Đánh ghen lột đồ ở Hải Phòng: Ai thực sự có lỗi?

Đình Việt Thứ tư, ngày 09/05/2018 14:31 PM (GMT+7)
Luật sư Nguyễn Anh Thơm đã có những phân tích pháp lý xung quanh vụ đánh ghen, lột đồ mới xảy ra ở Hải Phòng. Ngoài ra, luật sư cũng nói thêm về những vụ việc xảy ra gần đây.
Bình luận 0

Ngày 8.5, Công an TP Hải Phòng cho biết, Công an huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) đang tạm giữ hình sự 2 phụ nữ để điều tra về hành vi “làm nhục người khác” khi đánh ghen.

Trước đó, khoảng 18 giờ 45 ngày 1.5, tại thôn Khôi Vỹ Hạ, xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, P.T.M (36 tuổi, ngụ thôn Khôi Vỹ Hạ) cùng một số người khác đã chặn xe, lột hết quần áo, đánh đập, chửi bới, cắt tóc và lôi chị B.T. Q (31 tuổi, ngụ cùng thôn) khoảng 300m trên đường làng. Các đối tượng vừa làm nhục chị Q, vừa quay video, rồi tung lên mạng xã hội Facebook.

img

Chị Q bị lột quần áo và bị hành hung. Ảnh: IT

Chị Q bị trầy xước, bầm tím nhiều chỗ trên cơ thể và phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tiên Lãng, sau đó đã có đơn đề nghị cơ quan chức năng điều tra vụ việc. Công an huyện Tiên Lãng xác định nguyên nhân vụ việc là do M cho rằng chị Q có quan hệ tình cảm với chồng mình nên đã cùng một số người thân trong gia đình nhà chồng tổ chức đánh ghen.

Công an huyện Tiên Lãng sau đó đã triệu tập, tạm giữ hình sự P.T.M vì hành vi làm nhục người khác; đồng thời triệu tập, tạm giữ hình sự Đ.T.L (38 tuổi, ngụ thôn Khôi Vỹ Hạ) vì đã đánh và cắt tóc chị Q.

Riêng đối với Đ.T.T (26 tuổi, ngụ thôn Khôi Vỹ Hạ) có hành vi giữ chân, giữ tay chị Q để người khác đánh đập, quay phim nhưng đã thành khẩn khai báo và đang nuôi con 5 tháng tuổi nên không bị tạm giữ.

Nói về vụ việc này, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, những người gây ra vụ việc trên đã thiếu hiểu biết về pháp luật cũng như vi phạm đạo đức.

"Dù cô gái trẻ có quan hệ bất chính hay không thì nhóm người đã hành hung, cắt tóc, lột đồ nạn nhân như vậy là xâm phạm sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác, họ phải chịu hậu quả trước pháp luật. Hai người này có thể sẽ bị khởi tố về tội làm nhục người khác theo điều 155 BLHS 2015”, luật sư Thơm nói.

Tuy nhiên, để xử lý được tội làm nhục người khác cần có yêu cầu của người bị hại. Tức là, chị Q cần thiết phải có đơn yêu cầu khởi tố người vi phạm theo pháp luật.

"Trường hợp đánh ghen này, nếu chị Q đồng ý giám định thương tích và có đơn yêu cầu xử lý thì cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào mức độ giám định thương tật để khởi tố vụ án. Khung hình phạt cao nhất cho tội làm nhục người khác là 5 năm tù", luật sư Thơm thông tin.

img

Luật sư Nguyễn Anh Thơm. Ảnh: NVCC

Nếu trường hợp hợp chị Q e ngại không có đơn yêu cầu xử lý, cơ quan chức năng có thể xử lý nhóm người này về hành vi Gây rối trật tự công cộng, vì hành vi này gây mất trật tự trên địa bàn, hoang mang dư luận.

“Vụ việc này là bài học cảnh báo chung cho việc xử xử, quan hệ nam nữ. Nếu trường hợp phát hiện vợ hoặc chồng có mối quan hệ bất chính với người khác có thể nhờ cơ quan chức năng can thiệp chứ không thể tự mình hành xử một cách thiếu suy nghĩ, gây ảnh hưởng đến tính mạng, danh dự, nhân phẩm người khác như vậy”, vị luật sư nêu quan điểm.

Nói về việc thời gian gần đây, ở các địa phương trên cả nước, xảy ra nhiều vụ đánh ghen, lột đồ rồi tung lên xã hội nhưng có rất ít vụ bị xử lý. Luật sư Thơm cho rằng, đa số các vụ đánh ghen xảy ra thời gian qua đều có cơ sở để xử lý hình sự hoặc dân sự.

Tuy nhiên, như phân tích ở trên, điều 155 BLHS 2015 đã quy định rõ ràng, để có căn cứ xử lý tội này cần có yêu cầu của người bị hại. Nếu không có đơn yêu cầu, cơ quan công an sẽ không vào cuộc. Và đa số các vụ việc liên quan, các bên đều tự thỏa thuận với.

“Ở Việt Nam đánh ghen đã trở thành câu chuyện không hề mới và hậu quả để lại đằng sau luôn là sự đau buồn, ân hận và đáng tiếc. Đánh ghen bằng hình thức làm nhục người khác nơi công cộng, sử dụng những “chiêu” đánh ghen tàn bạo, độc ác là cách đánh ghen mù quáng và vi phạm pháp luật.

Nhiều người khi đánh ghen bằng bạo lực tỏ ra rất hả hê, bất chấp luật pháp, nhưng sau đó họ bị xã hội lên án, thậm chí bị cơ quan chức năng xử lý, thì nỗi đau mà họ nhận được còn gấp nhiều lần so với người chồng hay tình địch của mình”, luật sư Thơm nói.

Ngoài ra, cũng theo vị luật sư, mặc dù đã có chế tài xử lý, nhưng thực tế chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe và cảnh báo đến người dân. Vì thế, các vụ việc đánh ghen bằng bạo lực, bằng hạ nhục người khác nơi công cộng vẫn diễn ra thường xuyên.

>>> XEM THÊM: Thảm án ở Cao Bằng: Khi bản năng thiếu vắng nhận thức

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem