|
Trận đấu giữa M. Nam Định và XM Hải Phòng chiều 16-5 diễn ra đầy bạo lực. |
Từng là một cầu thủ và hiện là HLV, ông nghĩ thế nào khi bạo lực sân cỏ ngày càng bùng phát?
- Mỗi người có cách nhìn chuyên môn khác nhau, nhưng bản thân tôi không cho rằng những gì đang diễn ra là bạo lực sân cỏ. Tuy nhiên, chỉ tính riêng 6 cặp đấu vòng 12 cuối tuần qua, các trọng tài đã rút ra 38 thẻ vàng (trung bình 6,33 thẻ/trận), 3 thẻ đỏ (trung bình 0,5 thẻ/trận) - là những con số đáng phải suy nghĩ...
Nếu chỉ nhìn vào số thẻ phạt để kết luận một điều gì đó thì không thuyết phục. Cần phải phân định rõ những pha vào bóng quyết liệt với những động tác ác ý, triệt hạ đối phương. Tại sao ở cấp độ đội tuyển, cầu thủ vào bóng quyết liệt thì lại được cho là dũng cảm, còn cũng với cách thi đấu đó, về CLB lại bị coi là đá "láo".
Ở giải Ngoại hạng Anh và các trận đấu lớn trên thế giới, các cầu thủ vẫn chơi rất quyết liệt. Không ít trận, trọng tài cũng rút ra nhiều thẻ, nhưng mọi chuyện vẫn bình thường đấy thôi. Bóng đá có luật chơi của nó, và những người trong cuộc phải tuân thủ. Tôi nghĩ những hành vi phi thể thao, đánh nhau trong hay ngoài sân cỏ giữa các cầu thủ mới là bạo lực, đáng lên án.
Thời gian qua, SLNA được mệnh danh là đội bóng "chém đinh chặt sắt". Trận đấu trên sân Pleiku vừa qua, đội bóng của anh cũng nhận tới 4 thẻ vàng. Có thông tin cho rằng BHL đã khuyến khích các cầu thủ của mình đá rắn để giành kết quả có lợi?
- Theo tôi, muốn phản ánh điều gì thì phải tới sân xem, chứ cứ ngồi nhà mà nói thì buồn lắm. Tôi không hiểu tại sao sự chỉ trích cứ hướng vào SLNA, trong khi các đội khác như Đồng Tháp, ĐT.LA... lại được cho qua.
Thực tế, trước mỗi trận đấu tôi luôn nhắc nhở các học trò đá hết mình, cống hiến. Những cầu thủ "dính" thẻ vàng không đáng có đều bị nhắc nhở, thậm chí kỷ luật nội bộ chứ không hề dung túng. Mỗi đội bóng có lối chơi riêng, SLNA đá mạnh mẽ nhưng không bao giờ cố ý gây chấn thương cho đối phương.
Thời của tôi, những trận đấu giữa SLNA - Thể Công luôn rất "nóng" nhưng có thấy ai nói gì đâu. Nghĩ cũng lạ, hai đội mà đá hoà nhã, người ta lại cho rằng tiêu cực, có "mùi" tình cảm. Còn đá mạnh, thì lại bị cho là bạo lực. Bóng đá Việt Nam đã và đang tiến lên chuyên nghiệp nên cần phải có những cách nhìn chuyên nghiệp hơn.
Ông có cho rằng việc trọng tài bỏ sót lỗi là nguyên nhân khiến cầu thủ không giữ được sự bình tĩnh, dẫn tới những pha vào bóng thô bạo?
- Những trọng tài nổi tiếng trên thế giới vẫn mắc sai lầm đấy thôi. Tôi không phàn nàn về công tác trọng tài bởi họ cũng là con người chứ không phải rô-bốt. Nếu trọng tài sai đã có Hội đồng trọng tài, Ban kỷ luật xem xét. Mới đây, trường hợp của Benicio (Hà Nội T&T), Đình Tùng (LS.Thanh Hoá) đều đã bị "xử nguội", phạt 5 triệu đồng, treo giò 2 trận.
Nhưng từng đó có vẻ vẫn chưa đủ để loại bỏ bạo lực sân cỏ?
- Bóng đá mỗi thời mỗi khác, và luôn có những đặc trưng riêng. Trong tương lai, khi có những bước tiến đồng bộ từ nhiều phía, ý thức cầu thủ thật chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn tốt lên... thì thứ "bóng đá xấu xí" sẽ bị triệt tiêu.
Xin cảm ơn ông!
Lê Đức (thực hiện)
Chinedu sẽ bị phạt nặng
Trong trận tiếp XM.Hải Phòng cuối tuần qua, trung vệ Chinedu (M.Nam Định) đã hai lần đánh nguội đối với Lazaro và Đinh Hoàng Max nhưng trọng tài chính Hoàng Anh Tuấn đều không quan sát được.
"Đó là những tình huống mà góc quan sát của trọng tài không thuận lợi nên trọng tài sẽ không bị kỷ luật. Toàn bộ băng hình, báo cáo của giám sát đã được gửi cho BTC giải, Ban kỷ luật VFF, và Chinedu khó thoát khỏi án phạt nặng"- ông Nguyễn Văn Mùi, Chủ tịch Hội đồng trọng tài Quốc gia cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.