Đám tang cho Giám mục Bá Đa Lộc "hoành tráng" ra sao?
Chúa Nguyễn đã tổ chức đám tang cho Giám mục Bá Đa Lộc "hoành tráng" ra sao?
Lê Công
Thứ ba, ngày 16/08/2022 16:32 PM (GMT+7)
Vai trò của Giám mục Bá Đa Lộc trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 30 năm giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn (1771-1802) rất quan trọng. Vì vậy, đám tang ông cũng thật đặc biệt.
Được người Việt biết đến với tên gọi Giám mục Bá Đa Lộc, (thường viết là Pigneau de Behaine, 1741-1799) - vị giáo sĩ người Pháp rất được Nguyễn Phúc Ánh trọng dụng trong việc lấy lại quyền bính từ tay nhà Tây Sơn vào cuối thế kỷ 18.
Giám mục Bá Đa Lộc đại diện Tông tòa Đàng Trong, hiệu tòa Adran từng sát cánh, hỗ trợ chúa Nguyễn Ánh khi còn là một thiếu niên mới 15 tuổi, còn được các sách sử gọi là giám mục Adran.
Theo Wikipedia, sở dĩ có tên Bá Đa Lộc vì tên tiếng Pháp của ông là Pierre, tương đương với Petrus trong tiếng Latin, Pedro trong tiếng Bồ Đào Nha, mà từ đó xuất hiện cái tên "Bá Đa Lộc", phiên âm từ "Pedro". Ông còn được biết tới với tên Bá Đa Lộc Bỉ Nhu, hay Bách Đa Lộc hay Cha Cả. Ngoài ra sử người Việt thời nhà Nguyễn còn dùng danh hiệu Bi Nhu Quận công - sắc phong của vua Gia Long dành cho ông.
Còn Hoàng tử Cảnh (tức Anh Duệ Hoàng thái tử), tên thật là Nguyễn Phúc Cảnh, hay còn gọi Đông cung Cảnh, hay Ông Hoàng Cả - Hoàng thái tử đầu tiên dưới triều nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.
Cũng theo Wikipedia thì Hoàng tử Cảnh là con trai trưởng của vua Gia Long (Nguyễn Ánh), chào đời vào những năm mà vua cha đang phải lưu lạc ở miền Nam vì sự truy đuổi của nhà Tây Sơn. Từ năm 1783 đến 1789 ông theo Giám mục Bá Đa Lộc sang cầu viện triều đình Bourbon nước Pháp để giúp đỡ cho nhà Nguyễn chống lại Tây Sơn, tuy nhiên không đạt được thỏa thuận chính thức nào. Sau khi về nước, ông được lập làm Đông cung Thế tử năm 1793 và nhiều lần theo vua cha ra chiến trường hoặc đảm nhận vai trò nhiếp chính ở hậu phương.
12 ngàn người tham dự lễ tang
Tác phẩm mới Xã hội Việt Nam thời Lê - Nguyễn của tác giả Lê Nguyễn (do Dtbooks và NXB Hồng Đức ấn hành), cho biết: Ngày 9/10/1799, trong lúc đi theo Hoàng tử Cảnh tấn công Qui Nhơn, Bá Đa Lộc lâm bệnh nặng và mất tại cửa Thị Nại, thọ 57 tuổi. Nghĩ đến những khó nhọc mà vị giám mục đã trải qua cho sự nghiệp phục hồi cơ nghiệp nhà Nguyễn, ngay khi được hung tin, chúa Nguyễn cho gửi ngay ra Thị Nại một chiếc quan tài lộng lẫy cùng vải lụa để khâm liệm".
Sách đã dẫn tiết lộ rằng: "Ngày 10/10, quan tài được đưa xuống một chiếc tàu lớn và về đến Gia Định ngày 16/10, được quàn trong ngôi nhà mà chúa Nguyễn Ánh đã cho xây dựng làm chỗ ở cho Bá Đa Lộc ngay khi ông mới về nước" .
Lúc đó, Đông cung Cảnh tức Hoàng tử Cảnh được chúa Nguyễn Ánh chỉ định thay cha chủ trì lễ tang trong thời gian chúa còn bận các cuộc hành quân. Ông cho cất ngay phía trước ngôi nhà quàn một nhà lợp tranh thật rộng, tại đó, hằng ngày ông tiếp các quan lại lương cũng như giáo đến viếng người đã khuất. Mãi đến ngày 16/12/1799, chúa Nguyễn Ánh mới từ Qui Nhơn vào đến Sài Gòn để tự mình chủ trì lễ tang Giám mục Bá Đa Lộc. Đó cũng là ngày an táng vị Giám mục.
Tác giả Lê Nguyễn kể về đám ma khi ấy của Giám mục Bá Đa Lộc rất trang trọng và hoành tráng: "Quan tài được phủ một tấm vải hoa lộng lẫy, đặt vào một khung có hai bậc, mỗi bậc gắn 25 ngọn nến cháy sáng rực. Tất cả được đặt lên một chiếc cáng dài hơn 6 mét do 80 người khiêng. Một chiếc tán thêu chữ vàng che phủ cáng. Đi đầu đoàn đưa tang là một chiếc thánh giá to, theo sau là 6 chiếc bàn chạm trỗ tinh vi, mỗi chiếc có 4 người khiêng".
Ngay ở chiếc bàn thứ nhất có đến bốn chữ vàng, chiếc thứ hai lộng hình thánh Saint-Paul, chiếc thứ ba lộng hình thánh Saint-Pierre, chiếc thứ tư lộng hình thần bổn mệnh, chiếc thứ năm lộng hình Thánh nữ đồng trinh, kế đó là một lá cờ vải dài chừng 4,5 mét, trên thêu các chữ vàng là tước hiệu mà hoàng đế Pháp và chúa Nguyễn tặng cho Bá Đa Lộc. Tước ông được chúa ban tặng là Thái tử Thái phó Bi Nhu Quận công. Trên chiếc bàn thứ 6 đi ngay trước quan tài của Giám mục Bá Đa Lộc là cây quyền trượng và chiếc mũ lễ giám mục, theo sau là các thanh niên theo đạo Cơ Đốc.
Đám tang của Giám mục Bá Đa Lộc thời chúa Nguyễn còn nhiều đặc biệt. "Theo thư của giáo sĩ Lelabousse gửi về Chủng viện Hội truyền giáo hải ngoại Paris ngày 24/4/1800, toàn bộ đội thị vệ của nhà vua, không kể của Đông cung Cảnh, gồm 12 ngàn người, đều tham dự lễ tang. Họ đều được vũ trang, xếp thành hai hàng, đi đầu là những dàn súng đại bác, 120 con voi có nài và lính bảo vệ đi theo. Trống, kèn của người miền Nam và người Chân Lạp, pháo bông, đều có đủ", sách Xã hội Việt Nam thời Lê - Nguyễn của tác giả Lê Nguyễn tiết lộ thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.