Tranh cãi gay gắt việc phong tặng Nhà văn Nhân dân, Ưu tú: Danh hiệu ấy sẽ làm hại nhà văn!

Hà Tùng Long Chủ nhật, ngày 29/05/2022 08:59 AM (GMT+7)
Trước những tranh cãi gay gắt về đề xuất trao danh hiệu Nhà văn Nhân dân, Nhà văn Ưu tú, nhà văn Sương Nguyệt Minh cho rằng, danh hiệu ấy sẽ như bả hư vinh làm hại nhà văn.
Bình luận 0

Mới đây, bàn về Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất mở rộng đối tượng được trao danh hiệu "Nhân dân" hay "Ưu tú", đồng thời đảm bảo tính công bằng trong công tác khen thưởng.

Theo đó, nhiều đại biểu cho rằng, bên cạnh việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú cho các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật thì cũng nên mở rộng việc phong tặng danh hiệu này cho chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả, nhiếp ảnh, nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên.

Bởi việc mở rộng đối tượng trao danh hiệu sẽ thể hiện rõ sự quan tâm, khích lệ, sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước với những người lao động nghệ thuật. Tuy nhiên, những đề xuất này đã ngay lập tức gây ra nhiều tranh cãi trái chiều.

Tranh cãi gay gắt việc phong tặng Nhà văn Nhân dân, Ưu tú: Danh hiệu ấy sẽ làm hại nhà văn! - Ảnh 1.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, nếu có thêm danh hiệu cho nhà văn thì càng tốt. Ảnh: TL.

Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, bản thân ông chưa bao giờ nghĩ tới việc đề xuất trao danh hiệu Nhà văn Nhân dân, Nhà văn Ưu tú. Tuy nhiên, ông rất cảm ơn các đại biểu quốc hội đã đề xuất trao tặng danh hiệu "Nhân dân" và "Ưu tú" cho các nhà văn.

"Tôi nghĩ rằng, việc này không có gì phải ầm ĩ lên cả. Đây là ý tưởng, là nguyện vọng và là đề xuất của các đại biểu Quốc hội. Họ có quyền được bày tỏ nguyện vọng, được đề xuất các ý kiến của mình trước Quốc hội. Bản thân tôi chưa bao giờ có ý nghĩ đề xuất việc phong tặng danh hiệu này nhưng cũng gửi một lời cảm ơn chân thành đến các vị đại biểu Quốc hội đã nghĩ, đã nhớ về các nhà văn.

Tôi cho rằng, nếu có danh hiệu Nhà văn Nhân dân, Nhà văn Ưu tú thì càng tốt, không sao hết. Đó cũng là một hình thức để tôn vinh và khuyến khích các nhà văn hăng say sáng tạo văn học nghệ thuật, có nhiều hơn những tác phẩm xứng tầm và mang lại nhiều giá trị cho đời sống. Nếu nghệ sĩ được phong tặng vì những cống hiến của mình cho nghệ thuật thì nhà văn cũng cần được tôn vinh vì những cống hiến cho văn học nghệ thuật. Có phải vì việc phong tặng này mà lương họ cao hơn và họ nổi tiếng hơn đâu.

Đây chỉ là danh hiệu mà Nhà nước phong tặng, nhân dân suy tôn đối với những nhà văn thật sự ưu tú và thuộc về nhân dân thôi. Nhiều nhà văn ưu tú lắm và gắn bó mật thiết với nhân dân lắm. Có phải nhà văn nào cũng ưu tú và nhà văn nào cũng thuộc về nhân dân đâu.

Thực ra, không có mấy cái danh hiệu này thì nhiều nhà văn chân chính vẫn hăng say sáng tạo và cống hiến cho cuộc đời nhiều tác phẩm giá trị. Họ vẫn thực hiện thiên chức nhà văn của mình. Tôi nghĩ, việc phong tặng danh hiệu nếu được xem xét và phê duyệt sẽ góp phần tri ân đóng góp của các nhà văn", nhà thơ Trần Đăng Khoa nhấn mạnh.

Danh hiệu sẽ như bả hư vinh làm hại nhà văn?

Trái với quan điểm trên, nhà văn Sương Nguyệt Minh chia sẻ với Dân Việt rằng: "Tôi nghĩ việc phong tặng danh hiệu cho nhà văn là không nên. Nhà văn thì chỉ hai chữ nhà văn là đủ. Xin đừng gán, đừng đắp thêm danh hiệu "Nhà văn Nhân dân", "Nhà văn Ưu tú" cho người sáng tác văn chương. Hoặc các vị đề xuất nhà văn cũng được nhận danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" cũng không nên.

Tranh cãi gay gắt việc phong tặng Nhà văn Nhân dân, Ưu tú: Danh hiệu ấy sẽ làm hại nhà văn! - Ảnh 2.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh cho rằng, danh hiệu sẽ như bả hư vinh làm hại nhà văn. Ảnh: TL.

Thêm cái "Nhân dân", "Ưu tú" rất có thể nhiều người bỏ viết, suốt đời bạc mặt đi tranh nhau cái danh hiệu vẻ vang ấy để treo trang trọng trong phòng khách và không màng gì đến chuyện viết lách nữa vì đã thỏa mãn tràn trề cái danh hiệu ấy. Thậm chí có người chạy chọt để có cái danh hão ấy. Cái danh hiệu Nhà văn Nhân dân, Nhà văn Ưu tú vô tình như cái bả hư danh. "Chết" vì cái danh hão ấy.

Những nhà văn chân chính không cần cái danh hiệu ấy. Cái danh hiệu ấy làm hại nhà văn. Nhà văn tự ru ngủ vì cái hào quang giả tạo ấy. Vô tình kết liễu tự thân sáng tạo. Đối với nhà văn thì hộ chiếu, danh hiệu phải do bạn đọc phong tặng, chứ không phải một cuộc thi, hay một tổ chức nào cấp giấy thông hành".

Trao đổi với Dân Việt, nhà văn Di Li tâm sự rằng, chị thấy việc phong tặng danh hiệu "Nhân dân" và "Ưu tú" cho nhà văn không có ý nghĩa gì cả. Bản thân chị đã đi nhiều nước trên thế giới, tiếp cận với nhiều nền văn học khác nhau nhưng chưa thấy ở đâu phong tặng kiểu như vậy cho giới văn chương. Vì bình thường, các nhà văn đã có các giải thưởng danh giá về văn học nghệ thuật cho các cụm tác phẩm hoặc tác phẩm. Những giải thưởng này chính là sự ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của nhà văn đối với đời sống, với đất nước, với nhân dân.

Tranh cãi gay gắt việc phong tặng Nhà văn Nhân dân, Ưu tú: Danh hiệu ấy sẽ làm hại nhà văn! - Ảnh 3.

Nhà văn Di Li cho rằng, việc phong tặng danh hiệu cho nhà văn không có ý nghĩa gì cả. Ảnh: FBNV.

"Nhà văn của nhân dân là những người mà sau một thời gian tác phẩm ra đời, thậm chí sau khi chết và sau khi chết vài trăm năm vẫn có người tìm đọc những tác phẩm đó. Thời gian sẽ phân định danh hiệu cao quý nhất. 

Tôi thấy trước đó có nhiều ngành nghề được phong tặng danh hiệu thành ra người ta cứ mải đuổi theo cái danh mà quên mất thiên chức thực sự của mình. 

Thậm chí, chỉ vì cái danh hiệu đó mà người ta tỵ nạnh, ganh đua, dèm pha nhau… chẳng tốt lành và đẹp đẽ gì cả. Thời gian ấy để sáng tác có khi còn tốt hơn.

Như vậy, ở góc độ nào đó, chúng ta thấy việc phong tặng chưa chắc đã kích thích sáng tạo mà có khi còn làm cho nhiều người quên mất việc sáng tạo. Hoặc sáng tạo chỉ vì để đạt được danh hiệu cũng chưa hẳn đã tạo ra được những tác phẩm đúng tầm và đúng tâm. Người cống hiến cũng giống như các tình nguyện viên hay người đi làm từ thiện, người ta làm một cách vui vẻ và lặng lẽ, không phải để được ghi danh là cống hiến nhiều hay ít. Ai biết được thì ghi nhận, không biết được thì thôi.

Đối với nhà văn, tác phẩm là "đứa con tinh thần", độc giả là nguồn động viên lớn lao nhất rồi. Nếu một ngày nào đó độc giả ngừng đọc tác phẩm thì mọi danh hiệu cũng chả còn ý nghĩa gì nữa. Mà nếu độc giả ngừng quan tâm đến tác phẩm của nhà văn đó thì làm sao họ biết đến cái danh hiệu đấy của nhà văn được", nhà văn Di Li bộc bạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem