Dân số Việt Nam 100 triệu: "Đau đầu" với già hóa dân số (Kỳ IV)

Diệu Linh - Gia Khiêm Thứ năm, ngày 27/04/2023 05:36 AM (GMT+7)
Thách thức lớn nhất khi dân số Việt Nam tròn 100 triệu người chính là già hóa dân số. Dự báo 15 năm nữa Việt Nam có hơn 20 triệu người già từ 60 tuổi trở lên trong khi "lưới" an sinh dệt chưa được tốt.
Bình luận 0

Nỗi sợ "con chê cha mẹ khó"

Chia sẻ với PV Dân Việt, GS Nguyễn Đình Cử, chuyên gia dân số, Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế Quốc dân) khẳng định, thách thức lớn nhất khi dân số Việt Nam tròn 100 triệu chính là già hóa dân số.

"Số lượng người cao tuổi (NCT) tăng nhanh, tuổi thọ tăng cao nhưng chất lượng đời sống của NCT Việt Nam còn rất kém. Đa phần NCT sống ở nông thôn, không có thu nhập cố định, tuổi thọ cao nhưng nhiều bệnh tật, khoảng cách thế hệ giữa NCT và người trẻ quá lớn.

Trong khi đó, ở nhiều vùng quê, con cái di cư, NCT neo đơn một mình, không có người chăm sóc".

Ông Cử chia sẻ mình có vợ chồng người bạn hơn 70 tuổi phải "tha hương", "đôi lứa chia lìa" vì chồng có lương hưu thì con trai nhận nuôi còn mẹ không có lương hưu, phải vào Nam sống nhờ con gái.

Dự báo dân số, đến năm 2038 Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn dân số già (khi số người từ 60 tuổi trở lên chiếm từ 20% dân số), tương đương với hơn 20 triệu NCT.

"Nếu như chúng ta không có các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc tốt cho người cao tuổi thì những câu chuyện như vậy sẽ còn có không ít. NCT neo đơn, không có người chăm sóc, ốm yếu nhưng không có tiền đi chữa bệnh, chưa kể cô đơn, suy sụp về tinh thần…", GS Cử nhận định.

Theo GS Cử, hiện nay, chỉ 20% NCT có lương hưu – thu nhập cố định nên phần lớn khi mất sức lao động, đau yếu vẫn phải phụ thuộc vào con cái.

Tuy nhiên, nhiều người già rơi vào tình cảnh không có con cái, ít con, con cái đi làm ăn xa, định cư ở nước ngoài hoặc con cái nghèo, con cái "chê" bố mẹ. Khi đó, NCT rơi vào tình trạng tiền ít, bệnh nhiều, cái cần nhiều lại không có, cái có nhiều lại không cần, chất lượng sống cực kỳ thấp.

Do đó, GS Cử cho rằng, để sẵn sàng cho một xã hội "già" thì Việt Nam cần phải nhanh chóng xây dựng mạng lưới an sinh xã hội tốt để nâng cao chất lượng sống cho NCT; có hệ thống chăm sóc sức khỏe cho NCT tốt; Xây dựng môi trường xã hội thân thiện với NCT.

"Tuy nhiên, nhiều chính sách cho NCT ở Việt Nam hiện nay đã quá lạc hậu. Đơn cử như chính sách NCT không có lương hưu từ 80 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp xã hội (mức hưởng hiện nay là 500.000 đồng/tháng/NCT trên 80 tuổi không có lương hưu – PV). Trong khi đó, từ năm 1967, Liên Hợp quốc đã khuyến cáo, NCT trên 65 tuổi nên được hưởng trợ cấp xã hội.

Tại nhiều vùng núi, vùng sâu vùng xa, tuổi thọ trung bình của người dân tộc còn rất thấp, chỉ hơn 60 tuổi so với tuổi trung bình của Việt Nam hiện nay là hơn 73,6 tuổi. Như vậy, có rất nhiều NCT không có lương hưu, đời sống khó khăn nhưng không bao giờ có cơ hội được hưởng trợ cấp xã hội, thiếu công bằng với nhiều người.

Tôi đã khuyến nghị thay đổi chính sách này rất nhiều lần", GS Cử chia sẻ.

Chuyện những người quyết rời con cháu, bán đất vào viện dưỡng lão sống cuối đời - Ảnh 6.

Hình ảnh người cao tuổi rèn luyện, phục hồi chức năng tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng. Ảnh: Viết Niệm

Khi nhà dưỡng lão chỉ cho người giàu

Chia sẻ về mô hình nhà dưỡng lão dành cho NCT hiện nay, GS Cử cho biết, ông đã từng đi vào nhà dưỡng lão sống và tìm hiểu. Với 6 triệu 1 tháng, 4-6 cụ một phòng, 10 triệu/tháng mới được 2 người một phòng.

"Sống ở phòng tập thể tôi không chịu nổi. Đã khó ngủ thì chớ nhưng vừa thiu thiu lại có cụ ho, rên; rồi có cụ dậy đi vệ sinh, có cụ ngồi kể lể… Thực sự tra tấn về tinh thần và thể xác. Nhưng chi phí 10 triệu/tháng thì số NCT có thể vào được nhà dưỡng lão sẽ rất ít, chỉ dành cho người có thu nhập khá giả", GS Cử chia sẻ.

Theo GS Cử, để "giảm giá" giúp nhiều NCT có thể vào nhà dưỡng lão thì nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ như tiền thuê đất, tiền điện, nước…

"Chúng ta phải tổ chức, đa dạng hóa hình thức sinh hoạt cho NCT, nhất là các cụ neo đơn, có thể là trung tâm dưỡng lão, dịch vụ chăm sóc tại nhà, có thể là sinh hoạt tập thể ban ngày, các câu lạc bộ sở thích cho NCT…

Ở Hàn Quốc đã thành lập 70.000 "Nhà già" tương đương như "Nhà trẻ" để cho các cụ đến sinh hoạt vào ban ngày và tối về nhà. Các cụ được con cái đưa đến hoặc tự đến, tham gia các hoạt động theo sở thích như hát, ngâm thơ, chơi cờ… Các cụ sẽ không cô đơn nữa và được chăm sóc tốt hơn.

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Hoàng Thị Thu Ngân, Phó giám đốc Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng (Hà Nội) cho biết, hiện tại Diên Hồng đang phải tự thân vận động từ việc mua đất, xây dựng, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị y tế. Chính vì chi phí đầu tư quá lớn nên chi phí trọn gói cho 1 cụ ở trung tâm không thể thấp được.

"Nhu cầu NCT đến với Trung tâm dưỡng lão ngày càng tăng nhưng nhiều cụ kinh tế khó khăn nên cả chúng tôi và các cụ đều "lực bất tòng tâm". '

Nhưng nếu như được nhà nước cấp đất và có chính sách hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, hỗ trợ tiền điện nước thì hoàn toàn có thể cung cấp được dịch vụ cho NCT có thu nhập thấp.

Giống như ở Nhật Bản, đơn vị dưỡng lão được nhà nước hỗ trợ chi phí xây dựng đến 70% và hỗ trợ NCT chi trả thì số tiền phải đóng còn lại rất ít", bà Ngân kiến nghị.

Chuyện những người quyết rời con cháu, bán đất vào viện dưỡng lão sống cuối đời - Ảnh 11.

NCT tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng cổ vũ Việt Nam chiến thăng đại dịch trong đợt dịch Covid-19 vừa qua. Ảnh: Diên Hồng

Áp lực già hóa đân số "thần tốc"

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên tại Việt Nam gần 12% dân số, tương đương với hơn 12 triệu người. Đến khi già hóa dân số (năm 2038), Việt Nam sẽ có hơn 20 triệu NCT. 

TS Phạm Vũ Hoàng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) nhận định: "Việt Nam một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, chỉ mất khoảng 27 năm trong khi các nước phát triển mất nhiều thập kỷ, có nước đến hơn 100 năm", TS Hoàng cho biết. 

Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt năm 2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có tới 70% NCT hoặc người thân trực tiếp chăm sóc NCT biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của NCT và đạt 85% vào năm 2030.

NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt 70%, được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 95% năm 2025, 100% năm 2030; NCT được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm đạt 70% năm 2025, 90% năm 2030.

100% NCT không có khả năng tự chăm sóc, được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030.

Về đặc điểm dân số già của Việt Nam, TS Hoàng cho biết, dân số cao tuổi tăng nhanh ở nhóm tuổi cao nhất, số lượng và tỷ lệ người cao tuổi nhóm từ 80 tuổi trở lên tăng nhanh nhất.

Phần lớn người cao tuổi sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. Tỷ lệ người cao tuổi sống ở nông thôn là 67,2% (tương ứng là 7,7 triệu người), gấp 2 lần người cao tuổi sống ở khu vực thành thị và chủ yếu là làm nông nghiệp; đời sống vật chất còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, người cao tuổi chủ yếu sống tại gia đình, với 61,3% người cao tuổi sống chung với con cái, tuy nhiên, ngày càng có nhiều NCT sống một mình do con cái di cư, đi làm ăn xa... 

Mặt khác, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam cao (73,6 tuổi) nhưng tuổi thọ khỏe mạnh chỉ là là 63,2 tuổi ở nam và 70,0 tuổi ở nữ. Mỗi NCT có từ 3-6 bệnh mãn tính, đối diện với nguy cơ giảm chức năng sống, các hoạt động hàng ngày do quá trình lão hóa.

"Với tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ làm tăng gánh nặng kinh tế, xã hội để duy trì ổn định cuộc sống khoẻ mạnh của nhóm người cao tuổi. 

Vì vậy, việc chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để đáp ứng nhu cầu của dân số già, theo dự báo mới nhất là sẽ bắt đầu là năm 2038, sẽ là một thách thức rất lớn ở nước ta", ông Hoàng nhận định. 

"Già hóa dân số là một tất yếu, không có cách nào đảo ngược hay níu kéo chậm lại khi mà mức sinh ngày càng thấp, tuổi thọ ngày càng cao, dẫn đến tỷ lệ NCT trong tổng dân số ngày càng lớn.

Tuy nhiên, nếu chúng ta có sự chuẩn bị tốt thì sẽ biến thách thức thành cơ hội. Việc cần làm hiện nay là chăm sóc tốt cho sức khỏe NCT để họ tuy già nhưng không yếu, già nhưng vẫn minh mẫn, kéo dài được tuổi làm việc và ít cần người chăm sóc.

Khi đó, NCT không phải gánh nặng lệ thuộc mà vẫn có thu nhập, xã hội không thiếu lao động, các chi phí chăm sóc cho NCT như thuốc men, điều trị bệnh tật cũng sẽ giảm", GS Cử nhấn mạnh.

Mời các bạn xem clip GS Nguyễn Đình Cử chia sẻ về thách thức và cơ hội khi dân số Việt Nam tròn 100 triệu người.

GS Nguyễn Đình Cử chia sẻ về thách thức và cơ hội khi dân số Việt Nam tròn 100 triệu người. Clip Gia Khiêm

Kỳ V: Nguy cơ thanh thiếu niên "non tuổi đời, già tuổi yêu" 



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem