“Nói không thay đổi là không công bằng”
Đại biểu (ĐB) Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội chia sẻ: “Nhiều người băn khoăn rằng đợt lấy ý kiến này có tốn kém hay không, tôi cho rằng đây là công việc bắt buộc và chúng ta đã làm tốt. Ví như việc in các tập tài liệu phát cho người dân, cái đó không có nghĩa là bắt buộc mọi người phải có ý kiến mà nó là một tài liệu tham khảo, khi nào cần người dân sẽ xem, ít ra thì nó cũng có tác dụng về mặt tuyên truyền phổ biến pháp luật. Theo tôi, giá mà có nhiều thời gian để người dân góp ý thì tốt hơn”.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) phát biểu thảo luận tại tổ. |
Tuy nhiên, ĐB Bùi Đặng Dũng (Kiên Giang) thì lại đưa ra ý kiến trái ngược: “Theo tôi việc lấy ý kiến của nhân dân vừa qua, nhiều nơi vẫn còn hình thức lắm. Với tư cách ĐB Quốc hội, tôi cũng đi xuống tổ dân phố, nghe ngóng khu dân cư của tôi và nhận thấy điều này. Người ta phát cho mỗi nhà một cuốn tài liệu, chẳng cần biết có đọc hay không. Cử người đi lấy ý kiến góp ý cho Hiến pháp, chủ yếu là để lấy chữ ký của người dân cho đủ. Vì thế, chúng ta cũng phải xem lại con số 26 triệu lượt góp ý của nhân dân”.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho rằng: “Chưa bao giờ cần Luật Biểu tình như lúc này. Chúng ta đã phát huy dân chủ trong đời sống xã hội. Vậy tại sao lại không để người ta có phát biểu, biểu thị thái độ trong khuôn khổ? Chúng ta phải tạo hành lang pháp lý cho người ta. Trong nhiệm kỳ này tôi mong muốn Luật Biểu tình được trình ra Quốc hội. Còn nếu không thì không biết đến bao giờ mới có? Hiến pháp năm 1946 đã nói đến quyền này mà đến giờ chúng ta chưa có”.
ĐB Dũng đề nghị: “Phải trân trọng, nâng niu những ý kiến góp ý xác đáng của nhân dân chứ không phải cứ bắt người ta dập khuôn. Có tình trạng người ta không muốn góp ý nữa vì cho rằng trên đã định hướng rồi, giờ góp ý không ai nghe. Chúng ta phải xử lý vấn đề này hài hòa, tế nhị, chứ cứ có ý kiến khác biệt, thấy chướng tai gai mắt rồi quy chụp là không nên”.
Về nhiều ý kiến cho rằng trong bản dự thảo tiếp thu, chỉnh lý không có gì thay đổi, ĐB Phạm Quang Nghị (Hà Nội) cho rằng nhận định này không chính xác. “Dự thảo tới nay đã thay đổi rất nhiều, trước có 12 chương nay còn 11 chương, 124 điều. Chỉ có 11 điều là giữ nguyên không sửa, còn lại đều sửa hết. Trong bản dự thảo mới, chủ quyền nhân dân đã được thể hiện rất rõ, việc phân công phối hợp kiểm soát quyền lực của bộ máy Nhà nước cũng vậy, rồi quyền con người, quyền công dân được làm rõ thêm nhiều. Vì thế, nói không có gì thay đổi là không công bằng” - ĐB Nghị nhấn mạnh.
Phải để dân phúc quyết Hiến pháp
Đề cập tới quyền phúc quyết của nhân dân, ĐB Trần Thị Quốc Khánh(đoàn Hà Nội) dẫn câu nói nổi tiếng “Ý dân là ý trời” và cho rằng, các vị minh quân từ trước tới nay đều trọng tư tưởng “dân là gốc”. Dân mong được phúc quyết. Nếu chúng ta không ghi quyền phúc quyết của dân thì đến bao giờ dân mới nhìn thấy hai chữ đó trong Hiến pháp? Chúng ta không sợ hãi mà hãy tin tưởng người dân. Tin tưởng vào sự lựa chọn của người dân...
Liên quan tới Điều 4 trong bản Hiến pháp, ĐB Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng: Nhất trí với bản dự thảo, nhưng để tránh những lực lượng lợi dụng xuyên tạc, cương lĩnh nên có 1 nội dung quan trọng mà nếu đưa vào, các thế lực thù địch sẽ không còn cơ hội chống phá. Đó là quy định Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội nhưng Đảng không làm thay.
Về phương án đổi tên nước, Trung tướng Bế Xuân Trường (đoàn Bắc Kạn) nhất trí rằng không nên đổi tên theo phương án Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bởi theo Trung tướng, bản chất 2 nhà nước vẫn là 1. “Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhiều thế lực khác muốn biến nước ta từ XHCN thành một nước khác, thực chất là muốn xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp, muốn xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì thế, theo tôi tên nước là bất di bất dịch, không thay đổi” - ông Trường nhấn mạnh. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng đồng tình: Nhất trí giữ nguyên tên nước vì mỗi lần thay đổi là rất hệ trọng. Phải có điều gì đó thật thiêng liêng mới đổi, không thì thôi.
Tuy nhiên, ĐB Bùi Đặng Dũng lại lập luận: Tôi thử hỏi các vị, tự trong lòng chúng ta, để tên nước như vậy có cấn cá gì không? Giờ trên thế giới có bao nhiêu quốc gia lấy tên nước là Cộng hòa XHCN như nước ta? Các nước trên thế giới nghe tên chúng ta thấy vẫn còn gợn lắm. Chúng ta thử làm một phép so sánh xem tên gọi “Việt Nam dân chủ cộng hòa” đã đi vào lòng bạn bè quốc tế ra sao? Theo tôi, phải nghiên cứu làm sao để có một cái tên nước thực sự hợp lòng dân!
Hải Phong - Đức Hiếu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.