Danh hài Bảo Chung: Nói bậy để chọc cười là tự giết chết mình

Bồng Sơn (Dòng đời) Chủ nhật, ngày 30/11/2014 07:43 AM (GMT+7)
Nhận thấy mình có phần thụt lùi so với lớp đàn em hiện nay khi trở về Việt Nam sinh sống, danh hài Bảo Chung liên tục tập luyện để lấy lại phong độ, nhạy bén của mình. 
Bình luận 0
Dẫu xa cách Việt Nam chỉ bốn năm nhưng anh có thấy quá khó khăn khi nối lại tình cảm với khán giả trong nước không?

- Trước đây, mỗi năm tôi đều sống ở nước ngoài 6 tháng nhưng khi về Việt Nam tôi đã bị hụt hẫng trong nghề nghiệp rồi huống hồ chi là bốn năm. Bốn năm trở về đây, tôi có cảm giác hơi chùng nghề. Ở nước ngoài chỉ có đi diễn vào cuối tuần, còn ở đây thì mình đi diễn hàng ngày. Người ta nói “Văn ôn võ luyện”, mình không đi diễn, tập luyện thường ngày rất dễ bị trì trệ, không nhạy bén, lạnh lẹ như trước nữa. Bây giờ nhờ ghi hình, đi show nhiều thì tôi cũng đã quen, bắt máy, tung hứng kịp hơn rồi. Công việc mình làm hàng ngày cũng khiến tôi vui, hạnh phúc, có động lực hơn.
img 
Việc tham gia show Vân Sơn lần này có phải đánh dấu sự trở lại của Bảo Chung khi về nước?

- Thực ra tôi đã trở về Việt Nam biểu diễn trong liveshow DVD Vân Sơn 50 vào năm ngoái tại TP.HCM. Sau lần ấy, tôi cảm thấy mình khao khát muốn được đứng trên sân khấu ở quê nhà nên tôi đã xin phép anh Sơn cho tôi về quê nhà sinh sống, biểu diễn mỗi khi không phải đi lưu diễn trên thế giới vì tôi thuộc trung tâm Vân Sơn nên đây là trách nhiệm phải làm. Tôi làm kich bản về người chú ở dưới quê lên thành phố tìm mấy đứa cháu vì cha mẹ bị bệnh. Những người nông dân chân chất nuôi tôm, nuôi cá làm giàu nhưng các con, các cháu học đòi hư hỏng. 

Trước đây, tôi cũng đã tổ chức vài đêm minishow dành cho riêng mình để thông báo Bảo Chung đã trở về Việt Nam, sống lại cái nôi của nghệ thuật. 

Những người yêu thích Bảo Chung nhớ anh nhất là nụ cười dê...?

- Ngày xưa, nụ cười là thương hiệu của Bảo Chung nhưng phải vào đúng vai. - Tấu hài của tôi ít có cười. Là người nông dân mình không thể cười như vậy vì sẽ phá vở kịch của mình hết. Tôi có thay đổi bản thân mình đi chăng nữa thì phải là thay đổi trong nhân vật mình thể hiện chứ không phải gượng ép mình thành một người khác. Nếu diễn một nhân vật tuổi teen thì chắc chắn tôi không làm được vì lời thoại của tôi không thể nào ra hình ảnh đó. Hoặc là hài hước thì phải dùng vào những trường hợp đúng vai. Cái gốc của Bảo Chung là từ cải lương, nông dân mà ra. Món quà của tôi gửi đến họ là những gì chân chất đúng nghĩa của Bảo Chung. 

Không bắt kịp được nhịp sống, đời sống văn hóa của Việt Nam anh có cảm thấy buồn, hụt hẫng?

- Cuộc sống ở nước ngoài bây giờ không có như trước nữa, mọi người đều có thể dễ dàng cập nhật tin tức ở Việt Nam. Tôi cũng không có hụt hẫng nhưng không còn lanh lẹ giống như ngày mình còn ở việt nam. Tại vì ở bên Mỹ rất ít quay, ít thu nên công việc hằng ngày của mình nhàn quá, nhiều khi không viết được kịch bản. Bởi vì ở nước ngoài mình đi đâu cũng bằng xe hơi, giàu nghèo như nhau. Ở Việt Nam thì khác, mình ngồi quán cà phê nhìn ra đường là thấy quá nhiều chuyện xảy ra. Cái hài trong kịch bản mình diễn chính là chất đời, phản ánh hiện thực, hiện tượng xã hội. 

Tôi hơi buồn một chuyện nữa là cái sức làm không còn như trước. Ví dụ ngày xưa một ngày tôi quay 7 cái tấu hài nhẹ tênh, không sao nhưng giờ bắt tôi quay như vậy chắc tôi… đuối, cái đầu của tôi không giống như ngày xưa, không nhanh nhẹn nữa. 

Nhưng làm nghề là còn do mình thấy được niềm vui trong nghệ thuật?

- Tôi đã từng hy sinh hạnh phúc của tôi để được sống hết mình với nghề. Ở Việt Nam có khi một năm tôi chỉ về nhà một tháng, 11 tháng còn lại tôi ở ngoại quốc. Tôi đi làm việc ít ở nhà, không có cuộc sống riêng thật ra cũng là một phần hy sinh hạnh phúc của mình cho cái hài, mà trong nghệ thuật từ cải lương, ca nhạc tới kịch hài là cái khổ tâm nhất. Loại hình nghệ thuật này khác với lĩnh vực âm nhạc. Ca sĩ có thể hát đi, hát lại hoặc sử dụng tác phẩm khác nhưng nghệ sĩ hài, kịch thì khi khán giả đã quý, họ sẽ thuộc hết vở diễn của mình. Đặc biệt, vở diễn làm nên tên tên tuổi ai thì nó đã đóng đinh người đó rồi. Tôi không thể lấy tuồng của Kiều Oanh mà diễn được. Người nghệ sĩ nổi danh không cho phép làm chuyện đó. 

Điều thứ nhì nữa là có nắn nót ra một vở tấu hài 10 phút đồng hồ phải có nội dung, mà trong thời gian đó phải nói gì, nội dung nói lên gì. Ví dụ một người ở ngoại quốc  làm việc cực khổ gửi tiền về Việt Nam cho con cái tiêu xài phung phí là một chuyện đáng lên án nhưng mình phải làm sao với nội dung đó phải có tiếng cười, khó là khó chỗ đó. Có khi một năm tôi chỉ viết một kịch bản, nhưng nếu có cảm xúc thì chỉ một tiếng đồng hồ là tôi có kịch bản, quan trọng là đề cương mình muốn nói lên cái gì chứ nói bậy nói bạ thì dễ quá. Chẳng lẽ muốn khán giả cười, tôi nói bậy là cười à, nhưng khi đó họ cười xong họ sẽ quên mình đi, không có gì để người ta nhớ hết. Những điều đó chỉ là đùa giỡn thôi, hài không nên làm vậy. Nếu làm thế thì mình tự giết chết mình. Hoặc nói thô tục trên sân khấu là tôi không “chơi”. 
Sức làm không còn như trước. Ví dụ ngày xưa một ngày tôi quay 7 cái tấu hài nhẹ tênh, không sao nhưng giờ bắt tôi quay như vậy chắc tôi… đuối quá. Cái đầu của tôi không giống như ngày xưa, không nhanh nhẹn, có lẽ một phần là do mình cũng đã lớn tuổi”. 

Nghệ sĩ hài có thêm một nỗi đau là lúc buồn cũng phải làm cho người ta cười? 

- Đây chính là hoàn cảnh của tôi, lúc trước, mẹ mất mà tôi không hề hay biết. Đêm đó, tôi đi hát cải lương, ra sân khấu diễn hài cho mọi người cười rần rần nhưng về đến nhà thì thấy mẹ mình nằm đắp chiếu, nước mắt cứ thi nhau tuôn xuống. Hồi đó tôi nghèo lắm. Mẹ mất mà còn không biết có tiền để làm ma chay chỉn chu như người ta không nữa. Mấy anh em trong đoàn gom góp tiền lại mua cho mẹ tôi quan tài. Tối, tôi cũng phải đi diễn, vẫn phải hát vì nguyên đoàn năm mươi mấy người không diễn người ta sống làm sao, khổ là khổ vậy.

Tôi muốn tâm sự một điều, người nghệ sĩ hài làm vui cho mọi người xong là mình buồn nhất. Có những đêm về mình buồn thúi ruột, thúi gan, đủ thứ buồn, chuyện gia đình, chuyện xã hội, chuyện bạn bè xung quanh…. Mà người nghệ sĩ hài là người nhạy cảm, dễ buồn nhất trong đêm, hát xong diễn xong người ta về nhà. Còn mình có khi có chuyện buồn, mình ngồi tâm sự, uống 1-2 chai bia hoặc buồn là ngồi một mình. Tôi thích ngồi một mình, mỗi khi không vui, sau khi diễn xong tôi hay kiếm chỗ nào vắng uống cà phê, ngồi chơi cho khuây khỏa đầu óc một chút rồi mới về nhà.

Nếu để Bảo Trung nói về Bảo Trung thì anh sẽ nói gì về mình với khán giả?

- Tôi  chỉ nói một câu một đó là tôi yêu nghề. Nếu như gia đình ruồng bỏ tôi và bắt tôi phải chọn một trong hai, dừng nghề lại để về sống với gia đình thì tôi sẽ chọn nghề. Tôi chấp nhận đánh đổi tất cả để được sống với nghề, sống với đam mê vì khán giả còn yêu mến tôi, tôi còn hát đến khi nào mọi người không còn ai nhớ đến Bảo Trung thì thôi. Dù chỉ còn một người yêu thích, tôi vẫn sẽ  theo đuổi nghiệp diễn, ca hát.  Tôi đã có gia đình đầy đủ những nếu phải đánh đổi thì tôi vẫn sẽ chấp nhận để được theo nghề. 

Xin cảm ơn anh!
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem