Dân làng này ở Nghệ An mang khoai lang lên mạng rao bán, không ngờ khách chốt đơn liên tục, thu về lãi kép
Dân làng này ở Nghệ An mang khoai lang lên mạng rao bán, không ngờ khách chốt đơn liên tục, thu về lãi kép
Thắng Tình
Thứ bảy, ngày 16/03/2024 16:57 PM (GMT+7)
Người dân thôn 2, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An cùng nhau lập nhóm đưa khoai lang lên mạng để rao bán tránh thương lái ép giá. Không ngờ, khoai lang vừa lên mạng, khách chốt đơn liên tục, giá lại cao nên nhà nào cũng vui.
Thời điểm này, người dân ở thôn 2, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An đang tất bật thu hoạch khoai lang để kịp cho vụ giống mới. Khoai lang được trồng ở cánh đồng thôn 2, xã Phúc Sơn từ hàng chục năm nay. Khoai lang hợp với chất đất nơi đây nên cho củ to, bở, ngon ngọt và được nhiều người biết.
Tại xã Phúc Sơn hiện có hơn 50 hộ dân trồng khoai lang vỏ đỏ, ruột trắng trên diện tích hơn 15ha ở khu vực Cồn Kè. Vì thế, khoai lang Cồn Kè cũng đã được nhiều người biết đến.
Anh Nguyễn Đình Bắc (trú tại thôn 2, xã Phúc Sơn) cho biết, so với các cây trồng khác thì khoai lang mang lại hiệu quả cao hơn. Trồng khoai lang ít chi phí lại không tốn nhiều công chăm sóc.
Trước đây, khoai lang chủ yếu được bán ở các chợ trên địa bàn, hoặc bán cho thương lái nên vào vụ thu hoạch giá khoai rẻ, người trồng thu nhập không cao.
Năm nay anh Bắc trồng hơn 1ha khoai, năng suất đạt 5 - 6 tạ/sào, với giá bán 15.000 - 20.000 đồng/kg, theo dự tính, sau khi trừ tất cả chi phí, anh Bắc sẽ thu về hơn 70 triệu đồng.
Tuy nhiên, để bán được với mức giá này, những năm qua anh thường tìm cách quảng bá, bán khoai trên mạng xã hội Zalo, Facebook thay vì bán cho thương lái.
Anh Bắc cùng các cộng sự mang đi các hội chợ giới thiệu, đăng lên các hội nhóm những hình ảnh, video từ khi trồng, chăm sóc đến lúc thu hoạch khoai để khách hàng biết đến. Các thông tin về khoai, mức giá, phí ship, điện thoại liên hệ được công khai trên các hội nhóm.
Đặc biệt, khi thu hoạch, phân loại khoai… đều được livestream trên mạng xã hội để giới thiệu. Không chỉ anh Bắc, đến bây giờ nhiều người trồng khoai trong thôn đã biết cách lên mạng bán hàng.
Người dân cũng lập fanpage để trao đổi kinh nghiệm, thị trường hay san sẻ khách cho nhau. Nhờ đó, khoai lang Cồn Kè luôn có thị trường tiêu thụ ổn định, thu hoạch đến đâu được thu mua hết đến đó, thu nhập người dân cũng dần cao hơn.
Ông Nguyễn Văn Tráng, Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết, trồng khoai lang đang đem lại thu nhập khá cho người dân vùng Cồn Kè. Sau khi trừ chi phí giống, phân bón… mỗi sào khoai cho thu nhập hơn 5 triệu đồng. Trồng khoai lang cho thu nhập cao gấp đôi so với các loại cây trồng khác ở địa phương. Việc người dân rao bán khoai lang trên mạng, xây dựng thương hiệu, thị trường tiêu thụ là một cách làm rất mới mang lại hiệu quả cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.