Dân cư bãi giữa sông Hồng: "Ngơ ngác" trước tin phải di dời

Đàm Duy - Bảo Yến Thứ sáu, ngày 13/05/2016 13:55 PM (GMT+7)
"Tôi không có hộ khẩu ở đây, vậy có bị đuổi về quê không?"; "Chúng tôi có được địa phương cho đất ở không?". Đó là những nỗi băn khoăn của người dân cư ngụ tại bãi giữa sông Hồng trước thông tin sẽ phải di dời.
Bình luận 0

Theo Quy hoạch vừa được phê duyệt, sẽ có 2.032 hộ dân trên các khu vực có lòng sông co hẹp tại một số địa phương sẽ phải từng bước di dời, trong đó có khu vực tại bãi giữa Sông Hồng. Đối với người dân vì đường cùng mà dạt đến xóm chài nổi nơi bãi giữa này, đây có lẽ là một sự kiện rất quan trọng khi mà họ đã gắn bó với cuộc sống ở nơi lòng sông này gần cả đời người...

Chúng tôi tìm đến xóm Phao ở giữa bãi sông Hồng trong một ngày nắng. Cái xóm nhỏ ở bãi nổi này hiện có 27 hộ dân cư ngụ và được mệnh danh là xóm "4 không": Không điện, không nước sạch, không nhà và không hộ khẩu.

Sau khi được giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Đăng Được – tổ trưởng xóm.

Đến sống ở bãi giữa sông Hồng được khoảng 30 năm, ông Được là một trong những cư dân đến trú ngụ ở xóm Phao này sớm nhất. Theo ông kể, ông sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình nhưng lưu lạc đến nơi đây. Rồi ông lấy vợ, sinh con ở đây. Giờ đây, con ông cũng lấy vợ rồi sinh con tại chính bãi nổi giữa sông này.

Khi được hỏi về thông tin di dời dân bãi giữa sông Hồng, ông Được chia sẻ: “Chúng tôi chưa nhận được bất cứ một thông tin nào từ chính quyền địa phương về quyết định di dân. Dân nơi đây đều là người từ nhiều nơi đổ về không gốc gác, nhà cửa mới phải sống vất vưởng thiếu thốn nên ai mà không muốn có một nơi ổn định mà sống. Nếu nhờ đợt di dời này mà chúng tôi có được cho 1 miếng đất ở trên bờ thì tốt quá!”.

Không lạc quan như ông Được, cụ Thảo (80 tuổi), người đã có quá nửa đời gắn bó với cuộc sống lênh đênh nơi bãi giữa này khá thảng thốt khi nghe chúng tôi thông tin về chuyện di dời: “Tôi chẳng nghe thấy thông tin gì về việc di cư. Mà di cư thì đi về đâu mới được chứ? Như tôi về quê cũng chẳng còn có ai. Ở đây tôi còn được nhiều người thương tình giúp đỡ chứ về di dời thì tôi biết sống làm sao?".

Cũng cùng tâm trạng như cụ Thảo, chị Lê Thị Hoa cho biết: “Lên bờ có cuộc sống ổn định ai lại không muốn, nhưng nếu giờ bắt chúng tôi về quê chúng tôi cũng chẳng có đất đai, ruộng vườn, không có anh em họ hàng thì chúng tôi biết về đâu?”.

img

Xóm chài nổi năm ngay dưới chân cầu Long Biên. Tại đây có 27 hộ dân đều dựng bè sống trên mặt nước ven sông Hồng. Ảnh Đàm Duy

img

Mỗi cư dân của làng nổi là một mảnh đời khác nhau. Có người bỏ chồng hoặc bỏ vợ rồi phiêu dạt đến Hà Nội, có người vì làng quê nghèo quá phải bỏ đi kiếm ăn... Ảnh Đàm Duy

img

Ông Thảo đã 80 tuổi quê Nam Định nhưng hiện chỉ sống mình cho biết: “Sức tôi yếu chả làm được gì, cuộc sống giờ chỉ mong chờ người tốt đến cho tiền, cho đồ ăn sống qua ngày thôi chứ giờ bảo di dời đi nơi khác thì biết đi đâu, còn chỗ nào đâu mà sống?” . Ảnh Đàm Duy

img

Tại đây họ sống ở trên bè dưới lòng sông, không có đất đai, nhà cửa, không có hộ khẩu.... Ảnh Đàm Duy

img

Một góc căn nhà dựng tạm trên bãi giữa của nhà chị Hoa. Ảnh Đàm Duy

img

Cuộc sống nơi đây vô vàn khó khăn, trời khô ráo còn đi làm kiếm được đồng ra đồng vào chứ ngày mưa gió, nước lên hay trái gió trở trời thì đành chịu.  Ảnh Đàm Duy

img

Tại đây không có điện, muốn có điện năng người dân phải thủ sẵn chiếc ắc quy để sử dụng. Ảnh Đàm Duy

img

Người dân dùng nước giếng để sinh hoạt. Ảnh Đàm Duy

img

Là xóm trưởng của xóm nổi, ông Nguyễn Đăng Được bảo nhiều lần ông đã về tận quê của các hộ dân rồi vận động bố mẹ làm giấy khai sinh để các em được đến trường. Dẫu vậy, cuộc sống khó khăn nên sự học của các em đều dang dở. Ảnh Đàm Duy

img

img

Gia đình ông Được đã gần 30 năm sinh sống gắn bó nơi đây. Ảnh Đàm Duy

img

Dân không có hộ khẩu ở phường. Ảnh Đàm Duy

img

Người dân ở đây đa số không nghành nghề, có đi làm thì nhặt rác, hoặc làm thuê tiền kiếm một ngày nhưng phải dành dụm cho dăm ba ngày. Ảnh Đàm Duy

img

"Không biết sẽ được đi về đâu?" là nỗi lthấp thỏm lớn nhất của những người dân ở xóm chài nổi này nếu phải di dời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem