95% thuốc BVTV nằm trên giấy
Trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) của VN hiện có trên 800 hoạt chất, hỗn hợp các hoạt chất và gần 4.000 tên thương phẩm thuốc BVTV và thuốc điều hoà sinh trưởng cây trồng. Tuy nhiên theo ông Trương Quốc Tùng - Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam, chỉ có khoảng 5% trong số đó được nông dân thường xuyên sử dụng.
|
Nông dân sử dụng rất ít thuốc BVTV có trong danh mục. |
Riêng ở đồng bằng sông Hồng chỉ khoảng 25-30 loại thuốc BVTV được nông dân thường xuyên sử dụng trên lúa, rau. "Đã đến lúc xây dựng chiến lược quản lý thuốc BVTV, bởi hiện nay công tác này đang bộc lộ quá nhiều bất cập, trong khi nó liên quan đến hàng chục triệu nông dân VN"- ông Tùng cho biết.
Cũng theo ông Tùng, trong khi nguồn gốc xuất xứ của nhiều thuốc BVTV còn mập mờ thì một hoạt chất lại có quá nhiều tên thương mại, thậm chí một hoạt chất có đến 188 tên thương mại. Như vậy chẳng khác nào đánh đố người nông dân. Hơn nữa, danh mục thuốc BVTV chỉ có đưa vào chứ không có loại ra. Vì thế, những loại thuốc không được sử dụng thường xuyên thì chỉ cần thẩm định rồi đưa ra khỏi danh mục thay vì phải khảo nghiệm sau 3 năm.
Ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục BVTV thừa nhận, từ trước đến nay, nước ta chưa có cơ chế để loại bỏ những loại thuốc đã lạc hậu, không còn chỗ đứng trên thị trường, những thuốc hiệu lực thấp. Vì vậy, cần phải có hàng rào để tăng cường công tác quản lý thuốc, không để cho những thuốc độc hại, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường vào trong danh mục thuốc.
Dự kiến, đến tháng 3.2012, danh sách các loại thuốc BVTV có độ độc cao, tồn dư lâu trong môi trường được đưa ra khỏi danh mục thuốc BVTV của Bộ NNPTNT sẽ được công bố và có hiệu lực chính thức. Đến năm 2012, Việt Nam sẽ cắt giảm 20% và đến năm 2014 là 50% số lượng thuốc có trong danh mục.
Trăm dâu đổ đầu… nông dân
Trong khi công tác quản lý còn nhiều bất cập thì tình trạng thuốc BVTV giả, kém chất lượng vẫn tiếp tục hoành hành. Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, những vi phạm này chủ yếu là vi phạm nhãn mác, chỉ 1,5-2% là những vụ vi phạm liên quan đến thuốc giả. Tuy nhiên, điều đáng nói là dù tỷ lệ thuốc BVTV giả nhỏ nhưng lại tập trung vào những loại thuốc có giá thành cao, vì thế thiệt hại cho nông dân là rất lớn.
Ông Trần Quang Hùng - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV VN cho rằng, quản lý thuốc BVTV không chỉ là quản lý nguyên liệu đầu vào mà cần đặc biệt chú ý quản lý sản phẩm đầu ra. "Một số doanh nghiệp đăng ký nhập một hoạt chất cho phép sử dụng, nhưng lại chế biến rồi đưa ra thị trường một loại sản phẩm khác. Tình trạng gian lận trong thương mại cần phải chấm dứt để đảm bảo lợi ích cho nông dân" - ông Hùng nhấn mạnh.
Hàng năm, Bộ NNPTNT vẫn ban hành danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng và hạn chế sử dụng tại thị trường. Vì vậy, trong dự thảo thông tư mới để thay thế Thông tư 38 về quản lý thuốc BVTV đang có hiệu lực, sẽ loại bỏ nhiều loại thuốc BVTV ra khỏi danh mục.
Thực tế hiện nay, Thông tư 38/2010 của Bộ NNPTNT về hướng dẫn quản lý thuốc BVTV đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở này để gia tăng hành vi gian lận. Nếu các nước chỉ cho phép nhập khẩu sản phẩm thuốc BVTV không quá 2 hoạt chất, thì theo thông tư trên, VN cho phép nhập khẩu các sản phẩm thuốc BVTV hỗn hợp có tới 3 - 4 hoạt chất…
"Việc sửa đổi, bổ sung thông tư mới thay thế Thông tư 38 nhằm quản lý có hiệu quả hơn vấn đề sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV. Riêng vấn đề thuốc BVTV giả, kém chất lượng, chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan an ninh, chính quyền địa phương xử lý quyết liệt" - ông Hồng cho biết thêm.
Hữu Thông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.