Đánh chết hải cẩu sẽ bị tội gì?

Lê Chiên (thực hiện) Thứ tư, ngày 04/01/2017 17:15 PM (GMT+7)
Sau khi báo chí đưa tin, tại Bình Thuận, một con hải cẩu đã bị người dân đánh chết khiến dư luận hết sức bất bình. Dước góc nhìn pháp lý, luật sư đánh giá thế nào về hành vi này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Luật Đại Nam, Hà Nội).
Bình luận 0

img

Con hải cẩu bị đánh chết  vào dịp Tết Dương Lịch. Ảnh Zing

Thưa luật sư, theo quy định thì Hải cẩu có thuộc động vật nguy cấp cần bảo vệ?

Trong Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ thì hải cẩu không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Tuy nhiên theo Danh mục các loài động, thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp được ban hành kèm theo Thông tư số 40/2013/TT-BNNPTNT ngày 05 tháng 09 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thì: Các loài Hải cẩu thuộc Phụ lục số 2; các loài hải cẩu nhỏ giống Monachus thuộc Phụ lục số 1.

Cũng theo Danh mục này thì: loài hải cẩu nhỏ giống Monachus là loài động vật hoang dã bị đe doạ tuyệt chủng, nghiêm cấm xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật từ tự nhiên vì mục đích thương mại; còn các loài hải cẩu là động vật hoang dã hiện chưa bị đe doạ tuyệt chủng, nhưng có thể dẫn đến tuyệt chủng, nếu việc xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật từ tự nhiên từ tự nhiên vì mục đích thương mại những loài này không được kiểm soát.

img

LS Nguyễn Anh Tuấn

Nhưng trên thực tế, rất ít khi được nhìn thấy hải cẩu. Phải chăng chúng ta đã bỏ lọt Hải cẩu váo trong Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ?

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 7, Nghị định số 160/2013/NĐ-CP thì “Định kỳ ba (03) năm một lần hoặc khi thấy cần thiết, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh, bổ sung Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường”.

Do vậy nếu qua khảo sát, đánh giá của các cơ quan chức năng, nếu thấy Hải cẩu đảm bảo các tiêu chí theo quy định tại Điều 4 Nghị định này là: Số lượng cá thể còn ít hoặc đang bị đe dọa tuyệt chủng; là loài đặc hữu hoặc có một trong các giá trị đặc biệt về khoa học; y tế; kinh tế; sinh thái, cảnh quan, môi trường và văn hóa - lịch sử thì lúc đó hải cẩu sẽ được đưa vào Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Nhưng số lượng thế nào là ít? Hoặc đang bị đe dọa tuyệt chủng?

Việc này pháp luật đã có quy định khá rõ tại Điều 5, Nghị định trên. Theo đó loài động vật hoang dã, thực vật hoang đã được xác định là loài có số lượng cá thể còn ít hoặc bị đe dọa tuyệt chủng khi có một trong 5 điều kiện sau:

a) Suy giảm quần thể ít nhất 50% theo quan sát hoặc ước tính trong mười (10) năm gần nhất hoặc ba (03) thế hệ cuối tính đến thời điểm đánh giá; hoặc được dự báo suy giảm ít nhất 50% trong 10 năm hoặc ba (03) thế hệ tiếp theo tính từ thời điểm đánh giá;

b) Nơi cư trú hoặc phân bố ước tính dưới 500km2 và quần thể bị chia cắt nghiêm trọng hoặc suy giảm liên tục về khu vực phân bố, nơi cư trú;

c) Quần thể loài ước tính dưới 2.500 cá thể trưởng thành và có một trong các điều kiện: suy giảm liên tục theo quan sát hoặc ước tính số lượng cá thể từ 20% trở lên trong năm (05) năm gần nhất hoặc hai (02) thế hệ cuối tính đến thời điểm đánh giá; suy giảm liên tục số lượng cá thể trưởng thành, cấu trúc quần thể có dạng bị chia cắt và không có tiểu quần thể nào ước tính có trên 250 cá thể trưởng thành hoặc chỉ có một tiểu quần thể duy nhất;d) Quần thể loài ước tính có dưới 250 cá thể trưởng thành;

đ) Xác suất bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên của loài từ 20% trở lên trong vòng 20 năm tiếp theo hoặc năm (05) thế hệ tiếp theo tính từ thời điểm lập hồ sơ.

Vậy nếu những xác định được người đánh chết Hải cẩu thì người đó bị xử lý thế nào?

Như đã nói trên, hiện hải cẩu chưa được đưa vào Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, tuy nhiên, lại có trong Danh mục các loài động, thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp được ban hành kèm theo Thông tư số 40/2013/TT-BNNPTNT ngày 05 tháng 09 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Bởi vậy theo tôi người đã đánh chết hải cẩu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm” theo quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi năm 2009. Điều luật này quy định: ““

1. Người nào săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật đó, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm;

d) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”Xin cảm ơn luật sư!Lê Chiên (thực hiện)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem