Đánh lớn có chắc thắng lớn?

Thứ ba, ngày 20/02/2018 13:31 PM (GMT+7)
Trong các cuộc họp của Bộ Chính trị, Tổng bí thư Lê Duẩn nhấn mạnh, mối nguy của hành động quân sự mang tính quyết định có thể đến từ phía Mỹ nếu không tìm ra được một giải pháp nhằm giành thắng lợi một cách mạnh mẽ, nhanh chóng.
Bình luận 0

50 năm trước, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1968 đã làm rung chuyển miền Nam Việt Nam và cả nước Mỹ. Cú đánh chiến lược của Quân đội Nhân dân Việt Nam khiến cho quân Mỹ phải thay đổi chiến lược chiến tranh tại Việt Nam, từ “tìm và diệt” sang “quét và giữ”, buộc người Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và góp phần dẫn tới Hiệp định Paris năm 1973, khi người Mỹ chấp nhận rút quân khỏi Việt Nam. 50 năm qua, nhiều nhà nghiên cứu Mỹ đã dày công tìm hiểu về cuộc tấn công chiến lược này. Một trong số đó là cuốn sách về "bí ẩn" cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 của nhà báo Merle L. Pribbenow, được xuất bản tại Mỹ năm 2008. Tạp chí Khám phá trân trọng giới thiệu tới bạn đọc phần trích lược từ cuốn sách này do dịch giả Nguyễn Việt dịch.

Các sĩ quan cao cấp của Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị cho những người chịu trách nhiệm lên kế hoạch là trong khi làm dự thảo kế hoạch, họ cần tính đến các “yếu tố chính trị” - cuộc bầu cử tổng thống tại VNCH vào ngày 9.1967 và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.1968.

Ban lãnh đạo đặt ra các mục tiêu cần đạt được nhằm giành thắng lợi mong muốn: (1) “tiêu diệt” 150.000 lính Mỹ, bao gồm cả việc tiêu diệt ba trên năm lữ đoàn Mỹ, (2) “tiêu diệt” 300.000 quân VN Cộng hòa, bao gồm cả việc tiêu diệt từ sáu đến bảy sư đoàn, (3) “giải phóng” từ 5 đến 8 triệu người dân miền Nam và (4) “giải phóng” các thành phố Đông Hà và Quảng Trị, tiêu diệt các căn cứ địch tại Ban Mê Thuột và Kon Tum, và tiến hành các đợt tấn công vào Huế, Sài Gòn, cũng như thủ phủ của nhiều tỉnh.

img

Các đồng chí lãnh đạo Phân khu 1 (Sài Gòn - Gia Định) họp bàn kế hoạch tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968.

Tiểu ban của Bộ Chính trị chuyên trách chiến tranh tại miền Nam gặp nhau nhiều lần trong khoảng thời gian từ cuối tháng Tư tới tháng 6.1967 nhằm xem xét kế hoạch do Bộ Tổng Tham mưu vạch ra. Ngay cả Tổng Tham mưu trưởng, tướng Văn Tiến Dũng, cũng không hài lòng với kế hoạch. Nhiều năm sau, Tướng Văn Tiến Dũng nhớ lại:

“Kế hoạch đã được trình lên Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, nhưng càng nghĩ về nó, chúng tôi càng cảm thấy bất an. Kế hoạch giống như kế hoạch của chúng ta cho chiến dịch đông-xuân trước đó, khác biệt duy nhất là các mục đích cao hơn. Các mục tiêu và các chiến thuật, phương pháp đánh trận, đều vẫn giống như những gì chúng ta đã thực hiện năm trước đó, nhưng thực tế mặt trận cho thấy chúng ta sẽ không thể đạt được các mục tiêu ấy.”

Theo một bộ sách của Cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng Tham mưu, khi những mối quan ngại được trình bày về các khiếm khuyết của kế hoạch, Tướng Nguyễn Chí Thanh, người ở Hà Nội từ đầu năm 1967, chỉ trả lời rất đơn giản bằng cách yêu cầu Cục Tác chiến tiếp tục nghiên cứu các ý đồ chiến lược với mục đích sao cho các lực lượng của mình có thể được đưa tới điểm nơi có thể hoàn thành các mục tiêu đã định.

Vấn đề có vẻ như là không thể giải quyết. Một cuốn sách của Hà Nội cho biết, vào thời điểm kết luận của cuộc họp Bộ Chính trị tháng 6.1967 nhằm xem xét kế hoạch của Bộ Tổng Tham mưu cho cuộc tấn công 1968, “Bộ Chính trị không thể hình dung được là một thắng lợi mang tính quyết định có thể đạt được trong năm 1968 thông qua các trận đánh quy mô lớn… Sau hai năm trực tiếp chiến đấu chống lại quân đội Mỹ… VN nhận ra rằng việc tiêu diệt hoàn toàn một đơn vị cấp đại đội hoặc tiểu đoàn… là rất khó.”

img

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1967.

Trong các cuộc họp của Bộ Chính trị, Tổng bí thư Lê Duẩn nhấn mạnh, mối nguy của hành động quân sự mang tính quyết định có thể đến từ phía Mỹ nếu không tìm ra được một giải pháp nhằm giành thắng lợi một cách mạnh mẽ, nhanh chóng.

Tổng bí thư Lê Duẩn nói, “Mỹ không còn con đường nào khác là phát huy sức mạnh quân sự. Đối phó với âm mưu này của Mỹ, ta phải đưa hoạt động quân sự lên một bước mới, đến mức Mỹ không chịu nổi và phải chấp nhận thất bại về quân sự, cô lập về chính trị. Nếu ta thực hiện được, Mỹ sẽ phải rút khỏi miền Nam.”

Vào buổi sáng sớm ngày 6.7.1967, sau bữa cơm tạm biệt trước khi ông lên đường quay về mặt trận miền Nam, tướng Nguyễn Chí Thanh lên cơn nhồi máu tại nhà riêng ở Hà Nội. Ông được đưa ngay vào Bệnh viện Quân đội 108, bệnh viện tốt nhất trên toàn miền Bắc, nhưng vào lúc chín giờ sáng, trái tim ông đã ngừng đập.

PV (Khám Phá)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem