Ao ước được đến trường
Trong những ngày cuối tháng 8 này, PV NTNN đã ngược dòng Nậm Nơn lên Thủy điện Bản Vẽ. Sau hơn 1 giờ chạy thuyền máy vào sâu trong lòng hồ thủy điện, chúng tôi tới được bản Kim Hồng, xã Kim Tiến cũ, nay thuộc quản lý của xã Hữu Khuông (huyện Tương Dương, Nghệ An).
Anh Lương Văn Phăn (35 tuổi) rời khu tái định cư ở xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương quay về khu vực lòng hồ Bản Vẽ dựng nhà tạm sinh sống. Trò chuyện với chúng tôi anh Phăn nói: “Ta có hai con, một đứa sinh năm 2002, một đứa sinh năm 2004, sáng nay theo mẹ vào rừng đào măng. Năm 2009 ra khu tái định cư ở 2 đứa con ta được đi học, nhưng sống ở đó được 2 năm vì không có việc gì làm, thiếu cái ăn ta phải quay về nơi ở cũ đào măng, hái củ bo bo bán kiếm sống. Hai đứa con ta đã bỏ học 3 năm rồi”.
Còn cháu Lương Thị Kim Dung (SN 2003) con anh Lương Văn Thông và chị Lương Thị Tiên thì ứa nước mắt: “Cháu nghỉ học 1 năm rồi. Năm 2013, cháu và 2 đứa em theo cha mẹ quay về đây sống nên không được đi học. Đi học cháu thích lắm, được chơi với các bạn, biết cái chữ”.
Ông Kha Ngọc Sù (SN 1931) vừa từ khu tái định cư ở Thanh Chương về sống cùng con trai trong khu vực lòng hồ, cho biết: “Khóm này gồm 10 hộ người dân tộc Thái đã bán nhà ở khu tái định cư Thanh Chương quay về chỗ cũ sinh sống. Nay bản làng ngày xưa đã bị ngập chìm trong lòng hồ thủy điện, vì vậy ta lên núi tìm nơi có suối nước dựng nhà sàn ở. Ở đây không có trường học, đường sá đi lại khó khăn, nơi ở không hợp pháp nên hàng chục đứa trẻ ở bản này phải bỏ học”.
Tương lai mờ mịt
Trao đổi với PV NTNN, ông Vi Tân Hợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Đến thời điểm này có 199 hộ với 638 nhân khẩu gồm người dân tộc Thái, Khơ Mú và Ơ Đu từ khu tái định cư ở huyện Thanh Chương quay trở lại khu vực Thủy điện Bản Vẽ sinh sống. Họ đang sống “4 không”: Không chính quyền quản lý- không trường học-không trạm y tế- không đất sản xuất, phải nhờ vào rừng và đánh bắt cá trên sông như bộ lạc. Trong năm học này có 61 em học sinh phải bỏ học”.
Cũng theo ông Hợi, từ nhiều năm nay, năm nào cán bộ huyện Tương Dương cũng đến tận nơi vận động và yêu cầu bà con ký cam kết sẽ quay về nơi tái định cư nhưng đều không hiệu quả. Theo phản ảnh của người dân, tại khu tái định cư họ không có đất sản suất và không quen với phương thức canh tác mới. Hệ lụy là nhiều trẻ em theo bố mẹ trở về khu vực lòng hồ phải bỏ học.
Không chỉ tương lai mịt mù với trẻ em thuộc các hộ gia đình tái định cư quay trở về Bản Vẽ sinh sống mà 36 hộ dân bản Chà Coong, trong đó có hơn 40 em học sinh thuộc xã Hữu Dương cũ (không nằm trong diện phải đi tái định cư, nay thuộc quản lý của xã Hữu Khuông) - bản có truyền thống hiếu học nhất vùng này cũng có nguy cơ phải bỏ học.
Theo quan sát của PV NTNN, trước đây khi chưa có thủy điện, học sinh ở đây ra xã Hữu Khuông và thị trấn Hòa Bình học, nay nước dâng họ phải dời lên núi sinh sống, đường đi lại không có. Để con không phải bỏ học, bố mẹ các em đã dựng những cái lán tạm ngay cạnh khu nội trú tại trường ở Hữu Khuông cho các em ở lại đi học hoặc đánh thuyền đưa con ra gửi ở thị trấn Hòa Bình trọ học. Nay đã cận kề ngày khai giảng nhưng nhiều ông bố, bà mẹ chưa thể đưa các em đến trường vì còn bận mưu sinh.
Đến thời điểm này có 199 hộ với 638 nhân khẩu từ khu tái định cư ở huyện Thanh Chương quay trở lại khu vực Thủy điện Bản Vẽ sinh sống. Họ đang sống “bốn không”: Không chính quyền quản lý- không trường học- không trạm y tế- không đất sản xuất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.