Dân di cư bị bỏ sót

Minh Nguyệt Thứ sáu, ngày 14/11/2014 07:09 AM (GMT+7)
Tháng 10 vừa qua, cả nước hoàn thành việc rà soát hộ nghèo để thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo (XĐGN) năm 2015. Tuy nhiên, có một số lượng không nhỏ hộ nghèo bị “lọt lưới” vì không có hộ khẩu hoặc tạm trú. Ghi nhận của NTNN khi tìm hiểu ở tổ 3 (Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội).
Bình luận 0

Mất quyền được… nghèo

Anh Vũ Văn Học (50 tuổi, quê ở Sơn Động, Bắc Giang) cùng vợ là chị Nguyễn Thị Thanh tha phương cầu thực nhiều năm nay. Lúc thì vào Nghệ An, lúc lại ra Hà Tĩnh, giờ anh chị về trú ngụ tại xóm Bè, dưới chân cầu Long Biên. Nhà có 2 vợ chồng với 3 con nhưng nơi ở chỉ là mảng bè chưa đầy 15m2. Hơn một năm nay, kể từ tháng 5.2013, anh chị được cán bộ thôn hỗ trợ cho lên bờ, dựng tạm túp lều ven sông để khai hoang, làm ăn.

img

Gia đình anh Học có tạm trú dài hạn nhưng vẫn chưa được bình xét hộ nghèo. 

Căn lều nhỏ rộng chưa được 20m2 nằm cheo leo bên mỏm đất ở bờ sông Hồng giờ là chỗ trú ngụ của 5 người. Hai vợ chồng đều đau ốm nhưng không có BHYT, không có tiền nên chẳng dám đi bệnh viện bao giờ. Từ ngày được lên bờ, anh chị cứ dìu dắt nhau khai hoang mấy mẫu đất đầy lau sậy để trồng rau. 3 đứa con đều phải gửi vào Mái ấm tình thương 19.5, học hết cấp 2 thì chúng đi làm kiếm tiền phụ bố mẹ. “Ngày trước gia đình khổ lắm, vợ chồng xa quê nên bị cắt khẩu. Mãi năm kia (năm 2011) mới làm lại được hộ khẩu ở quê nên tôi mới xin được tạm trú dài hạn (KT3) ở phường Phúc Xá này”.

Tuy có đăng ký tạm trú dài hạn ở phường nhưng bản thân gia đình anh Học cùng nhiều hộ ngụ cư khác không hề được rà soát hộ nghèo. “Chúng tôi lâu nay cũng không biết là mình có nằm trong diện được rà soát hay không. Chỉ biết mỗi bận tết nhất cũng có quà của các nhà hảo tâm, hay chính quyền qua tặng” – anh Học nói.

Dọc những con ngõ tối tăm, đọng đầy nước, rác thải vứt bừa bãi, khu “ổ chuột” cạnh bờ sông Hồng có khoảng 30 hộ gia đình sống ẩn nấp trong những căn nhà trọ tối tăm, ẩm thấp với thu nhập có người dưới chuẩn nghèo của Hà Nội.

Gia đình bà Phạm Thị Lĩnh quê ở thôn Đình Cả (Quảng Minh, Việt Yên, Bắc Giang) là một gia đình như vậy. Nhà nghèo nên ngay từ nhỏ bà Lĩnh đã đi phiêu bạt khắp nơi rồi về trú ngụ tại xóm Bè (lòng sông Hồng) này. Tuy nhiên, vì rời quê quá lâu nên địa phương đã cắt hộ khẩu. Hộ khẩu không có, tạm trú cũng không nên 4 đứa con của bà sinh ra không biết nhập khẩu vào đâu. Đến giờ 2 đứa con đã lập gia đình nhưng không có khai sinh nên không thể đăng ký kết hôn, nhập khẩu vào nhà chồng.

Cũng bởi lẽ ấy, nên dù rất khó khăn (6 khẩu, chỉ có một lao động chính, không nhà cửa, không được tiếp cận điện nước… thu nhập chưa đầy 750 nghìn đồng/người) nhưng gia đình bà chưa bao giờ được rà soát để đưa vào diện hộ nghèo.

Khó rà soát nghèo với hộ tạm trú

Chiều 3.11, tiếp PV tại UBND phường Phúc Xá, bà Nguyễn Thị Lan Hương – Phó Chủ tịch UBND phường cho biết, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của toàn phường còn khá cao. Khảo sát tháng 10.2014 của phường cho thấy, hiện toàn phường còn 50 hộ nghèo/tổng gần 600 hộ, riêng số hộ cận nghèo là 5 hộ. Tuy số hộ cận nghèo đã giảm từ 58 (năm 2014) xuống còn 50 hộ (năm 2015) nhưng 8 hộ thoát nghèo thì có 5 hộ lại ngay lập tức rơi vào “bẫy” cận nghèo. Chỉ có 3 hộ là “thoát nghèo” triệt để (2 hộ có người đơn thân chết và 1 hộ bán đất).

Nói về việc thực hiện rà soát điều tra hộ nghèo, đặc biệt với các hộ có hộ khẩu tạm trú dài hạn, bà Hương thừa nhận: “Thực tế việc điều tra, rà soát với nhóm đối tượng này là rất khó, vì họ liên tục di cư, biến động. Nhiều người trong số lao động (LĐ) di cư còn không có khai báo tạm trú”.

Tuy nêu khó khăn, nhưng bản thân bà Hương cũng thừa nhận công văn của UBND thành phố, cũng như quận (Số 159/KH – UBND) có đề cập tới việc “phải” bình xét, rà soát cả với những đối tượng có hộ khẩu tạm trú dài hạn trên địa bàn”. Thế nhưng thực tế, việc thực hiện rà soát lại bỏ sót các đối tượng này. Trong số 50 hộ nghèo, và 5 hộ cận nghèo trong năm 2015 (số liệu cập nhật tới ngày 10.10.2014) không hề có bất cứ một hộ nghèo nào thuộc diện tạm trú dài hạn KT3 hay KT4.

Bản thân ông Bình - Tổ trưởng tổ 3 - người trực tiếp làm điều tra, rà soát hộ nghèo cũng thừa nhận, không có cơ sở để điều tra, rà soát hộ nghèo cho LĐ di cư. “Các hộ di cư thì nay đây mai đó, dù rất muốn quản lý họ nhưng địa phương nhiều khi cũng bất lực. Trong khi đó, nhiều gia đình lại không có hộ khẩu tạm trú, nếu không có hộ khẩu tạm trú thì cũng không thể đưa vào diện bình xét được” – ông Bình nói.

“Sắp tới đây, nếu thực hiện giảm nghèo đa chiều tôi e là một mình tôi không đảm đương được. Mới chỉ làm điều tra rà soát với chừng ấy đối tượng mà đã mệt bở hơi tai. Mai mốt, số đối tượng tăng, điều tra nhiều thì biết phải làm sao?" - ông Bình trăn trở.

Hiện tổ 3 có 267 hộ với 797 khẩu, nhưng có tới gần 500 khẩu là dân “ngụ cư” ở tỉnh ngoài chuyển về sống (riêng xóm Bè trên sông Hồng có 13 hộ). Tuy nhiên, chỉ có 17 hộ trong số dân di cư là có đăng ký tạm trú nhưng ngay cả hộ có sổ KT3 cũng không được vào diện bình xét hộ nghèo. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem