Dân Bản Phố quyết giữ giống ngô vàng truyền thống, nấu thứ rượu vang danh khắp núi rừng

Tráng Xuân Cường Thứ tư, ngày 22/09/2021 18:32 PM (GMT+7)
Đến thời điểm này, bà con người Mông ở xã Bản Phố, huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) đã thu hoạch xong ngô chính vụ năm 2021.
Bình luận 0

Nhờ chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng các giống ngô mới, tích cực đưa cơ giới hóa vào sản xuất mà năng suất ngô tại đây cao hơn so với các vụ trước, giúp bà con có lượng ngô vàng dồi dào phục vụ chăn nuôi, nấu rượu ngô đặc sản...

Đưa giống mới vào sản xuất

Bản Phố là xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Hà, trong đó đồng bào Mông chiếm trên 99% dân số. 

Xã nằm sát trung tâm huyện lỵ, vùng đất giàu truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời là quê hương của loại rượu ngô Bản Phố nổi tiếng đã được công nhận sản phẩm OCOP4 sao cấp tỉnh nên đã tạo ra cơ hội thúc đẩy phát triển nghề trồng ngô, cũng như phát triển làng nghề nấu rượu ngô đặc sản gắn với du lịch, tạo sự đột phá giảm nghèo, nâng cao đời sống cho bà con.

Sáng kiến giúp ngô Bản Phố “lên ngôi” - Ảnh 1.

Ngô vàng là nguyên liệu chính được chưng cất cùng men hồng mi, nước tự nhiên sạch lấy từ mạch núi tạo nên sản phẩm rượu ngô đặc sản nổi tiếng. Ảnh: T.C

Theo lãnh đạo xã Bản Phố, cây ngô chiếm hơn 70% diện tích cây lương thực của xã nên giữ vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của xã Bản Phố nói riêng và huyện Bắc Hà nói chung. 

Những năm qua, xã Bản Phố đã tích cực triển khai các chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nông cụ theo Chương trình 135 và Nghị quyết 30a của Chính phủ, nhờ đó người dân được vay vốn đầu tư phân bón, mua sắm nông cụ, chủ động đưa giống ngô lai năng suất cao thay thế giống ngô địa phương…

Bên cạnh những diện tích trồng ngô lai cho năng suất cao phục vụ chăn nuôi, nhiều hộ nông dân xã Bản Phố vẫn để lại một phần diện tích để gieo trồng giống ngô vàng chất lượng cao phục vụ làng nghề nấu rượu ngô đặc sản.

Ông Lê Văn Tùng - Chủ tịch UBND xã Bản Phố phấn khởi cho biết: "Năm 2021, UBND xã đã chủ động triển khai các biện pháp hỗ trợ nông dân sản xuất ngô chính vụ, từ tín chấp vay vốn mua vật tư nông nghiệp, cung ứng giống, phân bón, chỉ đạo cán bộ khuyến nông hướng dẫn nông dân gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch đúng khung thời vụ. Nhờ khí hậu, thời tiết thuận lợi, mưa thuận, gió hoà mà năm nay ngô trúng mùa, bắp sai, hạt dày và to. Đặc biệt, chất lượng và năng suất ngô đều cao hơn vụ trước nên bà con rất phấn khởi".

Sau khi thu hoạch xong ngô chính vụ 2021, bà con nông dân Bản Phố tranh thủ dựng rạp tạp, phủ bạt che chắn cho bắp ngô, vừa tranh thủ tẽ hạt, bóc phần bắp đã khô để bảo quản phục vụ nghề nấu rượu ngô đặc sản và chăn nuôi. 

Nhiều nông dân Bản Phố cho biết rất phấn khởi khi thu hoạch ngô đúng khoảng thời gian thời tiết thuận lợi, nắng ráo, tránh được đợt mưa kéo dài nên ngô không bị hư hỏng, ẩm thối, bắp ngô to, dày hạt và rất đẹp.

Sáng tạo trong sản xuất

Ông Vù Seo Hòa - nông dân ở thôn Làng Mới, xã Bản Phố vui vẻ cho biết: "Ở đây gia đình mình và các hộ đều trồng ngô, nấu rượu, chăn nuôi, song chủ yếu dùng ngô để nấu rượu đặc sản. Cây ngô là cây trồng chính của nhà mình và bà con. Mấy năm nay đã sử dụng thêm giống ngô lai để sản xuất ngô hàng hóa, song vẫn giữ giống ngô vàng địa phương để nấu rượu ngô chất lượng cao. Nhà mình năm nay trồng 25kg giống ngô lai và ngô vàng cho hơn 2ha ngô. Nói chung khí hậu, thời tiết, rất thuận lợi, nhất là lúc gieo hạt xong có mưa đều, cây không bị chết hạn, nảy mầm tốt, lúc ngô chín vàng trời nắng ráo nên không bị ẩm ướt, mối mọt… Nhờ thế nhà mình và bà con đều được mùa ngô, vui lắm".

Ông Tùng cho biết thêm, hàng năm, bà con trong xã trồng ngô với diện tích rất lớn để phục vụ nấu rượu và phát triển chăn nuôi. Do địa hình đồi núi dốc, các nương ngô thường ở trên cao nên việc thu hoạch, vận chuyển ngô xuống núi mất rất nhiều thời gian, công sức, lại dễ tổn thất sau thu hoạch... Nhưng bây giờ, việc thu hoạch ngô đã được cải thiện, thuận lợi và nhanh hơn nhờ sáng kiến vận chuyển ngô bằng tời, ròng rọc.

"Đây là một sáng kiến rất hữu ích, giảm được rất nhiều sức lao động, hiệu quả công việc tăng lên gấp 4 - 5 lần so với dùng ngựa thồ. Hơn nữa khi vận chuyển ngô xuống núi cũng rất an toàn" - ông Tùng nói thêm.

Một sáng kiến hữu ích khác cũng được người dân Bản Phố áp dụng rộng rãi, đó là phơi ngô bằng khung căng phủ nylon trắng. Theo chia sẻ của nhiều hộ dân thì cách làm này khá hiệu quả, giúp việc phơi phóng, bảo quản nông sản được tốt hơn.

Anh Ma Seo Tráng - người dân thôn Bản Phố 2, xã Bản Phố cho biết, gia đình anh sử dụng mô hình này đã hơn 3 năm nay, thấy rất tiện lợi, ngay cả khi trời mưa liên tục nhiều ngày, nông sản vẫn khô, sạch, ít ẩm mốc nên chất lượng tốt hơn, giá bán cũng cao hơn.

Việc đầu tư mua nylon và dựng khung bạt như gia đình anh Tráng làm rất đơn giản, chỉ một lần đầu tư, kinh phí ít thì tận dụng bằng tre vẫn sử dụng được trung bình từ 3 - 5 năm, rất tiết kiệm chi phí.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem