Dân góp thiện nguyện cao hơn thu ngân sách

Phương Dung Thứ hai, ngày 23/01/2017 10:33 AM (GMT+7)
Là một xã thuần nông ven biên giới, năm 2016 xã Đa Phước (huyện An Phú, An Giang) thu ngân sách là 5,3 tỷ đồng - vượt chỉ tiêu 8%. Trong khi đó, người dân xã này góp tiền cho các hoạt động thiện nguyện lên đến 7,5 tỷ đồng...
Bình luận 0

Chuyện tử tế ở xã “đa sắc tộc”

Đa Phước là một xã ven biên giới, cửa ngõ huyện An Phú, giáp ranh với thành phố Châu Đốc. Diện tích đất đất nông nghiệp chỉ có hơn 1.100 ha trong khi dân số gần 20.000 người với gần 5.000 hộ dân, rải đều ở 4 ấp Hà Bao 1, Hà Bao 2, Phước Thọ, Phước Quản. Xã Đa Phước được coi là “đa sắc tộc” và “đa tôn giáo” khi có 4 dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer cùng chung sống, sinh hoạt tôn giáo với đạo Phật, Phật giáo Hòa Hảo và đạo Hồi, Cao Đài và Tứ Ân Hiếu Nghĩa...

Là xã thuần nông với cây lúa và con cá, mỗi năm xã được giao chỉ tiêu thu ngân sách khoảng 5 tỷ đồng. Thế nhưng, ấn tượng hơn cả là con số đóng góp tự nguyện của người dân năm nào cũng vài tỷ đồng.

img

Ông Chín Tây (giữa) trong ngày khởi công công trình đường 2,5 tỷ đồng

Ông Nguyễn Văn Dũng - Bí thư Đảng ủy xã Đa Phước cho biết: “Đa Phước là địa phương làm rất tốt công tác huy động toàn xã hội đóng góp tiền của chăm lo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội (ASXH) nhất là người nghèo, sự tham gia hưởng ứng mạnh mẽ của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, kinh tế - văn hóa - xã hội không ngừng phát triển. Cụ thể, nhiều năm nay, xã luôn tổ chức họp mặt tết người nghèo để tặng quà cho người nghèo ăn tết; Vận động nắm gạo tình thương của Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo hỗ trợ hàng tháng 25 hộ khó khăn; Điển hình nhất là mô hình Câu lạc bộ xây dựng và phát triển Quê hương xã Đa Phước, với chức năng, nhiệm vụ hoạt động vì mục đích nhân đạo, từ thiện xã hội và thực hiện các công trình phúc lợi công cộng như cầu, đường, trường học, cất nhà… phối hợp Mặt trận tổ quốc, Ban ngành đoàn thể xã vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, các tổ chức cơ sở thờ tự, tín ngưỡng, tôn giáo được khoản 2,7 tỷ đồng để thực hiện: Mua xe chuyển bệnh nhân miễn phí với số tiền 672 triệu đồng, bê tông hóa lộ giao thông nông thôn Phước Thọ - Phước Quản, chiều dài 2.620m, với số tiền 2,1 tỷ đồng, vận động bê tông hóa sân trường số tiền hơn 120 triệu đồng; phối hợp cất nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương; hàng tháng hỗ trợ cho 25 hộ có người mắc bệnh nan y với số tiền 200.000đ và 10kg gạo, vận động đèn công lộ thắp sáng toàn xã với chiều dài 8,2km với số tiền hơn 600 triệu. Đặc biệt, xã tổ chức đêm văn nghệ gây quỹ “Vì người nghèo”, vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương đóng góp với số tiền hơn 900 triệu đồng, để hỗ trợ cho 25 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi với lãi suất bằng 0% giúp hộ nghèo làm ăn...

Lặng lẽ cho đi

Ông Phạm Tấn Thời - Phó Chủ tịch UBND xã Đa Phước cho biết, nguồn tiền thiện nguyện với con số 7 tỷ đồng là sự góp sức của người dân cả xã cũng như những người con xa quê. Tuy nhiên, có được con số ấn tượng này là nhờ vào những “đầu tàu” uy tín trong vận động. “Công tác an sinh xã hội quá tốt nên cấp huyện, tỉnh đề nghị tặng bằng khen. Nhưng khi chúng tôi kêu viết tham luận, viết thành tích thì những mạnh thường quân này thường... lắc đầu, nên tôi phải viết thay luôn. Còn kêu phát biểu trên báo, trên đài, nhiều người cũng lắc đầu cười trừ với câu nói “chuyện nhỏ mà, có chi mà nói” - anh Thời kể.

img

Một công trình đường giao thông do dân tự góp tiền làm

Dẫn chúng tôi đến nhà ông Alydal - Phó Ban giáo cả thánh đường Aesan, anh Du Số - Phó Chủ tịch UBMTTQ xã Đa Phước cho biết, ông Alydal là một trong những người rất có uy tín đối với các tín đồ Hồi giáo. Nhiều năm nay, ông đã vận động đồng bào Chăm đóng góp rất nhiều cho công tác an sinh xã hội của xã. Thế nhưng, khi trò chuyện cùng chúng tôi, ông Alydal không “nhận công” mà chỉ cho rằng, đồng bào Chăm đang được hưởng các chế độ an sinh xã hội khá nhiều, nên việc góp lại cũng chỉ là việc nên làm.

img

Ông Chín Tây (bìa phải) đôn đốc thi công một công trình đường giao thông

Dẫn chúng tôi đi trên những con đường khang trang sạch đẹp, ông Phạm Tấn Thời kể: “Chú Chín Tây năm nay đã 87 tuổi, có 11 người con đều thành đạt. Năm nào chú cũng vận động các con cháu cả tỷ đồng, chia làm nhiều đợt trong năm để giúp người nghèo có cuộc sống tốt hơn. Dù tuổi cao nhưng chú Chín Tây vẫn là người đứng ra vận động người dân góp công góp của làm đường bê tông. Năm 2015, chú Chín Tây đứng chỉ huy một công trình đường dài 2,5km, làm trong 3 tháng với kinh phí khoảng 2,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp 700 triệu đồng, còn lại là tiền của gia đình chú và người dân tự góp. Ở xã Đa Phước, có khoảng 10 mạnh thường quân lúc nào cũng sẵn sàng “móc túi” góp tiền thiện nguyện là anh Tân Triệu Phú, anh Nguyễn Văn Bần, anh Nguyễn Ngọc Sỹ, anh Hồ Phú Vinh, chị Nguyễn Thị Kim Hạnh, anh Nguyễn Văn Đậm, Lê Văn Sương và vài doanh nghiệp như Công ty chế biến đá An Giang, Nhà máy lúa gạo Angimex An Giang, Công ty xây dựng Châu Lộc Phát, Doanh nghiệp Gas Nhật Anh... Dân nghèo cần là các mạnh thường quân sẽ hỗ trợ, suốt nhiều năm nay đều như thế”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem