Dân phố cổ Đồng Văn trả lại danh hiệu di tích: Mệt mỏi chờ trùng tu

Thứ sáu, ngày 12/07/2013 10:58 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ông Sùng Đại Hùng - Bí thư Đảng ủy huyện Đồng Văn (Hà Giang) chia sẻ thông tin đang gây xôn xao dư luận: Trong cuộc tiếp xúc cử tri cuối tháng 6 vừa rồi, khoảng chục hộ dân phố cổ trong số 18 nhà cổ bị xuống cấp đề nghị trả lại danh hiệu... di tích.
Bình luận 0

Nhà sắp sập chờ dự án

Ngày 10.7 tại Bộ VHTTDL đã diễn ra hội nghị - hội thảo trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Tại hội nghị, ông Sùng Đại Hùng - Bí thư Đảng ủy huyện Đồng Văn chia sẻ, trong cuộc tiếp xúc cử tri cuối tháng 6 vừa rồi, khoảng chục hộ dân phố cổ trong số 18 nhà cổ bị xuống cấp đề nghị trả lại danh hiệu... di tích.

img
Một ngôi nhà cổ trên phố cổ Đồng Văn (Hà Giang) đang xuống cấp trầm trọng.

Ông Hùng cho biết, những ngôi nhà gỗ cổ này đều bị xuống cấp nghiêm trọng, cột mục, xà mọt, mái dột, xiêu vẹo, tường có hiện tượng sắp đổ. Thậm chí, ngôi nhà thuộc loại cổ nhất ở Đồng Văn bây giờ cũng đang được chống tạm bằng một chiếc... cột điện do chủ hộ nhặt ở nơi khác về. Sau cả chục năm chờ dự án, những ngôi nhà đó vẫn chưa được sửa chữa.

Khu phố cổ Đồng Văn, Hà Giang bắt đầu được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX và định hình vào khoảng đầu thế kỷ XX với những dãy nhà trình tường ngói máng cao hai tầng bao bọc bộ khung làm bằng gỗ nghiến hoặc lim. Đây là nơi cư ngụ của người Tày, Nùng và một nhánh người Kinh có họ Nguyễn từ dưới xuôi lên. Giữa các khu nhà bao bọc hình chữ U, cư dân xưa cũng đã cho dựng một ngôi chợ bằng đá và gỗ tương đối thấp, cũng lợp bằng ngói máng.

Nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị của khu phố cổ Đồng Văn, năm 2008, Bộ VHTTDL đã xếp hạng phố cổ Đồng Văn là di tích kiến trúc nghệ thuật. Tuy nhiên, ngoài việc mang thêm vinh dự và một chút tự hào, người dân sống trong những ngôi nhà cổ ở phố cổ Đồng Văn vẫn không thoát khỏi cảnh nơm nớp lo sợ vì nhà cổ chưa được trùng tu.

Ngay tại hội nghị, phát biểu bên lề, ông Hoàng Văn Kiên – Giám đốc Sở VHTTDL Hà Giang cho biết, cả nước hiện chỉ có 3 phố cổ, trong đó Hà Giang vinh dự có phố cổ Đồng Văn nhưng vốn chương trình mục tiêu quá ít. “Trong khi chờ đợi chương trình mục tiêu quốc gia phân bổ vốn của năm, chúng tôi sử dụng nguồn vốn ngân sách của tỉnh, cộng với nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ, cộng với một số doanh nghiệp để tập trung trùng tu khẩn cấp 10 căn nhà có nguy cơ cao nhất với nguồn vốn hơn 3 tỷ trong năm 2013. Khả năng sẽ không đủ nhưng một số hạng mục có nguy cơ xuống cấp trầm trọng thì phải đầu tư tôn tạo trước. Ngoài nguồn vốn trung ương ra, ngân sách tỉnh sẽ tiếp tục làm những năm tiếp theo.

Còn lý giải vì sao nhiều hộ gia đình có ý định trả lại danh hiệu, ông Kiên cho rằng: “Trong quá trình tuyên truyền, vận động các hộ dân, quan điểm chúng tôi đưa ra là phải giữ gìn nguyên trạng phố cổ. Nhưng tâm lý chung người dân thấy nhà quá xuống cấp, lại thêm nỗi bức xúc vì công trình chưa được đầu tư trùng tu kịp thời nên có thể người ta không tránh được có ý nghĩ vậy”- ông Hoàng Văn Kiên nói.

Chưa đến... 1 tỷ đồng trùng tu

Được biết dự án trùng tu di tích cấp quốc gia phố cổ Đồng Văn có gần chục năm nay nhưng vẫn trong khâu thẩm định. Hà Giang được hưởng hơn 7 tỷ đồng trong Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, tuy nhiên số tiền phân bổ để trùng tu di tích đặc biệt dành riêng cho khu phố cổ chưa đến 1 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng, chương trình mục tiêu này chỉ mang tính hỗ trợ, địa phương phải có vốn đối ứng để thực hiện các dự án văn hóa. Với các địa phương mạnh như Huế thì “không nên chỉ trông chờ ở chương trình mục tiêu”.

Ngay sau những phát biểu của ông Sùng Đại Hùng, ngày 11.7, bà Nguyễn Thị Toán – Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Giang chia sẻ với PV NTNN: “Sở đã lập dự án và đang chờ phê duyệt. Tuy nhiên, vừa qua, Sở quy hoạch có yêu cầu chúng tôi phải trình lại theo văn bản của Chính phủ đối với những công trình mới ở nhóm trên 30 tỷ. Chúng tôi phải lấy lại thỏa thuận từ Bộ VHTTDL thì mới được trình UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt. Trước mắt, Sở đã tạm ứng ra một ít kinh phí để kịp thời sửa chữa, tu bổ một số ngôi nhà cổ đã xuống cấp trầm trọng, có thể đổ sụp bất cứ lúc nào”- bà Toán nói.

Tuy nhiên theo bà Toán, dự án tu bổ, sửa chữa, tôn tạo các ngôi nhà cổ tại Đồng Văn đang gặp phải những vướng mắc khi muốn tu bổ bắt buộc phải qua các nhà thầu theo đúng với quy định xây dựng cơ bản. Trong khi bản thân Sở VHTTDL thấy rằng, vốn đầu tư quá ít và muốn thay đổi hình thức là giao trực tiếp tới từng hộ dân. “Sở chúng tôi rất quyết tâm và muốn nhanh chóng tu bổ, tôn tạo, sửa chữa những ngôi nhà cổ xuống cấp nghiêm trọng. Những ngôi nhà cổ ở Đồng Văn đã bị xuống cấp trước khi nó được xếp hạng nên Sở đã lập dự án từ năm 2010. Năm 2012, chúng tôi đã trình lên UBND tỉnh Hà Giang và năm 2013 sẽ cố hoàn thiện nốt một số văn bản trong hồ sơ”- bà Toán chia sẻ. Như vậy việc tu bổ, tôn tạo những ngôi nhà cổ tại Đồng Văn vẫn phải chờ đợi và cũng chưa thể biết lúc nào thì có thể được sửa chữa. Lại một “vụ Đường Lâm” thứ hai khi người dân chờ mãi không được trùng tu nhà cửa và có ý định trả lại danh hiệu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem