Dân bản Cò Cài bớt nỗi sợ “thần chết”

Bảo Khê Thứ năm, ngày 17/09/2015 06:00 AM (GMT+7)
Một công trình y tế trị giá 3,7 tỷ đồng vừa khánh thành ở bản Cò Cài, xã Trung Lý, huyện miền núi biên giới Mường Lát, Thanh Hóa. Từ nay, thay vì phải đi cả ngày đường mới tới được bệnh viện, người dân bản Cò Cài (và cả xã Trung Lý) sẽ tiếp cận được các dịch vụ y tế chỉ sau vài phút.
Bình luận 0

Chết vì không kịp đến viện

“Bản này chưa có điện. Quãng đường có 12km từ trục đường chính vào đến bản nhưng nếu có một trận mưa, chưa biết lúc nào có thể đi qua được. Em đi khảo sát ở đây, chưa lần nào không phải đẩy xe ô tô” – chúng tôi được một cán bộ của Viettel cảnh báo như vậy khi khởi hành đến Cò Cài.

img

Ông Pằn kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi tại trạm xá mới. Ảnh: Bảo Khê

Sau 2 giờ lặn lội, chúng tôi chạm mặt Cò Cài. Giữa đại ngàn lèo tèo vài chục nóc nhà sàn, một công trình kiên cố, khang trang hiện lên trong nắng sớm. Đó là trạm y tế xã. Từ sáng sớm, hàng trăm người dân từ nhiều khu vực xa xôi của bản cũng đã đến đây, ngồi kín sảnh tầng 1, trèo lên cả tầng 2 để xem lễ khánh thành. Trong mắt của nhiều người ánh lên niềm hân hoan, sung sướng.

Ông Ngân Văn Cảnh (59 tuổi) - Trưởng bản Cò Cài cho biết, ông sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này. Trong 32 năm làm trưởng bản, ông từng chứng kiến nhiều cái chết đau đớn của bà con cũng chỉ vì một nhẽ: Đường đến bệnh xá xa xôi và vất vả quá.

Ông Cảnh nhớ lại: Năm 1978, ông Ngân Văn Dình- một người dân của bản Cò Cài bỗng lên cơn đau bụng dữ dội. Đói thì rau, đau thì thuốc, nhưng Dình lại lên cơn đau khi đang ở trên rẫy, không kịp đến viện nên tử vong… Vài năm sau đó, 2 trường hợp sản phụ ở đây đau đẻ nhưng không kịp đến viện nên chết cả con lẫn mẹ. Năm 2004, tiếp một sản phụ nữa tử von. “Người lành đưa người ốm đi viện, về nhà cũng thành ra ốm luôn bởi có nhà xa trạm xá nhất cũng phải 30km” - ông Cảnh nói.

Uống thuốc thay cho cúng

"Dân bản vui lắm vì giờ không phải đi quá xa nữa, ngay trong bản đã có bác sĩ rồi. Trước đi xa thế thì có khi bệnh chữa không được, mà chết luôn trên đường đi”.
Bà Lò Thị Thịnh  

Theo hồi ức của nhiều người già ở bản Cò Cài, từ trước đến nay, hễ ốm đau bà con đều tổ chức cúng tế để mong bớt bệnh. Sau này, bản có lang Pằn- cán bộ y tế trạm xá Trung Lý I nên một số người biết, đến trạm xá lấy thuốc. Tuy nhiên, hầu như chỉ khi ốm liệt giường thì bà con mới chịu đến trạm xá hay đi lấy thuốc. Còn không, họ toàn dựa cả vào lá rừng, cúng tế. Năm 2004 lang Pằn nghỉ hưu. Từ đó, ông mới có điều kiện thăm khám một số bệnh thông thường cho dân bản tại nhà.

Ngày 22.8, Trạm xá xã Trung Lý II chính thức được khánh thành và bàn giao cho chính quyền địa phương khai thác, phục vụ đời sống nhân dân. Công trình trị giá 3,7 tỷ đồng này là một trong những hạng mục quan trọng do Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) hỗ trợ huyện Mường Lát trong khuôn khổ chương trình xóa nghèo bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Khởi công từ tháng 12.2012, Trạm xá xã Trung Lý II được xây dựng kiên cố với 2 tầng (tổng diện tích xây dựng hơn 300m2), đầy đủ các phòng chức năng quan trọng để khám chữa bệnh tuyến đầu. Đội ngũ cán bộ y tế cũng được biên chế về đây với số lượng 1 bác sĩ và 4 y tá, hộ lý.

Có mặt rất sớm để được tận mặt xem, tận tay chạm vào công trình mơ ước của người dân nơi đây, bà Hà Thị Thuận (51 tuổi) nói với chúng tôi: “Trước kia chỉ khi bệnh nặng quá mới đi bác sĩ thôi, còn lại chữa ở nhà. Giờ có trạm y tế, dân bản ai cũng mừng và khi đau ốm chúng tôi sẽ đến đây nhờ khám, chữa thôi”.

Điều mà ông Hà Văn Pằn - Bí thư chi bộ xã Cò Cài trăn trở là: “Có trạm y tế, dân bản được khám chữa tại chỗ là một điều ước của chúng tôi thành hiện thực rồi. Thế nhưng, thiết bị hiện đại có mà điện vẫn chưa tới. Chúng tôi mong muốn nhà nước sớm đưa điện đến đây để bà con đỡ khổ”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem