Dán chứng chỉ chất lượng cho chính quyền

Thứ năm, ngày 17/03/2011 14:56 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc Hà Nội, và TP.HCM, hai "đầu tàu kinh tế" tiếp tục rớt trong "Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)" hoá ra lại không làm nhiều người bất ngờ.
Bình luận 0

Đã nói đến PCI thì trình độ phát triển, mức độ giàu có, ưu đãi về hạ tầng, hoặc sự thuận lợi về địa lý… đã không còn là một lợi thế.

PCI nói tóm lại là thước đo cho trình độ, năng lực, sự liêm chính của lãnh đạo và tính chuyên nghiệp trong việc vận hành bộ máy nhà nước địa phương.

Một thước đo xuất phát từ những va đập thực tế mà các doanh nghiệp - đối tượng luôn được vinh danh là người làm ra của cải cho xã hội - phải chịu đựng hàng ngày. Là bởi CPI là những đánh giá chân thực, khách quan của người trong cuộc, khác với các báo cáo thành tích, báo cáo tổng kết, nơi tràn ngập sự tự sướng của các địa phương.

Mỗi một điểm của chỉ số Tính minh bạch trong PCI sẽ giúp tăng 13% số doanh nghiệp trên 1.000 dân, tăng 17% đầu tư bình quân đầu người và tạo ra 62 triệu đồng lợi nhuận trên mỗi doanh nghiệp.

Năm nay, "Tính minh bạch"- cái phong vũ biểu đánh giá mức độ trong sạch của chính quyền và sự liêm chính của quan chức đang bị "giảm điểm" và nguy hiểm là giảm thấp nhất kể từ khi chỉ số PCI được công bố lần đầu tiên năm 2005.

Chỉ số tính minh bạch giảm đương nhiên chỉ số "Chi phí không chính thức" tiếp tục tăng lên. Các DN, "y như vẫn" từ 6 năm nay, tiếp tục bài ca kêu gào họ bị buộc phải có "chi phí không chính thức" để "bôi trơn".

Lót tay để có giấy phép đầu tư. Chi tiền để được thông quan hàng hoá. Hoa hồng để có được hợp đồng với các cơ quan nhà nước. Ngay đến việc muốn "tiếp cận thông tin", gần 80% DN cho biết cũng "cần phải có quan hệ".

Nạn nhũng nhiễu trong thực tế chưa hề thuyên giảm. Trong khi tình trạng tham nhũng khiến các DN ít vốn, không nhiều quan hệ rất khó chen chân.

Trong thực tế, các DN, các nhà đầu tư đã bão hoà, đã vô cảm với những hứa hẹn trải thảm đỏ, những ưu đãi. Quyết định đầu tư của họ giờ đây được quyết định căn cứ chủ yếu vào môi trường kinh doanh. Nơi họ sẽ ít bị hạch sách, nhũng nhiễu, nơi họ có thể giảm thiểu các chi phí: Tiếp cận đất đai, chi phí thời gian và đặc biệt là các khoản chi không chính thức...

Vì thế, có nỗ lực cách mấy mà không cải thiện được Tính minh bạch thì khó có thể nói đến chuyện văn minh, phát triển.

Bởi xét cho cùng PCI chính là một chỉ số đo lường niềm tin và sự tín nhiệm của DN đối với một địa phương, mà phép cộng của các địa phương chính là quốc gia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem