Cây táo nở hoa mới đã xác lập kỷ lục trở thành phim truyền hình Việt có lượt xem công chiếu cùng lúc trên Youtube cao nhất mọi thời đại. Mỗi tập phim ngay khi lên sóng đều lọt Top Trending Youtube.
Tuy nhiên, những tập gần đây, khi bi kịch ngày càng dồn dập, nhiều ý kiến khán giả bày tỏ sự thất vọng về khâu kịch bản phim Cây táo nở hoa. Trên các diễn đàn, mạng xã hội, khán giả bày tỏ sự ức chế, mệt mỏi khi xem bộ phim này. Khán giả Nguyễn Ngọc Ly viết: "Lỡ coi rồi nên phải coi cho hết xem biên kịch còn nghĩ ra cái gì nữa không. Anh em sống với nhau bao nhiêu năm, chỉ vì câu nói của bà mẹ mà Dư lại hành xử như vậy. Không có logic".
Có ý kiến cho rằng, đạo diễn tham kịch tính, đẩy cao trào mà quên đi cảm xúc của người xem. "Xem phim bức xúc vì lắm tình huống vô lý quá. Sau tất cả biến cố đáng ra Dư nên có tình yêu đẹp thì lại có cô gái đến nhận có bầu mà còn đòi 500 triệu cũng tin được. Làm gì có chuyện dễ tin người thế", tài khoản Sa Huỳnh bình luận.
Khán giả Nguyên Phạm phản ứng gay gắt: "Cả gia đình tôi không xem tiếp bộ phim này nữa. Ngột ngạt, u ám, ức chế, vô lý... đó là những cảm xúc còn đọng lại. Dàn diễn viên rất đáng khen nhưng kịch bản "ăn theo" của ta quá tệ so với bản chính".
"Một bộ phim sai lầm từ kịch bản đến phát hành. Nó không đem lại nhận thức tốt nào mà gây ức chế, làm sai lạc nhận thức về cuộc sống bởi sự cường điệu quá mức", tài khoản khác có tên Miu Lan để lại bình luận.
Không chỉ khán giả, các diễn viên cũng ảnh hưởng tâm lý vì bi kịch nặng nề bởi nhân vật trong phim. Diễn viên Hồng Ánh cho biết, chị thường xuyên bị stress, kiệt sức vì vai Hạnh.
Khán giả Huỳnh Quốc gửi lời động viên tới "chị Hạnh": "Thương nhất là Hồng Ánh, dù tôi biết 6 diễn viên ai cũng cực. Hồng Ánh đóng cảnh khóc rất nhiều, mỗi cảnh biến hóa tâm lý khác nhau, đóng xong bị stress, nhức đầu, già đi thấy rõ, vì chị phải vắt kiệt hết mọi năng lượng để hóa thân một cách chân thật, sống động nhất.
Chị có thể làm bằng kĩ thuật biểu diễn vì chị có thừa, nhưng chị muốn mọi cảnh diễn đều phải bằng cảm xúc thật, vắt kiệt hết lực diễn. Cảm ơn sự chuyên nghiệp, tinh thần tôn trọng khán giả và cống hiến cho điện ảnh của chị Hồng Ánh".
Phía đàn em Thúy Ngân cũng thường xuyên gặp phải ác mộng, sụt cân khi quay các trường đoạn nhân vật rơi vào cảnh cùng cực, quẫn trí. Trương Thế Vinh phải gặp bác sĩ tâm lý để điều chỉnh lại trạng thái tinh thần vì thường xuyên bị stress.
Trước câu hỏi xoay quanh cách xây dựng tình huống trong phim Cây táo nở hoa, các đạo diễn đình đám như: Nguyễn Quang Dũng, Phan Gia Nhật Linh, và Phan Đăng Di đã chia sẻ với PV Dân Việt ý kiến của mình:
Nguyễn Quang Dũng (hay còn gọi là Dũng "khùng") là một trong những cái tên quen thuộc của điện ảnh Việt với những bộ phim được đầu tư chỉn chu, có chất riêng và luôn bảo chứng doanh thu phòng vé như: Nụ hôn thần chết (2008), Mỹ nhân kế (2013), Tháng năm rực rỡ (2018), Tiệc trăng máu (2020)...
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết suy nghĩ của anh khi xem Cây táo nở hoa là tâm huyết của những người làm nên bộ phim này: "Tôi rất nể phục độ chỉn chu của bộ phim. Từ kỹ thuật cho đến từng chi tiết nhỏ của bộ phim đều được chau chuốt một cách tỉ mỉ cẩn thận. Vì trong nghề nên tôi biết, đối với những series drama dài tập như Cây táo nở hoathì việc chăm chút hình ảnh và các chi tiết nhỏ là rất kì công, tốn kém thời gian cũng như kinh phí thực hiện. Xem bộ phim, tôi thấy được sự tâm huyết cao độ của cả ê-kíp".
Sau 48 tập phát sóng, các nhân vật trong Cây táo nở hoa từ tuyến chính đến tuyến vai thứ lần lượt mang đến những cung bậc cảm xúc riêng biệt cho khán giả, từ yêu thích, đồng cảm, thương xót đến ghét cay ghét đắng…
Bình luận về những drama của bộ phim Cây táo nở hoa đang được đông đảo khán giả quan tâm, đạo diễn Dũng "khùng" cho biết: "Cây táo nở hoalà bộ phim drama dài hơi theo tôi được biết là khoảng 70 tập, nên việc kịch bản có nhiều drama để thu hút khán giả theo dõi trong suốt thời gian dài là cách làm thường thấy ở thể loại này.
Nhịp phim có khi lên đến cao trào để khiến khán giả nghẹt thở lo lắng theo câu chuyện, có khi giãn ra để khán giả thở phào. Đây là một trong những thủ thuật viết kịch bản thường thấy không chỉ ở phim Việt Nam mà còn ở các phim truyền hình ở nước ngoài. Đây cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng để thu hút khán giả theo dõi xuyên suốt hành trình dài tập cho một bộ phim truyền hình".
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh: Cây táo nở hoaminh chứng cho việc đầu tư bài bản sẽ được đền đáp
Chia sẻ cảm nhận khi Cây táo nở hoa được các khán giả truyền hình thảo luận sôi nổi trên các diễn đàn và mạng xã hội, với vô số những bình luận trái chiều, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết: "Cây táo nở hoa hấp dẫn người xem vì bộ phim khai thác những mối quan hệ gia đình, anh chị em, vợ chồng.
Nhiều khán giả cho rằng, phim quá bi kịch, tôi nghĩ họ có lý của họ nhưng đồng thời tôi cũng tin rằng nhiều khán giả vì sự "quá bi kịch" của bộ phim mà đã không ngừng được việc theo dõi. Giả sử nếu nhà làm phim làm bộ phim trở nên bớt drama hoặc vui vẻ hài hước thì tôi cũng tin sẽ có nhiều khán giả cho rằng phim chưa đủ kịch tính, mà đôi khi cũng có thể sẽ nhiều người không thích. Với tôi, điều quan trọng là liệu bộ phim với mọi hỉ nộ ái ố có đủ lôi cuốn, hấp dẫn và giữ chân người xem hay không".
Là đạo diễn đứng sau thành công của các bộ phim điện ảnh remake từ kịch bản Hàn, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh còn chia sẻ thêm góc nhìn về câu chuyện Việt hóa của Cây táo nở hoa: "Gạo nếp gạo tẻ hay Cây táo nở hoa là đều là những phim remake từ kịch bản Hàn Quốc nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta đang ở giai đoạn "học đi". Vì thế nếu dẹp bỏ tự ái và học hỏi từ những kịch bản thành công của các nước thì trong những năm tới, khi các biên kịch của chúng ta đã hiểu những căn bản của việc viết kịch bản, lúc đó chúng ta sẽ sẵn sàng cho các kịch bản nguyên gốc.
Có trong tay kịch bản tốt, chúng ta sẽ tiếp tục tập trung vào những phần khác: diễn xuất, đạo diễn, quay phim, dựng phim, thiết kế, âm nhạc…. Tôi tin rằng khán giả Việt Nam vừa rất khắt khe nhưng đồng thời cũng rất bao dung với phim Việt Nam, và thành công của Cây táo nở hoalà một minh chứng cho việc đầu tư bài bản sẽ được đền đáp xứng đáng".
Đạo diễn Phan Đăng Di: Người châu Á thường thích... kịch tính
Phan Đăng Di là một đạo diễn đầy tài năng của điện ảnh Việt với những bộ phim do anh viết kịch bản kiêm đạo diễn thành danh tại các Liên hoan phim quốc tế. Đồng thời, anh là người sáng lập sự kiện điện ảnh thường niên Gặp gỡ mùa thu – nơi tạo điều kiện cho các nhà làm phim trẻ học tập, chia sẻ kinh nghiệm.
Đạo diễn Phan Đăng Di thừa nhận, anh không có điều kiện theo dõi trọn vẹn các tập phát sóng của Cây táo nở hoa mà chỉ xem một số tập. Tuy nhiên, nói về những phân đoạn kịch tính, cao trào của bộ phim, đạo diễn đã đề cập đến "siêu phẩm drama nhà giàu"Penthouse.
Theo đạo diễn Phan Đăng Di: "Cây táo nở hoa là một bộ phim remake của Hàn Quốc và thực tế nhiều phim Hàn Quốc được biết đến ở Việt Nam chinh phục khán giả thì đa phần có nội dung bi kịch hoặc nhiều xung đột tạo nên căng thẳng, mức độ mâu thuẫn kịch tính vượt xa cuộc sống bình thường.
Ngay cả bộ phim nổi tiếng thời điểm này như Penthousethì khán giả vẫn thấy rõ kịch tính, sự bi thảm cũng như mâu thuẫn rất khốc liệt giúp phim thu hút rất nhiều khán giả Việt Nam và châu Á. Theo tôi nhìn nhận, người châu Á thường thích những gì rất "melo", rất kịch, thậm chí nếu đẩy những thứ đó cao hơn mức độ thông thường thì khán giả càng quan tâm hơn".
Đặc biệt, trước sức hút lớn của Cây táo nở hoa, đạo diễn Phan Đăng Di cũng đã tìm hiểu và xem qua vài tập bản gốc của Hàn Quốc và chia sẻ góc nhìn "khắt khe": "Điều làm được ở Cây táo nở hoa là trong phim có nhiều gương mặt diễn xuất tạo được cảm tình cho khán giả. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng chúng ta không có đủ dàn diễn viên đều tone như Hàn Quốc, thế nên có những lúc diễn xuất trong phim có những đoạn rất tốt, nhưng có những đoạn không thể tránh khỏi độ chênh về diễn xuất. Đây là câu chuyện đẳng cấp của cả nền điện ảnh chứ không riêng gì bộ phim này".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.