Nguyên nhân là đất của bà con bị thu hồi để làm công trình Thủy điện sông Ba Hạ nhưng chưa được cấp lại đất mới. Theo Sở NNPTNT Phú Yên, mỗi tuần ở Suối Trai có không ít hơn 5 vụ phá rừng, hiện có khoảng 800ha rừng trên địa bàn tỉnh Phú Yên bị phá để làm rẫy. Trong đó khu vực rừng cấm Krông Trai (xã Eacharang) bị phá nặng nhất.
|
Những vạt rừng Sơn Hòa đang biến thành đồi trọc. |
Các đối tượng trực tiếp phá rừng cấm Krôngtrai chính là những hộ dân phải di dời khỏi lòng hồ Thủy điện sông Ba Hạ. Bà con cũng biết phá rừng là sai, nhưng không phá thì đói. Họ không còn sự lựa chọn nào khác để cứu mình. Mí E ở buôn Xây Dựng, xã Suối Trai, thành thật: "Nhà mình phát hơn 1,5ha rừng để làm lúa, làm bắp mà sống. Ở đây, ai cũng làm vậy".
Cũng theo người dân, trước đây UBND tỉnh Phú Yên và Công ty CP Thủy điện có hứa sẽ san ủi 110ha ruộng trồng lúa nước cho dân lòng hồ sinh sống. Thế nhưng đã 7 năm trôi qua, chẳng hề thấy ruộng lúa nước đâu. Việc người dân phá rừng cũng là một cách “phản ứng ngầm” trước kiểu hứa cuội của tỉnh cũng như đơn vị chủ đầu tư.
Ông Nay Y Khan - Phó Bí thư Đảng uỷ xã Suối Trai, bức xúc: "Tình hình thiếu đất sản xuất dẫn đến phá rừng làm rẫy của dân khiến cho việc quản lý của chính quyền địa phương rất vất vả. Không biết đến bao giờ người dân mới được cấp đất sản xuất để ổn định đời sống".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay công trình san ủi mặt bằng, xây dựng hệ thống thuỷ lợi, trạm bơm điện phục vụ sản xuất cho 110ha ruộng lúa nước để cấp cho dân lòng hồ vẫn đang dang dở.
Chủ đầu tư đổ lỗi cho địa phương không tích cực giải phóng mặt bằng. Địa phương đổ lỗi cho chủ đầu tư tính toán thiệt hơn trong đơn giá đầu tư... Kết quả là người dân vẫn phải dài cổ chờ ruộng nước. Cứ đà này không bao lâu, rừng cấm Krông Trai cùng các khu lân cận sẽ biến thành rẫy sắn, lúa và... đồi trọc.
Lê Biết
Vui lòng nhập nội dung bình luận.