Đảng phải dựa vào sức dân

Chủ nhật, ngày 03/02/2013 13:11 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Đảng phải của dân, do dân, vì dân. Đảng phải dựa vào sức dân là chính, như Bác Hồ nói: "Làm dân vận không khéo thì mọi việc đều thất bại". Trong thời đại văn minh này, việc quan trọng nhất là xây dựng Nhà nước pháp quyền. Vì thế, Đảng không thể đứng trên Hiến pháp, pháp luật".
Bình luận 0

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng Vũ Oanh chia sẻ như vậy trong cuộc trò chuyện đầu năm với phóng viên NTNN

Nhân sinh quan của nhiều đảng viên chưa chuẩn!

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã nói một câu khá chua xót rằng: "Trong Cách mạng Tháng Tám ta chỉ có 5.000 đảng viên mà vẫn giành thắng lợi. Tập đoàn Vinashin có tới 6.000 đảng viên, nhưng mà tê liệt". Phải chăng, sức chiến đấu của đảng viên bây giờ đã bị mài cùn bởi những yếu tố lợi ích liên quan, thưa ông?

- Thủ tướng nói cũng có điều đúng. Nhưng tôi xin nhắc lại rằng, thực ra, số 5.000 đảng viên mà Thủ tướng nói thì cũng không có đủ đâu vì đa phần đã bị địch bắt gần hết trước đó. Số đảng viên còn lại bên ngoài chỉ còn khoảng vài trăm người thôi.

Nhưng chúng ta lại có được một số lượng đông đảo thanh niên yêu nước được giác ngộ lý tưởng cách mạng, biết tuyên truyền, vận động, tổ chức và hướng dẫn nhân dân đấu tranh.

Và khi đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có được đường lối, chủ trương đổi mới phù hợp với yêu cầu bức thiết của đất nước, của nhân dân, đặc biệt là khắc phục được bệnh giáo điều, tả khuynh đã tồn tại lâu dài trong Đảng, nguyên nhân gây ra những tổn thất nặng nề cho cách mạng.

img
 

Còn bây giờ, khi nói sức chiến đấu của đảng viên giảm sút, cũng là do nhân sinh quan của nhiều đảng viên hiện nay chưa được chuẩn, chưa nhìn nhận đúng tình hình đất nước. Khi đất nước không còn chiến tranh không có nghĩa là chúng ta, nhất là những đảng viên lãnh đạo chủ chốt, tự cho phép mình được lơi lỏng ý chí phấn đấu, hưởng những đặc quyền, đặc lợi để "vinh thân, phì gia".

Không còn chiến tranh, đất nước lại phải đối mặt với một cuộc chiến mới, cũng không kém phần gian khổ, khốc liệt là cuộc đấu tranh để xây dựng đất nước giàu đẹp hơn. Đây chính là thời điểm các đảng viên phải phát huy tinh thần yêu nước sống mẫu mực và góp sức xây dựng đưa đất nước vượt qua khó khăn.

Ông nhìn nhận, đánh giá thế nào về hiệu quả của đợt sinh hoạt Đảng vừa qua, sau khi toàn Đảng triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 với quy mô lớn chưa từng thấy?

- Bác Hồ từng gửi gắm niềm tin đất nước ta sẽ "sánh vai cùng các cường quốc năm châu". Về mặt chính trị, phải khẳng định là thế giới rất quý trọng dân tộc Việt Nam và đó là lợi thế của chúng ta. Nhưng sự nghiệp xây dựng đất nước của chúng ta còn nhiều khó khăn, lạc hậu so với thế giới. Bình quân đầu người của ta còn thấp so với nhiều nước.

Cuộc trường chinh xây dựng đất nước còn gian truân vô cùng. Đợt sinh hoạt theo Nghị quyết T.Ư 4 vừa qua của Đảng ta cũng rất đáng hoan nghênh. Nhưng theo tôi, quan trọng hơn cả là nhân sinh quan của các vị lãnh đạo phải thay đổi để phù hợp với thời cuộc và lịch sử. Chúng ta nói về một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng đạo đức, lối sống, nhưng theo tôi, lỗi là từ trên, từ những người lãnh đạo chưa làm gương nên chưa giáo dục được cấp dưới.

Ngày trước, thế hệ chúng tôi hết sức may mắn khi được hoạt động và chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ kính yêu. Bác là người có tư tưởng, tư duy vô cùng sáng tạo, có đạo đức và lối sống cao đẹp. Bác Hồ cũng là tấm gương lớn để thế hệ chúng tôi noi theo.

img
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và nói chuyện với các em thiếu nhi Trường đội Lê Duẩn, Hà Nội.

Nêu cao tư tưởng "dân là gốc"

Nhưng như nhiều vị lãnh đạo Đảng đã khẳng định và nhấn mạnh, việc triển khai Nghị quyết T.Ư 4 mới chỉ là những bước đi ban đầu và Đảng ta sẽ còn phải thực hiện những bước tiếp theo quyết liệt hơn nữa?

- Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và thấy hiện giờ đất nước ta, Đảng ta đang trong tình trạng khá trầm trọng mà hình như những vị lãnh đạo vẫn chưa thấy hết được. Sự nghiệp xây dựng đất nước vẫn còn đòi hỏi nhiều sự hy sinh, phấn đấu. Là lãnh đạo phải biết lo trước nỗi lo thiên hạ chứ không thể tự mãn về thành quả mình đạt được rồi hưởng thụ.

Luôn phải thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: "Đảng cầm quyền vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ trung thành của nhân dân", tức là phải dựa vào dân, lo cho dân thật tâm. Tôi đã xem tất cả nghị quyết của Đảng, lần nào cũng thấy nói tới việc "Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng", nhưng vẫn chưa thấy điểm sáng, chưa có những đổi mới đáng kể.

Cụ thể như việc chúng ta nói chống tham nhũng, chống tiêu cực, nhưng tham nhũng vẫn ngày một nhiều. Kể cả việc chuyển cơ quan phòng chống tham nhũng về Bộ Chính trị và Tổng Bí thư là người đứng đầu cơ quan này cũng không phải là thượng sách.

"Đợt sinh hoạt theo Nghị quyết T.Ư 4 vừa qua của Đảng ta cũng rất đáng hoan nghênh. Nhưng theo tôi, quan trọng hơn cả là nhân sinh quan của các vị lãnh đạo phải thay đổi để phù hợp với thời cuộc và lịch sử. Chúng ta nói về một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng đạo đức, lối sống, nhưng theo tôi, lỗi là từ trên, từ những người lãnh đạo chưa làm gương nên chưa giáo dục được cấp dưới".

Đúng là có nhiều ý kiến cho rằng việc tái lập các ban Đảng như Ban Kinh tế T.Ư, Ban Nội chính T.Ư chỉ là giải pháp tình thế chứ không phải là giải pháp tối ưu lâu dài?

- Có nhiều vấn đề tôi chưa dám nói là thượng sách bởi nhiều chủ trương mới quá, cần phải có thời gian. Nhưng tôi nghĩ, cứ theo gương Bác Hồ mà làm. Ngày trước lựa chọn cán bộ, lãnh đạo cũng hoàn toàn theo năng lực của mỗi người.

Dân tộc mình có rất nhiều người đã được "thử lửa" nên người tài cũng không thiếu. Quan trọng là phải tìm ra những người biết trân trọng và sử dụng người tài đúng cách, đúng chỗ.

Sự tha hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên, theo nhận định của nhiều chuyên gia là do chúng ta thiếu đi một cơ chế giám sát quyền lực của Đảng. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đang lấy ý kiến nhân dân, trong Điều 4 có đưa thêm quyền giám sát của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Theo ông, làm thế nào để có thể nâng cao vai trò giám sát với Đảng?

- Không gì khác, chúng ta cần nêu cao tư tưởng "dân là gốc". Đảng phải của dân, do dân, vì dân. Đảng phải dựa vào sức dân là chính, như Bác Hồ nói: "Làm dân vận không khéo thì mọi việc đều thất bại". Trong thời đại văn minh này, việc quan trọng nhất là xây dựng Nhà nước pháp quyền. Vì thế, Đảng không thể đứng trên Hiến pháp, pháp luật. Phải làm thế nào để Đảng lãnh đạo nhưng không phải Đảng chuyên quyền. Tôi rất tâm huyết với câu nói: "Đất nước như một con thuyền, Đảng là người lái, dân là người chèo".

Không có dân chèo thì thuyền không thể đi. Nhưng không có người lái thì thuyền không đi đúng hướng. "Con thuyền" đất nước muốn tới đích rõ ràng không thể tách rời vai trò của Đảng và dân. Nhưng phải luôn nhớ rằng, Đảng nằm trong dân tộc. Sức chèo đưa con thuyền Việt Nam ra khơi, vượt sóng gió chính là dân.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem