Đàm phán Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP): Không “cho đi” sẽ khó “nhận về”

Đức Hoàng - Hạ Anh (tổng hợp) Thứ sáu, ngày 31/07/2015 07:29 AM (GMT+7)
Hiệp định thương mại lớn nhất thế giới TPP đang được đếm ngược để đến thời điểm hoàn tất. Phía sau cánh cửa đóng kín của phòng đàm phán ở Hawaii (Mỹ) là những cuộc thương lượng ,vô cùng quyết liệt.
Bình luận 0

Việt Nam nằm trong số 12 quốc gia đang trên bàn đàm phán cuối cùng của TPP kéo dài từ ngày 28 đến 31.7 ở Hawaii, giải quyết tất cả vấn đề tồn đọng. Sau 5 năm với nhiều mâu thuẫn quanh bàn đàm phán, nhiều ý kiến lạc quan cho rằng, đàm phán TPP sẽ hoàn tất vào cuối tuần này.

Mặc cả ráo riết

Hiện giữa Mỹ và Nhật Bản - hai đối tác lớn nhất trong TPP - vẫn còn phải mặc cả ráo riết về nhiều vấn đề và sản phẩm, trong đó có vấn đề ô tô, nông sản, thuốc men và gạo. Những nhà nông trồng lúa của Nhật Bản lo ngại thỏa thuận mới có thể dẫn tới một làn sóng lúa gạo nhập khẩu giá thấp, khiến họ không làm ăn được nữa và họ muốn được bảo vệ. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chỉ thị cho các nhà thương thuyết Nhật quyết định điều gì là tốt nhất cho đất nước và vận động ráo riết để thực hiện điều ấy.

img

Đàm phán TPP có nhiều lạc quan sẽ hoàn tất vào cuối tuần này  (ảnh: Đàm phán tại Hawaii, Mỹ).        Ảnh:  ABC

Trong khi đó, tại Mỹ cũng có những tranh cãi về việc các loại thuốc mới tối tân sẽ được bảo vệ theo luật sở hữu trí tuệ trong bao lâu. Một số công ty ở Mỹ muốn thời gian đó là 12 năm, trong khi một số đối tác thương mại lại nói rằng khoảng thời gian đó là quá lâu.

Mặc dù vậy, những bất đồng giữa Washington và Tokyo đã có những chuyển biến tích cực hơn khi Bộ trưởng Chính sách kinh tế và tài chính Nhật Bản Akira Amari đã có cuộc gặp với Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman trước thềm cuộc đàm phán. Nhiều nguồn tin tiết lộ, hai bên đã có những nhượng bộ như việc Mỹ sẽ xem xét việc dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với nhiều sản phẩm liên quan đến ô tô và thịt bò của Nhật Bản. Trong đó thỏa thuận miễn thuế nhập khẩu đối với thịt bò xuất xứ Nhật Bản sẽ có hiệu lực trong vòng 10 năm. Liên quan đến vấn đề quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực dược phẩm, Washington cũng đã đồng ý nhân nhượng giảm thời gian bảo vệ đối với các sản phẩm này xuống còn dưới 10 năm.

Ngoài những tranh cãi về nông sản và thuốc men, những người chỉ trích TPP ở Mỹ còn cho rằng thỏa thuận này không đủ mạnh để bảo vệ quyền con người, môi trường và việc làm ở Mỹ. Richard Trumka - Chủ tịch công đoàn AFL-CIO cho rằng, TPP “không bảo vệ người lao động, môi trường, an toàn thực phẩm”.

Những người chỉ trích nhận định rằng, việc dung hòa những tiêu chuẩn lao động và luật môi trường có thể làm suy yếu những biện pháp bảo vệ người lao động khó lắm mới đạt được ở Mỹ hoặc ở những nước khác. Các công đoàn lo lắng rằng những biện pháp bảo vệ quyền lao động yếu kém ở một số nước đối tác thương mại của Mỹ sẽ giữ cho chi phí sản xuất ở mức thấp và khuyến khích các công ty chuyển thêm công ăn việc làm ra khỏi Mỹ tới những nước có mức lương thấp.

Việt Nam hưởng lợi nhất?

Khi hoàn tất, TPP sẽ cắt giảm thuế quan và những rào cản thương mại giữa các nước thành viên, điều mà những người ủng hộ thỏa thuận nói rằng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Giám đốc điều hành Deborah Elms của Trung tâm Thương mại châu Á cho biết, người chiến thắng lớn nhất  trong TPP sẽ là Việt Nam khi rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu kéo đến nước này. Nước hưởng lợi thứ hai có thể là Malaysia và tiếp đến là Nhật Bản.

Trong khi đó, ông Charles Morrison - Chủ tịch Trung tâm Đông Tây, chuyên gia hàng đầu về kinh tế thương mại châu Á cho rằng, dù thương lượng gay gắt, nhưng vẫn có thể đạt được một thỏa thuận. Ông Morrison nhận định, kết quả đàm phán có thể sẽ làm thất vọng một số nhóm doanh nghiệp, những nhà hoạt động môi trường hoặc những người khác muốn các quan chức thương thuyết quyết liệt hơn. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, có một điều chắc chắn không có “cho đi” thì sẽ không có “nhận về” trong bất kỳ cuộc thương thuyết nào.

Theo phân tích của ông Morrison, không đạt được một thỏa thuận thì người tiêu dùng ở nhiều nước sẽ không được hưởng những lợi ích như chi phí thấp hơn, thương mại hiệu quả hơn.

Đàm phán TPP được khởi động từ năm 2005 và đến nay đã thu hút sự tham gia của 12 nước gồm Nhật Bản, Brunei, Malaysia, Singapore, Australia, New Zealand, Việt Nam, Canada, Mexico, Chile, Peru và Mỹ. Các nước tham gia đàm phán đang nỗ lực hướng tới việc ký kết thoả thuận trong thời gian sớm nhất, sau khi đã bỏ lỡ hạn chót đặt ra cuối năm 2013.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem