh Y Lul Niê là hộ cận nghèo nhiều năm liền của buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp (huyện K rông Ana, tỉnh Đăk Lăk). Năm 2018, anh Y Lul được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 30 triệu đồng, anh vay thêm bạn bè 10 triệu đồng để mua 3 con bò. Đến nay đàn bò nhà anh đã có 6 con.
Bình luận 0

Anh Y Lul Niê là hộ cận nghèo nhiều năm liền của buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp (huyện K rông Ana, tỉnh Đăk Lăk) 1 trong nhiều hộ dân là khách hàng sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ thông qua Ngân hàng CSXH để từng bước vượt nghèo, vươn lên trong cuộc sống qua mô hình nuôi bò sinh sản.

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Krông Ana (Đăk Lăk) đang thực hiện cho vay 12 chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ đạt 285 tỷ đồng, 8.853 hộ đang còn dư nợ; mỗi năm thực hiện cho vay trên 3.000 lượt hộ.

Hộ nghèo giảm nhờ vốn ưu đãi

Các hộ vay vốn từ chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn trên địa bàn huyện Krông Ana chủ yếu sử dụng nguồn tín dụng vào mục đích chăn nuôi gia súc, gia cầm, kinh doanh dịch vụ.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi các hộ có điều kiện phát triển sản xuất, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Tính đến cuối năm 2019, số hộ nghèo trên địa bàn huyện Krông Ana còn 1.561 hộ, chiếm tỷ lệ 7,44%, giảm 2.241 hộ so với năm 2015.

Buôn Ê Căm là 1 trong 3 buôn nghèo của thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana. Tại buôn có 5 tổ tiết kiệm và vay vốn, có tổng dư nợ trên 7,7 tỷ đồng cho 219 hội viên vay vốn.

Nhiều năm qua, buôn Ê Căm đều không có nợ quá hạn, lãi tồn. Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn của Chi hội phụ nữ buôn Ê Căm H'Ngơn Byă cho hay: "Để hội viên vươn lên phát triển kinh tế, tôi chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu vay vốn của họ. Đồng thời, kiểm tra mục đích sử dụng vốn, quán triệt hội viên trả tiền vay đúng hạn. Ba năm qua, trung bình mỗi năm có hai gia đình hội viên thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay này, nhiều chị em đã vươn lên làm giàu, tiêu biểu như: Chị H'Ly Byă, H'Ă Ênuôl…".

Tiếp sức 3.000 hộ nghèo mỗi năm bằng nguồn vốn ưu đãi - Ảnh 1.

Anh Y Lul Niê, buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện K rông Ana (Đăk Lăk) dùng vốn ưu đãi đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Ảnh: Thùy Dung

"Gia đình hiện vẫn chưa có chuồng trại chăn nuôi bò kiên cố, sau khi trả hết nợ ngân hàng, tôi tiếp tục vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi bò lâu dài, sớm vươn lên thoát nghèo bền vững".

Anh Y Lul

Tương tự, ở buôn Trấp (thị trấn Buôn Trấp) cũng có 5 tổ tiết kiệm và vay vốn, với dư nợ 8,4 tỷ đồng, không có nợ quá hạn.

Nâng cao trách nhiệm nhận ủy thác

Anh Y Lul Niê là hộ cận nghèo nhiều năm liền của buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp (huyện K rông Ana, tỉnh Đăk Lăk). Năm 2018, anh Y Lul được Ngân hàng CSXH huyện hỗ trợ cho vay 30 triệu đồng để phát triển mô hình chăn nuôi bò sinh sản. Anh mạnh dạn vay người thân, bạn bè thêm 10 triệu đồng mua 3 con bò cái sinh sản.

Sau hơn 2 năm chăn nuôi, đàn bò của gia đình anh đã tăng lên 6 con. Để có vốn phát triển chăn nuôi anh Y Lul bán 1 con bò với giá 14 triệu đồng. Hiện nay, đàn bò của gia đình anh có 4 con chuẩn bị sinh bê, anh Y Lul rất vui vì sớm trả được nợ ngân hàng.

Từ đầu năm 2020 đến nay, gia đình anh Y Lul còn có thêm nguồn thu 6 triệu đồng từ tiền bán phân bò. Anh Y Lul cho hay: "Gia đình hiện vẫn chưa có chuồng trại chăn nuôi bò kiên cố, sau khi trả hết nợ ngân hàng, tôi tiếp tục vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi bò lâu dài, sớm vươn lên thoát nghèo bền vững".

Bà Huỳnh Thị Lữ Ái - Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Krông Ana (tỉnh Đăk Lăk) khẳng định, hiệu quả từ các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ do đơn vị thực hiện trong những năm qua đã thể hiện rõ qua cả hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội.

Các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần tạo việc làm, xây dựng và nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề dịch vụ ở nông thôn. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và các hộ chính sách khác đã vươn lên khá giả nhờ được vay vốn ưu đãi ở nhiều chương trình và nhiều chu kỳ.

Thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện Krông Ana sẽ thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn theo địa bàn cụm dân cư, theo địa giới hành chính thôn, buôn, tổ dân phố; nâng cao trách nhiệm của hội, đoàn thể nhận ủy thác, trong đó tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện việc tuyên truyền cho người dân hiểu được nghĩa vụ, quyền lợi của mình trước, trong và sau khi vay vốn…

Công tác vận động, tuyên truyền, giải thích, phổ biến thông tin là để hộ vay vốn có trách nhiệm sử dụng vốn đúng mục đích, thực hành tiết kiệm và thực hiện nghĩa vụ hoàn trả vốn vay đúng hạn... Thông qua các hoạt động đó hằm nâng cao hơn nữa hiệu quả nguồn vốn tín dụng, góp phần vào công tác giảm nghèo của huyện Krông Ana. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem