Dân cả làng này ở Ninh Bình ai cũng đang cố gắng giữ nghề "nặn đất sét", đó là nghề gì?

Vũ Thượng Thứ hai, ngày 26/08/2024 09:52 AM (GMT+7)
Trải qua gần 70 năm thăng trầm, làng nghề gốm Gia Thủy (xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) vẫn đỏ “lửa” để mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm gốm đậm giá trị văn hóa của dân tộc Việt.
Bình luận 0

Độc đáo nghề gốm Gia Thủy

Theo các nghệ nhân của làng nghề gốm Gia Thủy (xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), có tiền thân là gốm Long Thịnh. Năm 1958, một số thợ gốm ở Thanh Hóa đã di cư về đây và mở một số lò gốm làm các vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt như: Nồi, niêu, chum vại...

Ninh Bình: Gần 70 năm đỏ “lửa” giữ nghề gốm Gia Thủy - Ảnh 1.

Ông Trịnh Văn Dũng-Giám đốc Hợp tác xã Cổ phần gốm Gia Thủy (xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) luôn tâm huyết với nghề. Ảnh: VT

Trải qua bao thăng trầm, biến động của thị trường, làng nghề gốm Gia Thủy (xã Gia Thủy, huyện Nho Quan) vẫn giữ được nét êm ả, yên bình, người làm nghề vẹn nguyên tinh thần làm việc tỉ mỉ, cần mẫn.

Ông Trịnh Văn Dũng-Giám đốc Hợp tác xã Cổ phần gốm Gia Thủy cho biết: "Nghề gốm Gia Thủy có từ năm 1958, các sản phẩm được tạo thành như: Cái chum, vại, ấm chén, bình hoa, bát, đĩa…Đến năm 2007, làng gốm Gia Thủy được công nhận là làng nghề truyền thống".

Ninh Bình: Gần 70 năm đỏ “lửa” giữ nghề gốm Gia Thủy - Ảnh 2.

Sản phẩm gốm Gia Thủy (xã Gia Thủy, huyện Nho Quan) ngày càng đa dạng. Ảnh: VT

"Năm 2021, bình gốm cắm hoa Gia Thủy được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện nay, Hợp tác xã Cổ phần gốm Gia Thủy đang tạo công việc thường xuyên cho 50 lao động, với mức lương 7-8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, để bảo tồn nghề truyền thống, hợp tác xã còn nhận dạy nghề miễn phí cho các thanh niên địa phương", ông Dũng cho biết.

Qua tìm hiểu, điểm nổi bật của đồ gốm Gia Thủy không có lớp men tráng bề mặt, cũng không trang trí nhiều màu sắc, hình thù. Chỉ đơn thuần là sản phẩm từ đất sét, mang màu nâu cháy đặc trưng.

Ninh Bình: Gần 70 năm đỏ “lửa” giữ nghề gốm Gia Thủy - Ảnh 3.

Người làm nghề gốm Gia Thủy luôn biết cách "thổi hồn" vào từng tác phẩm. Ảnh: VT

Ninh Bình: Gần 70 năm đỏ “lửa” giữ nghề gốm Gia Thủy - Ảnh 4.

Độc đáo gốm Gia Thủy được gắn hình con ngựa phía ngoài từng chiếc chum. Ảnh: VT

Ông Trần Văn Quang với nhiều năm làm gốm tâm sự: "Nghề gốm Gia Thủy có lâu rồi và đến nay phương pháp cơ bản làm thủ công là chính. Chúng tôi dựa vào kinh nghiệm đúc kết được để làm, như nung gốm trong lò, thời gian sản phẩm đạt yêu cầu hơn 100 tiếng, nhiệt độ trong lò tăng dần, cao điểm khoảng 1.200 độ C là đạt yêu cầu".

Gốm Gia Thủy với đa dạng sản phẩm, từ đĩa chén, bình hoa đến những chiếc chum vại lớn dung tích 400 lít. Sản phẩm làm từ đất, không tô vẽ, nhìn đơn giản nhưng mỗi sản phẩm gốm Gia Thủy đều là thành quả, công sức của thợ làm nghề.

Công đoạn làm gốm Gia Thủy

Qua tìm hiểu, đặc trưng của gốm Gia Thủy là được làm từ nguyên liệu đất sét có màu nâu vàng, đây là nguyên liệu có sẵn tại địa phương và chỉ tại làng nghề mới có. Đặc biệt, loại đất này có độ kết dính cao, mịn và chịu nhiệt tốt.

Ninh Bình: Gần 70 năm đỏ “lửa” giữ nghề gốm Gia Thủy - Ảnh 5.

Đất sét màu vàng để tạo nên sản phẩm gốm Gia Thủy nổi tiếng. Ảnh: VT

Ninh Bình: Gần 70 năm đỏ “lửa” giữ nghề gốm Gia Thủy - Ảnh 6.

Công đoạn phơi khô đất sét lên bề mặt bức tường. Ảnh: VT

Ninh Bình: Gần 70 năm đỏ “lửa” giữ nghề gốm Gia Thủy - Ảnh 7.

Người lao động ngâm, lọc bùn đất và tiến hành để đông đặc trước khi tạo hình. Ảnh: VT

Ông Trịnh Văn Dũng-Giám đốc Hợp tác xã Cổ phần gốm Gia Thủy chia sẻ: "Để làm nên một sản phẩm gốm đưa ra thị trường phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên, người thợ lấy đất về phải phơi khô, đập nhỏ.

Sau đó, người thợ sẽ cho đất vào bể ngâm. Tiếp tục, dùng máy khuấy đều rồi múc lọc qua sàng, gạn bớt nước phía trên, lấy phần đất đông đặc phía dưới. Rồi mang đất ra phơi khô.

Ninh Bình: Gần 70 năm đỏ “lửa” giữ nghề gốm Gia Thủy - Ảnh 8.

Người lao động tạo hình cho sản phẩm gốm Gia Thủy. Ảnh: Vũ Thượng

Ninh Bình: Gần 70 năm đỏ “lửa” giữ nghề gốm Gia Thủy - Ảnh 9.

Sản phẩm chum, vại...được phơi khô trước khi đưa vào lò nung. Ảnh: VT

Ông Dũng lưu ý, việc phơi đất phải cẩn trọng, bởi nếu để đất khô quá hoặc ướt quá rất khó tạo hình. Đồng thời, lớp đất sét dẻo sẽ được đưa vào khu sản xuất để đánh thành từng miếng nhỏ.

Ngoài ra, từ những miếng đất này, người thợ sẽ lăn, ép đất thành các đoạn dài. Từ những miếng đất dài "loằng ngoằng", tiếp đến xếp chồng chúng lên nhau để tạo ra khuôn hình cho sản phẩm.

Khi khuôn đã có, người thợ dùng bàn tay khéo léo tạo hình ra một sản phẩm cụ thể, có thể là chum hoặc bình...Công đoạn kế tiếp là vuốt, chỉnh lại các sản phẩm nhằm đảm bảo sự chỉn chu, đường nét mềm mại.

Ninh Bình: Gần 70 năm đỏ “lửa” giữ nghề gốm Gia Thủy - Ảnh 10.

Công đoạn nung gốm đòi hỏi người lao động phải có kinh nghiệm. Ảnh: VT

Ninh Bình: Gần 70 năm đỏ “lửa” giữ nghề gốm Gia Thủy - Ảnh 11.

Gốm Gia Thủy ra lò với màu nâu cháy đặc trưng. Ảnh: VT

Theo ông Dũng, sau khi tạo hình xong, các sản phẩm chum, vại, bình... sẽ được phơi ngoài trời từ 5-7 ngày. Đồng thời, kiểm tra lớp đất sét đã cứng thì tiến hành cho vào lò để nung trong khoảng thời gian từ 8-10 ngày là sản phẩm hoàn chỉnh ra lò.

"Gốm Gia Thủy tuy trải qua những giai đoạn khó khăn nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm gắn bó với nghề. Đến nay, các lò gốm của hợp tác xã cho ra khoảng 2.400 sản phẩm mỗi tháng, doanh thu ước đạt lên tới cả tỷ đồng mỗi năm", ông Trịnh Văn Dũng-Giám đốc Hợp tác xã Cổ phần gốm Gia Thủy cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem