Đắk Lắk: Toàn bộ 10 xã của huyện Ea Súp ngập lụt, có nơi mất hàng tỷ đồng sau trận mưa kéo dài
Đắk Lắk: Toàn bộ 10 xã của huyện Ea Súp ngập lụt, có nơi mất hàng tỷ đồng sau trận mưa kéo dài
Duy Hậu
Thứ sáu, ngày 31/07/2020 18:18 PM (GMT+7)
Do mưa lớn, toàn bộ 10/10 xã của huyện Ea Súp đã bị ngập lụt. Trận mưa kéo dài nửa ngày đã khiến toàn huyện thiệt hại khoảng 7 tỷ đồng. Tuy nhiên đây chỉ là con số thống kê sơ bộ, nhiều diện tích chưa thể thống kê được thiệt hại.
Chiều 31/7, tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) huyện Ea Súp (Đắk Lắk) cho biết, tính đến 16h 30 cùng ngày, huyện này đã mất khoảng 7 tỷ đồng do trận mưa kéo dài khoảng 12 giờ liền. Tuy nhiên, đây chỉ là con số thống kê sơ bộ, nhiều diện tích chưa thể thống kê được thiệt hại.
Thông tin cho biết, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam có cường độ mạnh đã gây mưa to đến rất to trên địa bàn huyện vào ngày 30/7. Lượng mưa trung bình từ ngày 30/7 đến 7 giờ ngày 31/7 là:137,2 mm.
Trận mưa đã gây ngập lụt trên diện rộng, ảnh hưởng đến toàn bộ 10/10 xã, thị trấn của huyện. Trong đó có 5 xã bị ảnh hưởng nặng là Ea Rốk, Cư K'Bang, xã Cư M'Lan, Ia Lốp và Ia Rvê. Riêng hai xã Ia Lốp và Ia Rvê đến chiều 31/7 nước đang lên nhanh nguy cơ tiếp tục bị ngập sâu.
Tới thời điểm cuối ngày 31/7, toàn huyện có gần 800 ha cây trồng, 286 nhà bị ngập; hơn 2.000 gia súc, gia cầm bị chết và hàng chục ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.
Ngoài ra, mưa lớn còn khiến tỉnh lộ 1 qua huyện Ea Súp bị chia cắt 3 điểm tại cầu Đắk Bùng (xã Cư Mlan) cầu Cây sung (xã Ea Rôk), cầu Trắng (nối xã Ea Rốk với xã Ia JLơi). Nhiều tuyến đường tại các xã Ea Rốk, thị trấn Ea Súp, xã Cư K'Bang cũng bị ngập và chia cắt.
Ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó BCH PCTT&TKCN huyện Ea Súp cho biết, ngay sau khi xảy ra mưa lớn, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, BCH PCTT&TKCN, các cơ quan, ban, ngành của huyện chủ động trong công tác ứng phó, khắc phục về người và tài sản, kiên quyết sơ tán các vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ bị ngập, lũ quét.
Đồng thời, kiểm tra công tác quản lý, vận hành các hồ đập, các công trình hồ chứa có nguy cơ mất an toàn; Rà soát phương án, chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.
BCH PCTT&TKCN cấp huyện, cấp xã cử cán bộ trực tại các vị trí đường bị nước ngập sâu, không cho người qua lại, hỗ trợ người dân sơ tán ra khỏi vùng nguy hiểm, di dời tài sản, vật nuôi.
UBND huyện cũng thành lập đoàn trực tiếp xuống các xã, thị trấn chỉ đạo công các ứng phó, khắc phục thiệt hại và chỉ đạo BCH PCTT&TKCN phối hợp với các phòng, ban ngành của huyện trực tiếp xuống các xã, thị trấn, kiểm tra tình hình mưu lũ; chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục các khu vực bị ngập úng cây trồng, nhà cửa của nhân dân và các công trình của nhà nước bị ảnh hưởng, thiệt hại. Động viên nhân dân có nhà cửa bị ngập, cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại; di dời người dân có nhà cửa bị ngập đến nơi an toàn.
UBND các xã, thị trấn chỉ đạo BCH PCTT&TKCN, các cơ quan chuyên môn của địa phương, huy động lực lượng đóng quân trên địa bàn xuống giúp dân ứng phó, khắc phục hậu quả.
"Mặc dù mưa đã giảm bớt nhưng nước lũ đang dâng lên rất nhanh. Do đó, toàn bộ các lực lượng vẫn đang túc trực 24/24 để sẵn sàng ứng phó với những tình huống xấu nhất"- ông Nguyễn Ngọc Phú cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.