Dân ngại tắm biển, Đà Nẵng đưa ra hàng loạt giải pháp chống ô nhiễm

Đình Thiên Thứ năm, ngày 11/10/2018 16:43 PM (GMT+7)
Thời gian gần đây, việc nước thải hôi thối chảy tràn ra các bãi biển Đà Nẵng khiến người dân và du khách rất ngại tắm biển, UBND TP.Đà Nẵng đã đưa ra nhiều giải pháp cấp bách nhằm chống ô nhiễm.
Bình luận 0

Hiện nay, hệ thống thoát nước ven biển của Đà Nẵng phần lớn sử dụng hình thức thoát nước nửa riêng (nước thải được thu gom qua giếng tách dòng CSO, chuyển về trạm XLNT để xử lý), một số khu vực vẫn xả trực tiếp ra môi trường.

Đáng lo ngại nhất, thời gian qua, hệ thống xử lý nước thải ven biển đã quá tải cộng với việc nhiều doanh nghiệp lén xả thải trực tiếp ra biển khiến môi trường bị ô nhiễm nặng, người dân, du khách rất ngại hoặc không dám tắm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch.

19 cống xả trực tiếp ra biển

Ngày 11.10,  Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cho biết, hiện toàn tuyến ven biển Đà Nẵng có 46 cửa xả thì có tới 19 cửa xả chưa qua hệ thống xử lý nước thải. 

Một trong những “điểm nóng” về ô nhiễm bãi biển Đà Nẵng thời gian qua là tuyến bờ biển phía đông (khoảng 8km) thuộc địa bàn quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Đây cũng là nơi thường xảy ra những vụ doanh nghiệp lén xả nước thải chưa qua xử lý ra biển.

Hầu hết nước thải phát sinh khu vực này được thu gom, xử lý tại 2 trạm xử lý nước thải (XLNT) là trạm Sơn Trà và trạm Ngũ Hành Sơn nên không đáp ứng được yêu cầu.

Đáng lo ngại, trong tuyến này, đoạn từ Khách sạn Furama đến đường Huyền Trân Công Chúa với 5 cửa xả, nhưng hiện chưa có hệ thống thu gom nước thải. Vì vậy, nước thải sinh hoạt của người dân phát sinh xả trực tiếp ra biển thông qua cống thoát nước mưa.

img

Nước thải chưa qua xử lý chảy tràn ra biển Đà Nẵng. Ảnh: Đình Thiên

Cũng theo Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, khu vực ven biển phía bắc (vịnh Đà Nẵng) có 31 cửa xả thoát ra biển. Tuy nhiên, khu vực này chỉ có một trạm XLNT là trạm Phú Lộc.

Trong khi đó, tuyến ống thu gom nước thải khu vực này dẫn về trạm XLNT Liên Chiểu để xử lý, khối lượng thi công mới đạt khoảng 87,5%.

Theo đánh giá của Sở Xây dựng Đà Nẵng, tại các khu vực đã có hệ thống thu gom nước thải, về mùa khô nước thải cơ bản vẫn đảm bảo thu gom chuyển về trạm xử.

Tuy nhiên, về mùa mưa (hoặc khi có mưa lớn), nước thải hòa lẫn nước mưa đổ ra biển tạo thành các mương nước phía hạ lưu các cửa xả (rộng 10m đến 15m), gây mất mỹ quan bãi biển, ảnh hưởng đến môi trường và phát triển du lịch biển thành.

Ông Mai Mã – Giám đốc Công ty thoát và xử lý nước thải Đà Nẵng cho hay: “Với tốc độ phát triển đô thị như hiện nay, mạng lưới thu gom nước thải chắc chắn sẽ không đảm bảo thu gom nước thải về mùa mưa. Hiện chúng tôi thực hiện bơm điều tiết vào giờ thấp điểm nhưng giờ nước thải đã vượt ngưỡng chỉ có thể chảy ra biển mà thôi”.

Nhiều giải pháp cấp bách

Trước tình hình trên, Đà Nẵng đã triển khai nhiều biện pháp cấp bách, tập trung nguồn lực để triển khai các dự án thu gom, xử lý nước thải khu vực ven biển.

Trong đó có việc triển khai Dự án cải thiện môi trường nước phía đông quận Sơn Trà, đầu tư tuyến cống bao thu gom nước thải và nước mưa đợt đầu có kích thước lớn; thi công cải tạo cửa xả Mỹ An nhằm hạn chế tối đa số lần nước thải tràn ra biển; hạn chế phát sinh mùi hôi tại khu vực xung quanh cửa xả và tự động hóa trong công tác vận hành; lắp đặt thay thế toàn bộ các máy bơm nước thải khu vực ven biển phía đông; xây dựng hệ thống thu gom nước thải (tách và thu gom nước thải riêng hoàn toàn) lưu vực cửa xả Mỹ Khê - Mỹ An.

Cùng với đó, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải triển khai các giải pháp ứng phó và xử lý sự cố khi xảy ra tình trạng tràn nước thải tại cửa xả Mỹ Khê và Mỹ An, 2 vị trí chính ảnh hưởng đến cảnh quan tại bãi biển.

Một trong những biện pháp quan trọng nữa là kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc xả thải của các công trình khách sạn, nhà hàng khu vực ven biển.

img

Nước thải ô nhiễm bốc mùi hôi thối chảy thẳng ra biển khiến người dân và du khách rất ngại tắm biển. Ảnh: Đình Thiên

Hôm qua (10.10), UBND TP.Đà Nẵng đã có văn bản giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở TNMT và Công ty thoát nước và xử lý nước thải và các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý, có giải pháp khắc phục ô nhiễm các cửa xả thải tại các bãi tắm dọc tuyến biển Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp.

Trong đó, lưu ý rà soát, bổ sung hệ thống lược rác tự động, van lật tại một số cửa xả (Furama, Mỹ An, Mỹ Khê, An Đồn ...); kiểm tra và có biện pháp khắc phục tình trạng quá tải các trạm bơm nước thải, cần thiết thì bổ sung, thay thế các máy bơm không hiệu quả. Đồng thời, khắc phục tình trạng xuống cấp tuyến ống chạy dưới vỉa hè phía Đông đường Hoàng Sa và tăng cường công tác vệ sinh, nạo vét các cấu trúc tách dòng và các tuyến cống ven biển phía Đông.

UBND thành phố cũng yêu cầu Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cải thiện môi trường nước phía Đông quận Sơn Trà.

Để thực hiện những giải pháp cấp bách này, TP.Đà Nẵng sẽ phải chi hơn 210 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem