Dân vẫn đốt vàng mã sau công văn khuyến cáo của Giáo hội Phật giáo

Thanh Hà Chủ nhật, ngày 25/02/2018 12:40 PM (GMT+7)
Sau vài ngày công văn số 31 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị không nên đốt vàng mã  thì ghi nhận của phóng viên Dân Việt, người dân vẫn vô tư dâng tiến và đốt vàng mã rất nhiều.
Bình luận 0

Sáng ngày 24.2, tức ngày 9 tháng giêng Âm lịch, theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, rất nhiều nơi người dân vẫn vô tư đốt vàng mã. Tại đền Thác Bờ, Xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình, du khách thập phương về lễ tại đền vẫn dâng rất nhiều những hình giấy thuyền rồng, tiền, vàng...

img

Thuyền rồng được khách đi lễ cúng dâng tại đền Thác Bờ, tỉnh Hoà Bình. Ảnh: Thanh Hà

img

Những bộ vàng mã khủng vẫn được sắm sửa để dâng tiến và đốt sau đó.

img

Đặc biệt những đoàn khách thập phương có các cụ bà vẫn miệt mài sắp lễ đến vài trăm bộ quần áo chúng sinh, cùng rất nhiều tiền vàng để lễ đầu năm. 

img

Các cụ bà sắp xếp cúng chúng sính đầu năm

Tại đền chính của đền Thác Bờ, những thuyền rồng bằng giấy khá to cỡ một người ôm không hết được du khách cúng dâng bày la liệt. Bên cạnh đó, là những hình nhân, thuyền rồng có đến hơn chục bộ được bày tại đền Thác Bờ để chờ một giá hầu đồng vào chiều ngày 24.2.


img

Sau khi lễ người dân đi hoá vàng

img

Chia sẻ về khuyến cáo không đốt vàng mã khi đi lễ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bà Hoàng Thị Vân, khu đô thị Thị trấn Hưng Hà, Thái Bình cho hay: “Nhiều năm nay tôi đi lễ tại các đền, chùa và thấy rằng việc đốt vàng mã của người dân là rất nhiều và điều đó gây ô nhiễm môi trường cũng như gây lãng phí tiền của. Với số tiền mà mọi người bỏ ra mua ngựa, voi, tiền, vàng...chuyển sang thành tiền công đức để kiến thiết chùa, đền tôi nghĩ là sẽ thiết thực và ý nghĩa hơn. Điều quan trọng của người đi lễ là cái tâm, chứ không phải cứ dâng nhà, xe, ngựa, voi…thì mới được độ trì. Chính vì vậy mà tôi hoàn toàn ủng hộ khuyến cáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên bỏ tục đốt vàng mã”.

img

Ông Hoàng Hữu Tùng - Chủ đền Thác Bờ,  Xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình cho hay, ông chưa biết về công văn khuyến cáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc bỏ tục lệ đốt vàng mã. “Bản thân nhà đền cũng không khuyến khích khách thập phương đến lễ đốt nhiều vàng, mã. Tuy nhiên khách thập phương khi đến lễ mỗi người một ý. Họ nghĩ càng hoá nhiều vàng thì càng cầu xin được nhiều. Hơn nữa các đồng thầy cũng khuyến khích các con nhang, đệ tử nên dâng đủ ngựa, đủ voi…

Trong khi đã số người đi lễ là những người nông dân chân chất, họ không có kiến thức và hiểu biết về đạo mẫu cũng như đi lễ thế nào cho đúng, cho văn minh. Chính vì vậy, đồng thầy nói thế nào họ làm theo thế ấy. Ngay như tôi, đôi khi các đồng thầy đến đền cũng còn khuyên tôi nên làm đàn mã này, đàn mã kia. Nhưng tôi không theo bởi nếu mua đúng ý đồng thầy, sẽ là một đàn mã ít nhất cũng có giá từ 5 - 7 triệu, thậm chí chục triệu. Và như vậy hoàn toàn lãng phí và thiếu nét văn minh”, ông Hoàng Hữu Tùng nói.

img

Thuyền rồng đã lễ xong chờ để mang đi hoá

img

Thuyền rồng được người dân mang đi hoá

img

Cũng theo ông Hoàng Hữu Tùng, khuyến cáo không đốt vàng mã cần có thời gian, tuyên truyền dần dần, sâu rộng hơn đến từng người, từng nhà. Tuyên truyền qua phương tiện truyện thông cho người dân hiểu.

“Tôi nghĩ, điều quan trọng của khách đi lễ là cái tâm, chứ không nhất thiết phải hoá nhiều vàng mã mới gặp may và có lộc. Kể cả, đặt tiền lẻ cũng vậy, Phật và Thánh đâu có tiêu được tiền mà người đi lễ cứ đặt khắp nơi trên bàn thờ, thậm chí dắt tiền vào tượng”, ông Hoàng Hữu Tùng chia sẻ.

img

Những hình nhân đặt lễ tại đền Thác Bờ, Xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình.

Về phía Bộ VHTTDL, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng Bộ cho biết, đốt vàng mã là một trong những phần nghi thức truyền thống, hoạt động tôn giáo tín ngưỡng truyền thống của người Việt, thể hiện sự giao tiếp của con người đối với thế giới siêu nhiên. Từ các lễ hội truyền thống cho đến nghi lễ cá nhân, gia đình, đều có hình thức giao tiếp này và đều được thực hiện với một thái độ trang trọng, thành kính và hiểu biết về lễ thức tiến hành.

img

Ngay dưới chân đền là những hàng quán bán vàng và đồ lễ

img

La liệt các mặt hàng vàng mã phục vụ nhu cầu người dân.

Vấn đề người dân cần hiểu biết về nghi lễ này, tránh bùng nổ thái quá và được gắn cho những ý nghĩa mới, sai lệch với ý nghĩa ban đầu. Do vậy, hạn chế và loại bỏ việc đốt vàng mã là rất cần thiết, tránh lãng phí tiền của, ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất an toàn tại các cơ sở thờ tự. Đồng thời, cần có thời gian, sự chung sức của các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là từ các phương tiện truyền thông để người dân thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi của mình

“Tôi nghĩ việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Công văn số 31/CV-HĐTS là thể hiện sự chia sẻ về mặt quan điểm và đồng hành cùng Bộ VHTTDL trong việc nâng cao trách nhiệm, ý thức của người dân khi tham gia hoạt động lễ hội. Và nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế yếu kém trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội, thời gian gần đây, Bộ VHTTDL đã ban hành các Thông tư, Chỉ thị và Công văn về tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại một số địa phương”, ông Nguyễn Thái Bình nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem