Mong sớm được đầu tư trạm y tế xã

San Nguyễn Thứ sáu, ngày 19/06/2015 11:43 AM (GMT+7)
Xã Pa Ham (huyện Mường Chà, Điện Biên) mới chia tách từ xã Nậm Nèn được 2 năm nên chưa có trạm y tế riêng, đang mượn tạm 2 phòng của UBND xã làm nơi hoạt động. 
Bình luận 0

Tiếng là trạm y tế, nhưng cơ sở vật chất chỉ có 2 chiếc giường đơn cũ kỹ để khám bệnh và 3 chiếc bàn làm việc; 1 máy đo huyết áp, 1 ống nghe… Chị Lò Thị Thụy - nữ hộ sinh của trạm cho hay: Do chưa có trạm y tế riêng, chưa có phòng đẻ nên trạm chưa được huyện cấp bàn đỡ đẻ cùng các vật dụng khác. Vì thế, các dụng cụ đỡ đẻ ở đây chỉ được tiệt trùng bằng cồn. Điều này khó đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm cho các bệnh nhân khác…

img
Ông Hờ Khoa Cho - Trạm trưởng khám sức khỏe cho người dân trong điều kiện thiếu thốn cơ sở vật chất.   Ảnh:   S.N

Theo thống kê của Trạm Y tế Pa Ham, năm 2014, cả xã có 82 người sinh con thì chỉ có khoảng gần 50 ca đến trạm y tế xã khám thai và chỉ có 4 ca là do chị Thụy đến nhà đỡ đẻ, vì có người nhà đến trạm thông báo; 3-4 sản phụ lên trạm xin gói đẻ sạch (gồm băng rốn, găng tay, dao cắt rốn, tạp đề, tấm nylon, thuốc nhỏ mắt). Cả xã có 9 bản thì chỉ có 7 cán bộ y tế thôn bản và chưa có cô đỡ thôn bản. Tuy nhiên, các y tế thôn bản đều là nam giới nên hầu hết các chị em người DTTS khi sinh đẻ đều ngại, xấu hổ nên không dám nhờ họ đỡ đẻ. Đa phần các sản phụ đều lựa chọn giải pháp đẻ tại nhà và tự cắt rốn cho con.

 

Chị Thuỵ kể: “Năm 2014, chị Lò Thị Thợi ở bản Mường Anh 2 sinh con đầu lòng, khó đẻ nên đã cho người nhà đến trạm y tế nhờ chị đến đỡ. Theo người nhà, sản phụ đau đẻ đã hơn 10 tiếng mà vẫn chưa sinh. Thấy ca đẻ khó, chị tiến hành bấm ối và cắt tầng sinh môn để đưa trẻ ra ngoài. Nhưng không có kim, chỉ khâu nên chị đành sơ cứu ban đầu cho sản phụ và tư vấn người nhà đưa xuống Bệnh viện Mường Lay để khâu cho vết thương nhanh lành. Nhưng do đường xuống bệnh viện xa (khoảng 35km), hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên người nhà đã không đưa chị Thợi đi bệnh viện mà cứ để vết thương như vậy, rồi chữa bằng thuốc lá nên vết thương sưng tấy, gây đau đớn cho sản phụ...”.

Thiệt thòi hơn là những đứa được sinh ra tại nhà ở Pa Ham đều không được tiêm vaccine viêm gan B và vitamin K trong 24 giờ đầu sau sinh. “Vì vậy, chúng tôi mong sớm được đầu tư cơ sở vật chất để việc khám chữa bệnh thuận lợi hơn, hàng ngày bác sĩ, y tá không phải “tay không bắt bệnh”, người dân cũng không phải vất vả chạy ngược chạy xuôi để được chăm sóc sức khoẻ” – ông Hờ Khoa Cho – Trưởng trạm Y tế xã Pa Ham, huyện Mường Chà (Điện Biên) chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem