Theo ông, PVFCCo sẽ có những lợi thế, khó khăn gì khi nguồn cung phân đạm trong nước tăng lên rất lớn, thị trường thế giới lại đang xu thế giảm giá?
- Nguồn cung phân đạm tăng lên trước hết đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và có dư cho xuất khẩu. Với vị thế gần 10 năm hoạt động trên thị trường phân bón, thương hiệu Đạm Phú Mỹ của PVFCCo được người nông dân trong nước tin dùng và bước đầu đã tham gia vào thị trường urê thế giới. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi nên VN có lợi thế trong việc xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường thế giới được dự báo giảm giá, PVFCCo cũng sẽ khó khăn trong việc cạnh tranh với các sản phẩm lâu năm trên thị trường nước ngoài.
|
Ông Nguyễn Hồng Vinh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo - Đạm Phú Mỹ) |
Trước tình hình đó, xin ông cho biết giải pháp của PVFCCo để giữ vững thị trường, đạt hiệu quả kinh doanh trong năm tới?
- Chúng tôi đã đề ra và triển khai nhiều biện pháp. Trước hết là phải duy trì sản xuất ổn định, tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống phân phối. Đối với bà con nông dân, các hộ sản xuất nông nghiệp, PVFCCo sẽ tăng giá trị cho sản phẩm bằng các dịch vụ kỹ thuật, hướng dẫn cách chăm bón hiệu quả. Với đại lý, cửa hàng, cũng sẽ có chính sách tăng cường chăm sóc. Bên cạnh đó, PVFCCo sẽ đa dạng hoá sản phẩm nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm bón các loại cây trồng.
Tăng giá trị cho sản phẩm bằng các dịch vụ kỹ thuật, hướng dẫn cách chăm bón hiệu quả là như thế nào, xin ông giải thích rõ hơn?
- Thời gian tới, PVFCCo tiếp tục các hoạt động mà theo chúng tôi là hiệu quả, như mô hình trình diễn, hội thảo đầu vụ, cuối vụ… nhưng theo hướng sâu hơn, trên cơ sở đặc điểm thổ nhưỡng, cây trồng, thói quen canh tác từng vùng, sát hơn với nhu cầu người dân. Trong năm 2013, Tổng Công ty sẽ triển khai thêm một số hoạt động khác tùy thuộc vào điều kiện kinh doanh của từng vùng miền.
|
Người dân tham quan mô hình trình diễn đạm Phú Mỹ ở Campuchia. |
Ông đánh giá thế nào về khả năng xuất khẩu phân đạm Việt Nam nói chung và PVFCCo nói riêng?
- PVFCCo đã thực hiện xuất khẩu thử nghiệm phân đạm sang Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Hàn Quốc… Bước đầu sản phẩm đã được các nước bạn tin dùng. Điều đó cho thấy việc xuất khẩu phân đạm là hoàn toàn khả thi. Lợi thế lớn nhất của Việt Nam là vị trí địa lý kề cận các thị trường này. Ngoài ra, chất lượng sản phẩm của các nhà máy trong nước không thua kém gì sản phẩm của các nước. Năm 2011, PVFCCo đã thành lập chi nhánh tại Campuchia. Năm 2012, thành lập Văn phòng đại diện tại Myanmar.
Ông có thể điểm qua các hoạt động của PVFCCo để đa dạng hóa sản phẩm phân bón?
- Hiện PVFCCo có sản phẩm chính là Đạm Phú Mỹ. Ngoài ra còn có sản phẩm NPK Phú Mỹ, Kali nhập khẩu, phân bón khác như phân bón lá hay vi sinh, phân bón có các tính năng đặc biệt tăng cao hiệu quả sử dụng. Trong tương lai sẽ phát triển đa dạng các công thức NPK, phù hợp với điều kiện cụ thể từng khu vực…
Hiện NPK Phú Mỹ đã có những công thức nào, phục vụ cho những cây trồng, vùng đất thổ nhưỡng nào?
- Hiện PVFCCo đang có hai công thức cho phân NPK là NPK 16-16-8-13S, NPK 16-7-17+Bo+TE. Theo đại diện của Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường Tây Nguyên, bên cạnh NPK 16-16-8-13S đã khá phổ biến, thích hợp với nhiều loại đất, dòng sản phẩm mới NPK Phú Mỹ 16-7-17+Bo+TE rất phù hợp với nhu cầu chăm sóc cây lấy quả, đặc biệt phù hợp cho đợt chăm bón lần 2, lần 3 vào mùa mưa cho cây cà phê. Hơn nữa, sản phẩm NPK này còn bổ sung các chất vi lượng giúp cho quá trình đậu quả, hạt to, chín đều, chắc…
Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí (PVCFC) và PVFCCo là 2 đơn vị cùng thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trước đây sử dụng chung hệ thống phân phối, nhưng nay lại chọn kênh phân phối riêng. Ông đánh giá có gì lợi và bất lợi cho thị trường phân bón nói chung khi áp dụng phương thức mới này?
- Tập đoàn đã định hướng việc tiêu thụ sản phẩm do PVCFC và PVFCCo tự thực hiện, nhưng trên tinh thần vẫn tận dụng hệ thống phân phối sẵn có của PVFCCo để tiêu thụ. Việc PVFCCo bao tiêu sản phẩm Đạm Cà Mau của PVCFC sẽ giúp tăng nguồn lực và điều tiết nguồn hàng tốt hơn. Tuy nhiên, tôi cho rằng phương thức phân phối mới này sẽ tăng tính cạnh tranh và thị trường năng động hơn.
Xin cảm ơn ông!
Bảo Thạch (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.