Dân miền Trung hối hả trồng rau màu, nuôi gà đón vụ Tết

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 15/12/2020 10:56 AM (GMT+7)
Theo Bộ NNPTNT, để khôi phục sản xuất ở các tỉnh miền Trung sau bão lũ, các địa phương nên ưu tiên những cây trồng ngắn ngày, chăn nuôi gia cầm, thủy cầm để nhanh có thu nhập, phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến gần.
Bình luận 0

Đất bị cát vùi lấp sâu có thể trồng rau màu, sắn dây

Chia sẻ tại cuộc tọa đàm trực tuyến "Tái cơ cấu nông nghiệp ở miền Trung sau bão lũ, thích ứng với biến đổi khí hậu" tổ chức tại báo NTNN chiều 14/12, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: "Đợt mưa lũ và bão lịch sử xảy ra ở miền Trung vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp trên cả 3 lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, nặng nề nhất là các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên".

Thiệt hại lớn nhất phải kể tới một số địa phương thuộc các tỉnh Quảng Trị, Hà Tĩnh… với rất nhiều diện tích rau màu gần như bị mất trắng; diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả bị ảnh hưởng gần 7.000ha, trong đó lớn nhất là cây thanh trà ở Huế bị thiệt hại tới hơn 500ha.

Hiện, các địa phương đang gấp rút khôi phục sản xuất sau lũ, với những diện tích đất bị vùi lấp mỏng có thể san gạt tiếp tục trồng lúa, với diện tích đất bị cát, đá vùi lấp sâu nên chuyển sang các cây rau màu ngắn ngày.

"Tôi thấy ở miền Bắc nhiều địa phương đào những cái ụ rất to để trồng sắn dây, với mô hình này dù đất phía dưới có bị ngập úng, bị cát đá bồi lấp cũng không bị ảnh hưởng. Cục Trồng trọt đã gửi tài liệu cho các tỉnh miền Trung nghiên cứu, để áp dụng thử" - ông Cường cho biết.

Khôi phục sản xuất ở miền Trung sau mưa lũ: Hỗ trợ đúng đối tượng, đảm bảo cơ cấu mùa vụ - Ảnh 1.

Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ NNPTNT tham dự tọa đàm trực tuyến chiều 14/12. Ảnh: K.N

"Riêng với con lợn, do thời gian nuôi dài và đang có dịch tả lợn châu Phi nên chúng tôi cũng khuyến cáo bà con thận trọng, tái đàn có kiểm soát và theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn. Còn về các loại gia súc khác, chúng tôi phối hợp với các tỉnh hỗ trợ bà con bê, bò giống để bà con chăn nuôi hiệu quả".

Ông Nguyễn Xuân Dương

Ngoài thiệt hại về diện tích cây trồng, theo thống kê, mưa lũ còn làm trên 2.600ha đất sản xuất nông nghiệp bị vùi lấp ở các mức độ khác nhau, riêng Quảng Trị có tới 1.700ha bị vùi lấp. Có điều may mắn cho sản xuất trồng trọt là hầu hết diện tích lúa đã được bà con nông dân cơ bản thu hoạch xong, nhưng nhiều diện tích chuẩn bị cho vụ đông xuân tới thì có thể nói gần như mất trắng.

Với tình hình thiệt hại rất lớn như thế, ngoài phần hỗ trợ của Trung ương, Bộ NNPTNT cũng đề nghị các tỉnh từ nguồn vốn của mình nhanh chóng có các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho nông dân, bản thân các hộ nông dân cũng cần phát huy tinh thần chủ động, tích cực khôi phục sản xuất, trước mắt là sản xuất các loại cây ngắn ngày, rau củ để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán.

Song song với đó, Bộ NNPTNT cũng có văn bản trình Thủ tướng và các bộ ngành liên quan về việc hỗ trợ các địa phương một lượng giống tối đa, với khả năng của mình làm sao hỗ trợ nhanh nhất, đúng nhất, phù hợp với yêu cầu cấp bách của nông dân các địa phương chứ không phải hỗ trợ lấy số lượng, lấy thành tích.

"Quán triệt tinh thần hỗ trợ phải đảm bảo cơ cấu mùa vụ của địa phương" - ông Nguyễn Như Cường nói".

Đối với những cây giống không có trong danh mục hỗ trợ, ông Cường cho biết các địa phương có thể linh động hỗ trợ tiền để bà con mua giống kịp thời, đi kèm với giới thiệu địa chỉ cung cấp giống đảm bảo uy tín, chất lượng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Dương - Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhìn nhận, sau khi thiên tai xảy ra, chúng ta đã kịp thời xử lý và hỗ trợ ngay cho nông dân. Theo đó, các đoàn công tác của Bộ NNNPTNT đã vào tận nơi để khảo sát, phối hợp với địa phương vừa khắc phục thiệt hại vừa khôi phục sản xuất. Nhờ các biện pháp hỗ trợ kịp thời nên chúng ta đã thu được kết quả tích cực. 

"Việc đầu tiên là thay mới chuồng trại và tái đàn ngay đàn gia súc, gia cầm. Về đối tượng vật nuôi, bà con sẽ được hỗ trợ các vật nuôi chăn nuôi ngay như gia cầm, thủy cầm. Theo đó, Bộ NNPTNT đã kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ người dân con giống gia cầm 1 ngày tuổi (các con giống này có chất lượng cao được úm, tiêm vaccine cẩn thận trước khi cấp cho bà con), hộ ít được hỗ trợ 50 con, hộ nhiều được 100 con..." - ông Dương nói.

Sẵn sàng cho vụ đông xuân 2020 - 2021

Khôi phục sản xuất ở miền Trung sau mưa lũ: Hỗ trợ đúng đối tượng, đảm bảo cơ cấu mùa vụ - Ảnh 3.

Nông dân phường Quảng Long (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) khôi phục sản xuất sau đợt mưa lũ lịch sử. Ảnh: Dương Sơn

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: Ngay sau khi bão lũ xảy ra, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã cử đoàn cán bộ cùng với đoàn công tác của Bộ NNPTNT đi kiểm tra, khảo sát tình hình khắc phục sau bão lũ tại các đại phương. Bên cạnh việc phổ biến các giải pháp kỹ thuật, hướng dẫn bà con khắc phục hậu quả thiên tai, chúng tôi rất tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông, cảnh báo nhiều hơn về những bất thuận của thời tiết, những tình huống có thể xảy ra...

"Đặc biệt, chúng tôi đã kích hoạt hệ thống khuyến nông địa phương, tìm hiểu ngay nhu cầu của bà con sau bão lũ để khắc phục sản xuất một cách hiệu quả, sát với nhu cầu thực tiễn. Theo đó, chúng tôi có một loạt hoạt động cụ thể hơn, đó là tổ chức các lớp đào tạo trực tiếp cho bà con từ chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản…, với khoảng 33 lớp đào tạo cho những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lũ lụt. Tại mỗi lớp học, chúng tôi đều mời chuyên gia tư vấn, giúp bà con thoát khỏi những lúng túng sau mưa bão" - ông Thanh nói.

Về kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021, ông Nguyễn Như Cường cho biết, đây đang là giai đoạn nước rút, các địa phương đang sẵn sàng chuẩn bị để có một vụ đông xuân thắng lợi.

"Theo kinh nghiệm của tôi, sau mưa lũ đất đai được bổ sung một lượng phù sa, mầm bệnh trong đất bị tiêu diệt nên vụ đông xuân 2020 - 2021 được dự báo sẽ được mùa" - ông Cường nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem