Dân nhiều tỉnh khiếp sợ vì động đất mạnh chưa từng có

Thứ sáu, ngày 16/11/2012 08:41 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trận động đất mạnh chiều 15.11 không chỉ gây kinh hoàng cho người dân Bắc Trà My mà lan ra cả tỉnh Quảng Nam, nhiều huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi và ảnh hưởng tận TP.Đà Nẵng, tỉnh Kon Tum...
Bình luận 0

Mặt đất “dậy sóng”

Khoảng 14 giờ 23 phút ngày 15.11, tại Bắc Trà My (Quảng Nam) xảy ra trận động đất mạnh chưa từng có. Trận động đất xảy ra đúng lúc lãnh đạo huyện Bắc Trà My đang họp với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về Chương trình 135. Theo nhiều cán bộ có mặt tại cuộc họp, lúc xảy ra động đất, mặt đất chao đảo, đồng thời có những tiếng nổ lớn trong lòng đất kéo dài hơn 10 giây.

Mặc dù đã quá quen với động đất và được tập huấn về động đất, nhưng sự khiếp sợ đã làm nhiều cán bộ đang họp bỏ chạy tán loạn. Các cán bộ này cho rằng, trận động đất này lớn hơn trận động đất mà các nhà khoa học cho là “đỉnh” xảy ra đêm 22.10.

img
Người dân huyện Bắc Trà My bỏ chạy tán loạn khi xảy ra động đất.

Sau khi động đất xảy ra, cuộc họp được tạm dừng để tổ chức đoàn về các xã kiểm tra và ổn định tinh thần người dân. Ông Nguyễn Thế Tài - Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My cho rằng đây là trận động đất mạnh chưa từng có. Trận động đất khiến mặt đất như “dậy sóng”, nhà cửa và các công trình đều chao đảo. Tại các các trụ sở, trường học, công trường xây dựng, cán bộ, người dân, công nhân đều tháo chạy hỗn loạn. Mấy tiếng sau, nhiều khu đất trống và các trục đường vẫn còn đông nghẹt người, ai nấy đều thất thần. Nhiều người vẫn không dám vào lại nhà, phòng làm việc.

Nhiều phụ huynh tức tốc chạy đến trường học và nằng nặc đòi đưa con về bất chấp buổi học chưa kết thúc. Chị Võ Thi Ly (thị trấn Trà My) kể: “Tôi chạy đến Trường Mầm non Phong Lan để đưa con về và thấy nhiều đứa vẫn còn khóc thét, cô trò ôm nhau như người mất hồn”.

Chị này nói thêm: Ở Quốc hội, nghe mấy vị lãnh đạo nói Thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn, người dân hãy an tâm. Mới nói xong thì động đất khủng khiếp xảy ra. Ai nói an toàn thì lên đây mà sống! Ông Đặng Phong – Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My nói: Trận động đất này làm người dân lo sợ tột độ. Động đất mạnh kiểu này làm sao mà tuyên truyền để an dân cho được...

Tỉnh Quảng Nam chao đảo

Ghi nhận của NTNN, chiều qua người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Nam, dù ở cách Bắc Trà My cả trăm km vẫn cảm nhận được đất rùng rình dưới chân mình. Tại Hội An, nhiều người đang làm việc thấy bàn, ghế tự dưng xê dịch mà chẳng hiểu vì lý do gì. Tại các huyện Tiên Phước, Phú Ninh, Núi Thành, Tam Kỳ... người dân còn nghe cả tiếng nổ trong lòng đất.

Ông Phạm Hồng Đức - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Phú Ninh hốt hoảng kể lại: “Tôi đang ngồi làm việc thì thấy ly tách trên bàn rung lắc mạnh, trụ sở làm việc cũng rung lắc kéo dài cả 10 giây, đồng thời nghe mấy tiếng nổ rất to. Lần đầu tiên tôi gặp cảnh này, sợ quá. Tôi nghĩ mình ở xa Thủy điện Sông Tranh 2 đến 90km mà còn như vậy huống gì người dân sống ở nơi tâm chấn”.

Còn anh Trịnh Tuấn - nhân viên của Công ty Kính nổi Chu Lai đóng tại huyện Núi Thành, cho biết: “Trụ sở làm việc tôi cách Thủy điện Sông Tranh 2 khoảng 150km đường bộ, vậy mà tôi ngồi làm việc ở tầng 3 của tòa nhà, cũng thấy lung lắc mạnh. Tôi cùng một số nhân viên trong phòng bỏ chạy ra ngoài hành lang chứ không dám ngồi lại. Phải nửa tiếng sau, chúng tôi mới hoàn hồn vào làm việc trở lại”.

Người dân Đà Nẵng, Quảng Ngãi cũng lo sợ

Không ảnh hưởng đập Thủy điện Sông Tranh 2

Chiều 15.11, Hội đồng Nghiệm thu nhà nước (HĐNTNN) đã họp khẩn cấp để đánh giá ảnh hưởng của động đất tới công trình Thủy điện Sông Tranh 2 (TĐST2). Báo cáo với Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch HĐNTNN Trịnh Đình Dũng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng Lê Quang Hùng cho biết: Tâm chấn động đất cách đập TĐST 2 khoảng 7km về thượng lưu. Tổ công tác của Bộ Xây dựng và Ban Quản lý dự án Thủy điện 3 đã kiểm tra thì đập TĐST2 an toàn, không có dấu hiệu ảnh hưởng gì. Theo báo cáo sơ bộ của Viện KHCN xây dựng, tất cả các vị trí đã sửa chữa không bị tái hư hỏng.
Ngay trong tối 15.11, Bộ Xây dựng - HĐNTNN đã cử đoàn công tác đến hiện trường. Phó Chủ tịch HĐNTNN Nguyễn Văn Liên khẳng định: Sau động đất, người dân rất hoang mang. Bởi vậy, trong chuyến công tác này, đoàn sẽ quan tâm nhiều đến khu vực dân cư.

Lần đầu tiên, người dân tỉnh Quảng Ngãi cảm nhận dư chấn động đất từ Bắc Trà My tại không chỉ các huyện miền núi mà cả các huyện đồng bằng. Ngay ở TP.Quảng Ngãi, người dân cũng nhận thấy những chao đảo, rung lắc từ các vật dụng trong nhà. Nhiều người bỏ chạy ra khỏi nhà vì sợ.

Ông Trần Văn Sương - Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho biết: Tuy rung chấn kéo dài chỉ 3-5 giây nhưng đã làm cho nhiều cán bộ đang làm việc hốt hoảng bỏ chạy ra khỏi cơ quan.

Đây là lần thứ 2 Quảng Ngãi bị “vạ lây” từ động đất ở Bắc Trà My. Lần đầu tiên chỉ có một số xã ở 3 huyện miền núi Tây Trà, Ba Tơ và Sơn Hà xảy ra rung chấn. Từ vụ này, 14 hộ dân ở thôn Tà Ba, xã Sơn Thượng, huyện Sơn Hà, vì quá hoảng sợ đã kéo nhau lên núi dựng lều lánh nạn. Lần này, với cơn rung chấn dữ dội hơn, tình trạng trên có nguy cơ lại tái diễn.

Tại Đà Nẵng, nhiều người dân thấy ly tách trên bàn rung lắc vào khoảng 14 giờ 30. Chị Nguyễn Thị Mỹ Anh (trú quận Sơn Trà) cho biết: Tôi đi cầu thang bộ từ tầng 8 cao ốc Azura xuống tầng 7 thì bất ngờ thấy người chao đảo, tưởng mình vấp vào cái gì nhưng không phải.

Trong khi đó ông Trần Tuấn (đường Lê Lợi, Đà Nẵng) cũng cho hay: “Khoảng 14 giờ 30, tôi đang làm việc trên tầng 4 thì người bỗng rung giật cỡ 5 giây, ly nước trên bàn cũng lắc nhẹ. Ở Đà Nẵng đã lâu, lần đầu tiên thấy chuyện lạ này, tôi hốt hoảng thật sự”. Ông Huỳnh Vạn Thắng - Phó ban Phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn TP.Đà Nẵng cũng cho biết, có rất nhiều người dân gọi điện đến Ban phản ánh về dư chấn động đất.

Theo thông tin chúng tôi có được, nhiều người ở tỉnh Kon Tum cũng cảm nhận được dư chấn từ trận động đất dữ dội tại Bắc Trà My.

Đại biểu quốc hội Ngô Văn Minh (Quảng Nam): Tôi sẽ có ý kiến lên Bộ Chính trị

Chiều 15.11, ông Ngô Văn Minh - người đã chất vấn gay gắt Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng về sự an toàn của đập Thủy điện Sông Tranh 2 - cho phóng viên NTNN biết, ông nhận được “quá trời” điện thoại và tin nhắn của người dân, bạn bè ở quê nhà báo tin và tỏ rõ sự lo lắng về trận động đất mạnh nhất và kéo dài nhất từ trước tới nay. “Tôi rất bức xúc và thấy dân mình khổ quá. Giờ ta phải có giải pháp dứt khoát thôi, nên dừng lại thôi. Cứ thỉnh thoảng lại xảy ra động đất thế này, đau đầu nhức óc lắm, thế thì làm sao mà bảo an dân được. Chẳng may đập vỡ thì ai là người chịu trách nhiệm đầu tiên đây?” - ông Minh nói. Ông khẳng định: Tôi không thể yên tâm và người dân ở đó cũng không thể yên tâm sống như lời đảm bảo của Bộ trưởng Xây dựng nữa. Ngày mai, vào Quốc hội, tôi sẽ có ý kiến về chuyện này với các đồng chí trong Bộ Chính trị.

“Chiều nay, tôi cũng đã báo cáo với anh Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, đề xuất nên có quyết định từ cơ quan cấp cao. Tôi nói rằng, chúng ta phải bỏ Thủy điện Sông Tranh 2 đi thôi. 5.000 tỷ đồng cũng là số tiền lớn thật đấy, cũng đau xót thật đấy. Nhưng có gì so được với sinh mạng người. Theo ước tính của tôi, có khoảng 2 vạn dân Bắc Trà My sống ngay dưới chân đập. Còn ở hạ lưu, số dân bị ảnh hưởng nếu chẳng may sự cố xảy ra cũng lên tới trên 10 vạn”.

Có thể xảy ra động đất mạnh hơn

Theo Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu): Trận động đất chiều 15.11 mạnh 4,7 độ richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 6km, xảy ra trong khu vực địa phận huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. PGS-TS Nguyễn Hồng Phương - Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: “Trận động đất này lớn hơn trận động đất đêm 22.10, gây nên rung động trên cấp VI (theo thang MSK-64) ở khu vực đập Thủy điện Sông Tranh 2”. Trước đó ngày 6.11, tại buổi công bố kết quả khảo sát nghiên cứu đập Thủy điện Sông Tranh 2 tổ chức ở Quảng Nam, GS-TS Nguyễn Đình Xuyên - nguyên Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho rằng động đất kích thích tại thủy điện này giai đoạn tiền chấn đã kết thúc với trận động đất chính, mạnh nhất là 4,6 độ richter vào đêm 22.10. Thời điểm này bắt đầu chuyển sang thời kỳ dư chấn với cường độ nhỏ hơn...

Chiều 15.11, trao đổi với NTNN, ông Xuyên giải thích: “Tại cuộc họp đó, tôi bảo có thể trận động đất 4,6 độ richter đêm 22.10 là trận động đất chính vì nó mạnh nhất từ trước tới giờ, sau động đất chính thì mới chuyển sang giai đoạn dư chấn với các trận động đất cường độ nhỏ hơn. Hôm đó tôi không khẳng định đây là trận động đất chính bởi vì không có tiêu chí nào để xác định cả. Vì vậy chúng ta cần phải đề phòng, tiếp tục nghiên cứu bởi sau đó có thể còn có những trận động đất mạnh hơn, và rõ ràng trận động đất ngày 15.11 mạnh hơn thật...”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem