Mỏi mòn đợi tái định canh
Năm 2008, để xây dựng Thủy điện Hà Nang, UBND huyện Trà Bồng đã tiến hành di dời 104 hộ dân của thôn 1 và 4, xã Trà Thủy về nơi ở mới (cách nơi ở cũ 5-7km), ngay trong khu vực rừng phòng hộ của địa phương này. Thế nhưng dù định cư đã gần 8 năm nay, số hộ trên vẫn không được cấp đất sản xuất.
Ông Hồ Văn Bon - một trong những hộ tái định cư ở xã Trà Thủy - lắc đầu: Bà con đã nói "mỏi cả miệng” với cán bộ xã, huyện, tỉnh rồi nhưng vẫn chưa được cấp đất. Vì vậy để có cái ăn, cùng với "đánh đu" mạng sống với thủy thần bằng cách bơi thuyền vượt qua lòng hồ trở về nơi cũ trồng trọt, chăn nuôi; nhiều người dân đã chặt phá rừng phòng hộ gần nơi ở để lấy đất sản xuất.
“Cán bộ nói khu vực này là rừng phòng hộ nên cấm không cho người dân vào chặt phá cây để làm nương rẫy. Thế nhưng chờ nhiều năm rồi mà không được cấp đất gieo lúa, trồng cây... để sinh sống nên bà con mới làm liều phá rừng” - anh Hồ Văn Di (thôn 4) phân bua.
Nhiều diện tích rừng phòng hộ bị người dân phá để lấy đất sản xuất. (Ảnh: C.X)
Theo quan sát của chúng tôi, không chỉ khu vực rừng ở gần nơi ở, mà hàng loạt khu vực khác ở vùng lân cận thuộc rừng phòng hộ Trà Bồng, cũng đã bị người dân xâm phạm chặt cây, phát quang để lấy đất trồng lúa, cây keo...
Ông Nguyễn Dương - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Trà Bồng, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý khu vực rừng nơi đây xác nhận: Tình trạng người dân khu tái định cư của dự án Thủy điện Hà Nang chặt phá cây, phát quang lấy đất sản xuất xảy ra khá phổ biến. Chúng tôi đã phối hợp lực lượng kiểm lâm Trà Bồng tăng cường tuyên truyền và ngăn chặn; lập biên bản rất nhiều trường hợp vi phạm nhưng cũng không thể đủ lực lượng túc trực 24/24 để canh giữ được. Bên cạnh đó bà con nơi đây thuộc diện nghèo nên dù có xử phạt thì họ cũng không có tiền để đóng.
Đã trình phương án chờ tỉnh phê duyệt
"Cán bộ nói khu vực này là rừng phòng hộ nên cấm không cho người dân vào chặt phá cây để làm nương rẫy. Thế nhưng chờ nhiều năm rồi mà không được cấp đất gieo lúa, trồng cây... để sinh sống nên bà con mới làm liều phá rừng” .
Anh Hồ Văn Di
|
Trả lời Báo NTNN về tình trạng trên, ông Trần Văn Sương - Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng giải thích: Vì nhiều lý do nên thời gian qua sự phối hợp giữa chính quyền Trà Bồng và các cấp ngành của tỉnh trong việc chuyển đổi số diện tích đất rừng tại khu vực trên đến giờ vẫn chưa xong.
Tuy nhiên ông Sương thẳng thắn: Vì bất cứ nguyên nhân nào thì việc hàng trăm hộ dân tái định cư thôn 1 và 4 chưa có đất sản xuất suốt nhiều năm nay một phần trách nhiệm, lỗi thuộc về chính quyền Trà Bồng.
Hiện UBND huyện đã hoàn tất phương án, thủ tục và trình lên các cấp ngành của tỉnh đề nghị cho phép chuyển đổi gần 257ha đất rừng phòng hộ tại Tiểu khu 35 sang đất sản xuất lâm nghiệp. Ngay sau khi được tỉnh phê duyệt, chính quyền sẽ tổ chức cấp cho dân trong thời gian sớm nhất. Được biết theo phương án mà chính quyền Trà Bồng đã trình, thì trừ 1 phần diện tích để làm đường vào khu sản xuất và một số hạng mục khác, số còn lại khoảng 219ha huyện sẽ dành 22ha cải tạo thành đất sản xuất lúa nước 2 vụ/năm. Dự kiến mỗi hộ sẽ được giao diện tích lúa nước từ 0,1-0,2 ha/hộ và đất lâm nghiệp từ 1-2ha/hộ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.