Đằng sau bộ phim gây sốc về giới siêu giàu thắng Cành Cọ Vàng
Đằng sau bộ phim gây sốc về giới siêu giàu thắng Cành Cọ Vàng
Thứ hai, ngày 30/05/2022 08:43 AM (GMT+7)
Có phân đoạn gây sốc khiến một số người phải bỏ về giữa chừng, "Triangle of Sadness" vẫn thắng giải Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes 2022 vì thông điệp châm biếm sâu cay.
Có phân đoạn gây sốc khiến một số người phải bỏ về giữa chừng, "Triangle of Sadness" vẫn thắng giải Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes 2022 vì thông điệp châm biếm sâu cay.
Theo Variety, đạo diễn Ruben Östlund giành được giải Cành Cọ Vàng thứ hai trong sự nghiệp với bộ phim Triangle of Sadness. Tác phẩm của đạo diễn người Thụy Điển ghi điểm tuyệt đối tại Liên hoan phim Cannes vì có thông điệp châm biếm sâu cay về giới siêu giàu.
Tại buổi công chiếu, bộ phim nhận được tràng pháo tay kéo dài 8 phút từ giới phê bình. Đây được xem là một trong những tác phẩm gây ấn tượng nhất LHP Cannes năm nay. Bù lại, phim cũng khiến không ít khán giả sốc, đứng dậy bỏ về vì những phân đoạn kinh hãi.
Châm biếm sâu cay về giới siêu giàu
Triangle of Sadness được kể dưới góc nhìn của mẫu nam Carl (Harris Dickinson) và bạn gái hờ là ngôi sao mạng xã hội Yaya (Charlbi Dean). Tuy không thuộc giới siêu giàu, nhờ ngoại hình nổi bật và có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, bộ đôi được mời xuất hiện trên du thuyền quy tụ toàn những cái tên thuộc giới siêu giàu.
Và cũng từ đây, những góc khuất về xã hội thượng lưu dần hé lộ. Trên du thuyền toàn những người sang trọng, hai người mẫu và ngôi sao mạng xã hội ít tiền nhất. Song, họ phải trưng ra vẻ sang chảnh để hòa nhập với xã hội này.
Tại đây, họ gặp nhiều vấn đề phát sinh, từ việc gặp gỡ cặp vợ chồng già người Anh có tính cách đáng ghét, người phụ nữ Đức bị đột quỵ. Bộ phim còn xoay quanh tay thuyền trưởng đang bị suy sụp, kẻ quản lý Paula không khác gì bạo chúa. Họ có điểm chung là cùng coi thường người dọn vệ sinh Aigail.
Đến lúc du thuyền bị cơn bão quét qua, những vị khách giàu có phải vật lộn khi đối mặt tình huống hiểm nghèo trên hoang đảo. Hóa ra, những con người giàu có vốn rất tự tin, thái độ cao ngạo lại bắt đầu sợ hãi vì không có kỹ năng sinh tồn để sống sót. Và vào lúc này, họ hoàn toàn phụ thuộc vào người phụ nữ dọn vệ sinh mà bọn họ luôn coi là cặn bã xã hội.
Bỗng nhiên, từ một người không có địa vị gì trong xã hội thượng lưu đó, người dọn vệ sinh Aigail một bước trở thành trưởng nhóm. Sau bộ phim, khán giả nhận ra thông điệp là mỗi con người luôn có giá trị riêng của họ và bản thân ta phải trân trọng điều đó. Bởi bị đặt vào hoàn cảnh hiểm nghèo nhất, chưa chắc ai là người có khả năng sinh tồn lớn nhất.
Bộ phim táo bạo tạo ra làn sóng tranh cãi lớn
Theo Variety, phân cảnh khiến người xem phải "kinh tởm" nhất là trường đoạn dài 15 phút nói về bữa tiệc của giới siêu giàu. Khi con tàu bị bão lớn quét qua, các hành khách từ giàu có đến nghèo khổ, hay như họ nói là "dưới đáy xã hội" đều không chịu được cơn say sóng.
Họ đồng loạt nôn mửa, thậm chí đại tiện trên con tàu. Điều này vốn cũng được xem là ẩn ý của đạo diễn Ruben Östlund là dù giàu hay nghèo, họ đều có nhu cầu sinh lý cơ bản giống nhau của một con người.
Theo Guardian, tác phẩm đoạt giải Cành Cọ Vàng năm nay đã thể hiện thông điệp chống lại sự tàn ác của giới siêu giàu, văn hóa thời trang sáo rỗng và sự hư hỏng của những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Về thông điệp của bộ phim, đạo diễn Ruben Östlund nói rằng ông muốn vạch mặt những kẻ đạo đức giả mang danh giới siêu giàu.
"Khi đối mặt với tình huống hiểm nghèo và biết được người duy nhất giúp họ là người dọn vệ sinh, các tỷ phú bắt đầu thuyết giảng như những nhà xã hội tận tụy. Nào là 'chúng ta phải chia sẻ sự bình đẳng' dù trước đó họ không làm vậy", Östlund nói.
Ông đồng thời nói rằng trọng tâm của bộ phim là chỉ ra cách thay đổi hành vi của con người sau khi thay đổi thứ bậc. Nam người mẫu vốn chỉ hẹn hò với hot girl, siêu mẫu ba vòng nóng bỏng cuối cùng phải ngủ với người phụ nữ dọn vệ sinh để đổi lấy bánh quy - thứ giờ đây trở thành tiền tệ của nhóm.
Ruben Östlund cũng nói rằng bộ phim nói nhiều về kinh tế, tiền bạc, và vẻ đẹp trong một số không gian cũng được xem như một loại tiền tệ.
"Khi bắt tay vào làm phim, chúng tôi có mục đích là tạo ra cho khán giả tác phẩm thú vị và có nội dung kích thích tư duy. Ngoài giải trí, tôi muốn họ đặt câu hỏi, bàn luận về những gì diễn ra trên phim khi ra khỏi rạp", ông nói.
Sau khi theo dõi bộ phim, các chuyên gia phải suy nghĩ nhiều về thông điệp của tác phẩm.
"Điều độc đáo mà Ruben Östlund làm được là ông luôn khiến khán giả phải suy nghĩ sau khi khóc cười cùng mỗi phân đoạn. Tác phẩm của ông luôn bắt chúng ta nhìn nhận thế giới theo những cách khác nhau", Variety bình luận.
Trong khi đó, tờ Independent nhận xét các tác phẩm của Ruben Östlund nói chung và Triangle of Sadness nói riêng luôn cân bằng giữa hài kịch phi lý và chủ nghĩa hiện thực.
"Chỉ trong hơn hai tiếng, toàn bộ sự tham lam, đê hèn và đáng khinh nhất của xã hội được thể hiện một cách sinh động", tạp chí bình luận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.