Lê Hoàn: Trảm 3 đại thần, phế hoàng đế để lên ngôi

N.N Chủ nhật, ngày 07/08/2022 18:31 PM (GMT+7)
Các đạo quân chống đối bị tiêu diệt, Lê Hoàn được sự hỗ trợ của Dương thái hậu và tướng quân Phạm Cự Lạng liền phế Đinh Toàn làm Vệ vương như cũ rồi lên ngôi, tức là vua Lê Đại Hành, lập ra nhà Tiền Lê...
Bình luận 0

Năm 979, vua Đinh Tiên Hoàng và con trai là Nam Việt vương Đinh Liễn bị sát hại. Khi ấy, quan Chi hậu nội nhân là Đỗ Thích bị nghi ngờ là thủ phạm hàng đầu trong vụ án này. Vì thế nên Đỗ Thích sợ hãi phải bỏ trốn.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ba ngày sau khi trốn, vì quá khát nước nên Đỗ Thích nằm trên mái hiên trong cung đã đưa tay ra để hứng nước mưa uống và bị cung nữ phát hiện đi báo. Nguyễn Bặc lập tức cho người bắt rồi giết ngay Đỗ Thích. Sau đó, Nguyễn Bặc cùng các đại thần trong triều tôn phò con nhỏ của Đinh Tiên Hoàng là Vệ Vương Đinh Toàn lên ngôi, tức là Đinh Phế Đế. Khi ấy, Đinh Toàn mới 6 tuổi. Mẹ của Phế Đế là Dương Vân Nga trở thành thái hậu.

Lê Hoàn: Trảm 3 đại thần, phế hoàng đế để lên ngôi - Ảnh 1.

Lê Hoàn phế Đinh Toàn, lên ngôi hoàng đế và lập ra nhà Tiền Lê.

Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, sau khi Đinh Toàn lên ngôi, Nguyễn Bặc và Đinh Điền được triều đình giao làm phụ chính cho vua Phế Đế. Còn Thập đạo tướng quân Lê Hoàn được tôn làm Phó vương, được nắm quyền chỉ huy quân đội và được phép tự do ra vào cung cấm. Khi thấy Lê Hoàn được phép thường xuyên ra vào nơi cung cấm nên Nguyễn Bặc lấy làm lo lắng và đã bàn với các tướng trong triều rằng:

- Lê Hoàn sẽ là mối bất lợi cho “nhụ tử”, chúng ta chịu ơn dày của nước, nếu không tính trước đi, giữ cho xã tắc được yên thì sau này còn mặt mũi nào trông thấy Tiên đế ở suối vàng nữa?

Sau đó, Nguyễn Bặc cùng Đinh Điền, Phạm Hạp khởi binh, chia làm hai đường thủy bộ cùng tiến đánh Lê Hoàn. Nguyễn Bặc và Đinh Điền kéo quân từ Châu Ái (nay thuộc Thanh Hóa), định kéo thẳng đến kinh đô để giết Lê Hoàn. Dương thái hậu nghe tin, nên nói với Lê Hoàn:

Bọn Bặc nổi loạn, quan gia thì hãy còn thơ ấu, cáng đáng sao nổi giữa lúc quốc gia lâm nạn này! Ông nên tính đi.

Nghe vậy, Lê Hoàn thưa:

- Tôi đây làm phó vương, quyền giữ việc nước, dù sống chết cũng xin gánh lấy trách nhiệm.

Lê Hoàn liền sắp xếp quân đội, đánh nhau với Nguyễn Bặc, Đinh Điền ở Châu Ái. Lê Hoàn vốn là người giỏi dùng binh, Nguyễn Bặc và Đinh Điền đã không chống nổi lại còn đem quân thủy ra đánh. Lê Hoàn theo chiều gió, phóng lửa đốt cháy tất cả các thuyền chiến. Trong trận này, Đinh Điền bị chết cháy trên thuyền, còn Nguyễn Bặc bị bắt sống và được đưa về kinh đô. Trước mặt Nguyễn Bặc, Lê Hoàn kể tội ông ta rằng:

- Đấng Tiên đế mắc nạn, thần và người đều căm giận, ngươi lại nhân lúc tang tóc rối ren đứng ra làm giặc! Đạo tôi con đâu có như thế? 

Nói xong, Lê Hoàn sai người đưa Nguyễn Bặc ra chém đầu. Sau khi Nguyễn Bặc, Đinh Điền chết, quân của Phạm Hạp mất tinh thần, chạy lên hương Cát Lợi ở Bắc Giang. Lê Hoàn đem quân đuổi theo, bắt được và đưa về kinh đô rồi giết chết. Các đạo quân chống đối bị tiêu diệt, Lê Hoàn được sự hỗ trợ của Dương thái hậu và tướng quân Phạm Cự Lạng liền phế Đinh Toàn làm Vệ vương như cũ rồi lên ngôi, tức là vua Lê Đại Hành, lập ra nhà Tiền Lê.

Lời bàn:

Quy luật của các triều đại phong kiến này suy tàn và sụp đổ thì triều đại khác sẽ lên thay. Và xét trong lịch sử các triều đại phong kiến ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung thì hiếm có cuộc thay vua đổi chúa từ dòng họ này sang dòng họ khác mà không có sự đổ máu dù ít hay nhiều. Trong hoàn cảnh ấy, dù là vị đại thần nào khác trong triều Đinh mà không phải là Lê Hoàn thì cũng không thể làm khác. Bởi có như vậy mới giữ yên được xã tắc, mới tập hợp được lòng dân trước nguy cơ xâm lược của nhà Tống.

Tiếc rằng Nguyễn Bặc và Đinh Điền chỉ vì không hiểu được "thời thế thế thời phải thế", nên đã phải rơi đầu. Nhưng dẫu sao thì người đương thời và cả hậu thế hôm nay và mai sau cũng phải thừa nhận ở hai ông có lòng trung thành với triều đại nhà Đinh là khó ai bì. Nhưng sự trung thành mù quáng với một triều đại đã suy tàn để đến mức phải trả giá bằng mạng sống của chính mình thì có nên chăng? Thế mới hay rằng, không phải chỉ có nam nhi, mà bất kể ai đã là người thì điều quan trọng nhất là phải có lòng trung thành, nhưng là trung thành với Tổ quốc, với lý tưởng cao đẹp của nhân loại chứ không phải sự trung thành với một cá nhân nào đó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem