Đằng sau việc người dân Trung Quốc hối hả rời Bắc Kinh trong dịp Tết Nguyên đán

Đăng Nguyễn - SCMP Thứ tư, ngày 19/01/2022 20:55 PM (GMT+7)
Yang Jie, 36 tuổi, một giám đốc một công ty, đang chuẩn bị rời Bắc Kinh, Trung Quốc để trở về quê nhà trên đảo Hải Nam vào ngày 21.1 tới.
Bình luận 0

img

Người Trung Quốc chờ tàu rời Bắc Kinh năm 2020.

Yang không nản lòng khi phải vượt qua các quy định phòng dịch Covid-19 khắt khe để trở về nhà trong dịp Tết Nguyên đán. Chuyến đi của Yang là một trong 1,18 tỉ lượt di chuyển của người dân Trung Quốc, tăng 36% so với năm ngoái trong 40 ngày diễn ra kỳ Xuân Vận, Bộ Giao Thông Vận tải Trung Quốc dự đoán.

Trong khi một số người quyết định ở lại Bắc Kinh để tránh những phiền phức và không chắc chắn khi di chuyển trong giai đoạn dịch Covid-19, nhiều người khác sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

Trung Quốc ngày càng siết chặt các quy định phòng dịch do sắp tới ngày 4.2, ngày khai mạc Olympic Bắc Kinh, cũng như các đợt lây lan biến thể Omicron gần đây.

Chính quyền các địa phương ở Trung Quốc cũng ban hành nhiều quy định nhằm hạn chế người dân đi lại trong dịp năm mới. Đảo Hải Nam chỉ chấp nhận cho người từ bên ngoài vào nếu có kết quả xét nghiệm âm tính trong 48 giờ.

Để về quê nhà, Yang phải làm nhiều hơn là xét nghiệm Covid-19. Cô phải nộp đơn xin cấp trên duyệt, nộp đơn cho trường học của con gái 9 tuổi, trong đó nêu rõ thời gian địa điểm di chuyển.

Khi quay trở lại Bắc Kinh, Yang cũng phải làm đơn và nộp cho đơn vị quản lý khu dân cư. “Rất rắc rối”, Yang nói. “Dù vậy, tôi đã quyết tâm về nhà để gặp cha mẹ ở Hải Nam, cho con nhỏ có khoảng thời gian vui vẻ sau 2 năm không đi du lịch”.

“Cuộc sống ở Bắc Kinh cũng sẽ bất tiện hơn trong những ngày diễn ra Olympic”, Yang nói.

Những bất tiện mà Yang nói bao gồm các biện pháp kiểm soát và điều tiết giao thông. Hầu hết các phương tiện và người đi bộ sẽ bị cấm đi vào 6 con đường cho đến cuối tháng 3. 

Các vận động viên và quan chức nước ngoài tới Bắc Kinh phải ở trong khu vực khép kín không ra ngoài tiếp xúc với người địa phương. Chính quyền thành phố còn yêu cầu người dân tránh xa các đoàn xe Olympic vì lý do phòng ngừa, ngay cả khi các đoàn xe này gặp tai nạn.

Xu Chong, 25 tuổi, một công nhân làm việc ở Bắc Kinh, đã quyết định sẽ về quê nhà miền trung Trung Quốc, vì có ở lại cũng không được đến tận nơi theo dõi các vận động viên tranh tài.

“Tôi rất muốn được xem các vận động viên tranh tài ở sân vận động Bắc Kinh. Nhưng điều này là không thể vì chính quyền đã thông báo không bán vé”, Xu nói.

Chính quyền Bắc Kinh cũng khuyến cáo người dân không rời thủ đô trong dịp năm mới. Nhưng quy định này là không bắt buộc.

“Tôi buồn muốn chết khi ở Bắc Kinh một mình trong dịp Tết Nguyên đán năm ngoái”, Xu nói. “Lần này, tôi sẽ về nhà gặp cha mẹ, người thân. Chắc chắn sẽ vui hơn”.

Xu mất 7 tiếng trở về nhà bằng ô tô, từ Bắc Kinh tới thành phố Khai Phong, cách Trịnh Châu khoảng 80km, nơi từng là vùng tâm dịch.

“Tôi hy vọng dịch bệnh năm nay sẽ không lây lan đến Khai Phong. Trở về nhà như một chuyến phiêu lưu mạo hiểm. Nhưng tôi sẵn sàng chấp nhận rủi ro”, Xu nói.

Vincent Gao, 46 tuổi, làm việc cho một tập đoàn nhà nước, có quy định khắt khe về việc nhân viên về quê. Nhưng Gao nói mình vẫn sẽ rời Bắc Kinh.

“Tôi không còn trẻ để phải tham gia các hoạt động bên lề Olympic, nên có thời gian rảnh rỗi”, Gao nói. Gao từng mua một căn nhà ở tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh khoảng 2 giờ lái xe.

Căn hộ đang để trống nên Gao muốn tận dụng để ở lại trong dịp Tết Nguyên đán. Các thành viên gia đình cũng sẽ tới đó.

Gao nói sẽ rời Bắc Kinh mà không cho sếp biết, thậm chí tắt luôn điện thoại để không ai biết mình ở đâu. “Tôi sẵn sàng chấp nhận rủi ro”, Gao nói. “Khoảng thời gian bình yên bên gia đình mới thật đáng giá”.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem